fbpx

NIỀM VUI “ĐƯỢC CHÚA YÊU ĐẾN CÙNG”


 Trước lễ Vượt Qua,
Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến,
 giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.
Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian,
và Người yêu thương họ đến cùng.[1]

Thánh sử Gioan đã kể lại cách thức Chúa Giêsu đã thể hiện “tình yêu đến cùng” của Ngài với các môn đệ, cũng là với tất cả chúng ta, trong bầu khí rất thân tình, ấm áp và linh thiêng giữa Thầy-trò của một bữa ăn và là bữa ăn cuối cùng.

 Vì yêu đến cùng, Ngài đã có những sáng kiến tuyệt vời để có thể dâng hiến tất cả cho người mình yêu, đó là lấy chính Thịt Máu mình là của ăn thức uống cho con người và để được kết hợp nên một và ở lại với con người. Vì yêu đến cùng, Ngài hạ mình rửa chân cho các môn đệ như một người tôi tớ đối với chủ và lấy khăn thắt lưng của mình mà lau; sau đó Ngài giải thích ý nghĩa của việc làm này và mong ước họ cũng làm như vậy với nhau và với những người họ có trách nhiệm; làm được như vậy là có phúc, vì được nên giống Thầy. Vì yêu đến cùng, Ngài đón nhận chén đắng Cha trao với tất cả những hệ lụy của nó, ngay cả bị tan xương nát thịt và nhất là bị chính môn đệ của mình phản bội.

“Tình yêu đến cùng” là thế đó! Tình yêu hiến dâng là thế đó! Là cho đi tất cả và cho đi chính mình! Chúa Giêsu đã đón nhận tình yêu này từ nơi Cha, đã cảm nếm và vui sướng vì được Cha yêu thương.[2] Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu cũng đã trải nghiệm tình yêu hiến dâng này từ nơi Chúa Cha và đã tôn vinh tình yêu này qua bài ca Magnificat[3]. Ba mươi năm sống gắn bó với Con và ba năm theo con trên đường sứ vụ, Mẹ trải nghiệm cách cụ thể hơn nữa “Tình yêu đến cùng” này.  

Đặc điểm của “Tình yêu đến cùng” này là cho đi, cho đi cách vô vị lợi, chỉ nhắm mang lại hạnh phúc cho người mình yêu; nhưng hoa trái của nó là niềm vui thì lại được trao ban  cho cả hai bên. Thật vậy, trong bầu khí của bữa Tiệc Ly, với những tâm sự của Thầy và những gì đang diễn ra làm cho không những các môn đệ buồn phiền, lo lắng, mà ngay cả Chúa Giêsu cũng xao động[4]. Ấy thế mà Chúa Giêsu khẳng định: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”[5] Niềm vui này không dừng lại nơi cái chết của Chúa Giêsu, nhưng tiếp nối khi Chúa phục sinh và ngay cả sau khi Chúa về trời.[6]

Niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” này là niềm vui được hưởng ơn cứu độ, nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, nghĩa là được hưởng niềm vui của cuộc sống đời đời với Thiên Chúa Ba Ngôi và các Thánh. Mẹ Maria của chúng ta là thụ tạo đầu tiên được hưởng trọn vẹn niềm vui này; chính Giáo Hội đã ca tụng Mẹ: “Mng vui lên, ly M su bi, xưa kia cùng vi Con yêu du, M thông phn đau kh; ngày nay M li được cùng Người chung hưởng phúc vinh quang.”[7]

Đây chính là niềm vui mà ĐTC Phanxicô đã mời gọi chúng ta trong tông huấn NVTM 1: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và trọn cuộc sống của những ai gặp gỡ Đức Giêsu”.

