Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ tình cảm, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình đã có từ lúc tạo thiên lập địa và đang trên đường lữ hành tới ngày tận cùng thế giới. Như vậy, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội. Ngược lại, xã hội cũng tạo ra nhiều tình huống gia đình khác nhau.
Thông thường, gia đình gồm cha mẹ và con cái, gọi là gia đình hạt nhân. Khi con cái lập gia đình và có con cái, cha mẹ đó trở thành ông bà nội, ngoại, gồm ba thế hệ, gọi là gia đình truyền thống hay tam đại đồng đường. Cao hơn nữa là tứ đại đồng đường gồm các cụ nội, ngoại, ông bà nội ngoại, cha mẹ và con cái.
Tam đại đồng đường, Tứ đại đồng đường – Nét đẹp văn hóa gia đình
Những tưởng trong thời đại hiện nay, chủ nghĩa cá nhân được đề cao thì mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường trở nên lạc hậu. Nhưng trên thực tế, mô hình này vẫn tồn tại song song với mô hình gia đình hạt nhân, thậm chí nó còn có những ưu điểm vượt trội…Cái lợi vô giá mà tất cả các thành viên nhận được là về mặt tình cảm.
Thật vậy, đối với người lớn tuổi, nhất là những người đã về hưu, khi giúp con cháu một số công việc trong gia đình, họ vui vì thấy mình là người có ích. Mặt khác, việc ở cạnh con cháu cũng giúp người già yêu đời, an tâm hơn và được chăm sóc tốt hơn. Thực tế cho thấy, sự thu nhỏ quy mô gia đình theo hướng con cái khi có gia đình riêng sống tách rời cha mẹ đã khiến người già có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh cô đơn và khủng hoảng tâm lý.
Với con cháu, việc chung sống cùng ông bà giúp trẻ an toàn hơn, phát triển toàn diện hơn, đặc biệt là trong việc hình thành nhân cách. Còn với những người trưởng thành, việc chung sống với người lớn tuổi giúp họ chín chắn hơn, giảm được nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè và ngoại tình… hơn hẳn những người sống trong gia đình hạt nhân – những người có quyền quyết định tất cả các hoạt động của mình.
Gia đình là nền tảng của xã hội, Đức Giáo Hoàng Lê-ô 13 nói: “Gia đình thế nào, xã hội thế ấy”. Gia đình còn là một tế bào sống động của Giáo Hội, là một Giáo Hội nhỏ của Chúa Kitô. Giáo Hội có thể thay đổi đường lối làm tông đồ, thay đổi hình thức các hội đoàn, nhưng sẽ không thể tiếp tục đứng vững nếu hủy bỏ cơ cấu gia đình.
Vậy muốn có một xã hội tốt đẹp, lành mạnh, muốn cho Giáo Hội lớn mạnh và chu toàn sứ mệnh, thì việc nhiều thế hệ sống trong một mái ấm gia đình sẽ là sợi dây thiêng liêng kết nối mọi thành viên trong giờ kinh nguyện và học hỏi Lời Chúa, loan báo Tin Mừng cho muôn dân như Chúa đã trao phó, thì việc phải làm trước hết và căn bản là xây dựng, củng cố và thánh hóa gia đình tín hữu. Đặc biệt, việc đọc kinh tối trong gia đình là một phương thế hữu hiệu vào bậc nhất đối với tâm lý cũng như hoàn cảnh Việt Nam chúng ta.
Người già là điểm tựa cho con trẻ. Từ bao đời nay, sống chung nhiều thế hệ trong một gia đình đã trở thành thói quen, nếp sống truyền thống của người Việt Nam, thể hiện sự uy nghiêm của gia đình “có trên có dưới”. Tình cảm giữa các thành viên vì thế bền chặt hơn. Mọi người có điều kiện quan tâm đến nhau hàng ngày. Trẻ nhỏ sống trong môi trường như vậy được thừa hưởng những giá trị truyền thống tốt đẹp từ các thế hệ đi trước.
Tất nhiên, mô hình gia đình nhiều thế hệ có một vài điểm yếu là đời sống riêng tư của các thành viên chưa được đề cao, mâu thuẫn và xung đột giữa các thành viên dễ phát sinh. “Chìa khóa” mấu chốt hóa giải phức tạp này, chính là sự nhường nhịn, thấu hiểu và quan tâm lẫn nhau của tất cả các thành viên trong gia đình.
Dù xã hội thay đổi thế nào thì người già trong gia đình nhiều thế hệ sẽ vẫn làm “cái gốc” gia phong thêm vững. Bởi, sống trong gia đình nhiều thế hệ, mỗi thành viên đều phải tự điều chỉnh các hành vi và mối quan hệ của mình cho phù hợp…
Cây có gốc, có rễ chắc chắn, cành và ngọn mới phát triển xum xuê. Gia đình là tế bào của xã hội, nếp nhà trong mỗi gia đình mà giữ được sẽ làm cho xã hội trật tự và đi đúng hướng hơn, tình cảm giữa con người với nhau sẽ đằm thắm hơn.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa già với trẻ là tất yếu vì già đã qua thời trẻ, còn trẻ thì chưa tới tuổi già. Sự khác biệt thế hệ là một rào cản khiến nhiều gia đình tam đại đồng đường khó tìm được tiếng nói chung trong sinh hoạt hằng ngày và trong lối sống. Do trải qua những tháng ngày vất vả, nghèo túng nên người già rất tiết kiệm, chắt chiu, không muốn loại bỏ những thứ còn dùng được dù đã lỗi thời, đặc biệt là những kỷ vật, đồ dùng cá nhân, thường biến nhà thành cái kho chứa đồ cũ. Không chỉ khác nhau trong sinh hoạt mà mâu thuẫn già – trẻ thường phát sinh khi đụng tới vấn đề “lập trường – quan điểm”. Người già thường theo những nếp suy nghĩ cũ, khó thích nghi với lối sống hiện đại; trẻ thường chê già trái tính, khó chịu…
Tìm tiếng nói chung
Người già phải đối mặt với quá trình suy thoái theo quy luật tự nhiên. Sức khỏe giảm sút, không còn nhanh nhẹn như xưa. Ký ức của người già chủ yếu là về những sự kiện thời trẻ, những lối sống, hoàn cảnh cũ mà tuổi trẻ không thể cảm nhận được, còn những việc trong hiện tại lại mau quên… Bởi vậy, con cháu cần phải hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý của tuổi già để hiểu và thông cảm với các cụ, ông bà và cha mẹ hơn. Tuy nhiên, người già có những ưu điểm mà người trẻ không thể có được là sự bao dung và tình thương vô bờ, luôn dành cho con cháu phần tốt nhất, vì với họ con hay thì được nhờ, con dở thì mình đành chịu. Người già là một kho kinh nghiệm và là cầu nối giữ gìn truyền thống của gia tộc…
Đối với người già, để không cản trở cuộc sống của con cháu mình, cần tích cực tham gia xây dựng đại gia đình, có thể chủ động bàn bạc với con cái để tìm ra cách giải quyết ổn thỏa nhất cho cả hai thế hệ già – trẻ, cố gắng khắc phục những “khoảng trống” theo hướng tích cực. Đối với người trẻ cũng cần phải tôn trọng ý kiến, sở thích của các cụ, ông bà và cha mẹ. Cần phải luôn ghi nhớ lời người xưa đã dạy: “Trẻ nhờ cha, già cậy con”.
Gia đình hạt nhân hay đại gia đình tam-tứ đại đồng đường đều có những vẻ đẹp và đương nhiên cũng có một vài nét ít đẹp, vì tất cả đều là con người. Nhưng dù sao, những ai đã hơn một lần chứng kiến cảnh tượng “về quê ăn tết” hoặc “về quê xum họp gia đình” của làn sóng người từ các tỉnh và thành phố, cách riêng từ thành phố Hồ Chí Minh hoặc từ Hà Nội; chắc chắn sẽ đồng cảm với vịnh gia thời Cựu Ước trong Thánh Vịnh 133, khi họ cùng trẩy hội lên đền thờ Giêrusalem, để anh chị em cùng nhau thờ phượng Thiên chúa và sống vui, hạnh phúc bên nhau:
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống vui vầy bên nhau.”