 Chính niềm vui Tin Mừng này đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn thánh thiện, giúp họ cũng sống “tình yêu đến cùng” noi gương Chúa Giêsu. Cha Thánh Vinh Sơn và Mẹ thánh Louise đã thực hành Lời Chúa Giêsu truyền dạy và đã hưởng “niềm vui trọn vẹn” như Ngài đã hứa. Thật vậy, sau một thời gian nhận trách nhiệm linh hướng cho bà Louise, cha Vinh Sơn đã định hướng cho bà: “Hãy sống vui tươi, trong tư thế muốn tất cả những gì Thiên Chúa muốn. Và bởi vì ý muốn tốt lành của Ngài là chúng ta luôn sống trong niềm vui thánh thiện của Tình Yêu Ngài, nên chúng ta hãy sống như thế và hãy gắn bó keo sơn với nó ngay từ đời này, để trở nên cùng một điều đó trong Ngài mai sau.[8]

Mẹ Louise đã trung thành đi theo sự hướng dẫn của cha Vinh Sơn, dù trải qua biết bao thăng trầm, thậm chí nhiều khi là “sóng to gió lớn” trong việc điều hành Tu Hội Nữ Tử Bác Ái và việc phục vụ Chúa Kitô nơi anh chị em nghèo khổ, và Mẹ đã được hưởng niềm vui này: “Thưa cha, tâm hồn con tràn đầy niềm vui khi hiểu rằng dường như Thiên Chúa đã nói với con: ‘Chúa là Thiên Chúa của con!’ Và với những tâm tình được soi sáng rằng tất cả các thánh đều làm chứng về chân lý này, đã không thể ngăn cản con không thưa chuyện với cha tối nay, khẩn nài cha giúp con sử dụng niềm vui vỡ lở này và dạy con một điểm thực hành nào đó cho ngày mai, ngày lễ kính vị thánh mà con hân hạnh được mang tên ngài, ngày lập lại lời khấn của con; vì cả hai lý do đó, con ước muốc được tham dự Thánh Lễ do cha dâng; xin cha vui lòng cho con biết giờ lễ như con đã khiêm tốn nài xin cha, trong hy vọng.[9]

Cha thánh Vinh Sơn đã trả lời mẹ Louise, ngay bên lề của lá thư trên: “Xin chúc tụng Chúa, thưa Cô, về những sự trìu mến mà Thiên Chúa ưu ái dành cho cô. Cô cần đón nhận nó với lòng kính trọng và sùng mộ, và nhắm tới một thánh giá nào đó Ngài đang chuẩn bị cho Cô. Lòng nhân từ của Ngài thường có thói quen báo trước như thế cho các linh hồn Ngài yêu mến, khi Ngài muốn đóng đinh họ. Ôi! Thật là hạnh phúc có được một sự quan phòng đầy tình phụ tử của Thiên Chúa trên mình, và điều này phải làm tăng thêm đức tin, sự tin tưởng vào Thiên Chúa và yêu mến Ngài hơn bao giờ hết. Này Cô, Cô hãy làm ngay công việc này mà Cô phải làm, tốt hơn là ngay hôm nay. Tôi sẽ tham dự vào niềm an ủi của Cô, cũng như tôi tự nguyện tham dự vào thánh giá của Cô, qua hy lễ thánh mà tôi hy vọng sẽ tiến dâng hôm này vào khoảng từ 8 đến 9 giờ.”

Thật là chính đáng và hạnh phúc biết bao trong cả mùa phục sinh này, cùng với Giáo Hội chúng ta được cất cao ngày ba lần lời reo mừng: Lạy Nữ Vương Thiên đàng hãy vui mừng. Alleluia.Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Alleluia.Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Alleluia.Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Alleluia.Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria, hãy hỉ hoan khoái lạc. Alleluia.Vì Chúa đã sống lại thật. Alleluia.

Chúng ta hãy khẩn khoản nài van Mẹ chuyển lên Chúa lòng biết ơn Chúa về niềm vui trọn vẹn Chúa ban cho chúng ta, và nhờ lời Mẹ chuyển cầu, xin cho niềm vui ấy đạt tới viên mãn là hạnh phúc đời sau, chúng ta sẽ được chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi và cùng với các thần thánh trên thiên đàng ca tụng Chúa đã yêu thương chúng ta đến cùng!


[1] Ga 13,1
[2] Ga 15, 9
[3] Lc 1, 46-55
[4] Ga 13, 21
[5] Ga 15, 9-11
[6] Lc 24, 41. 52
[7] ĐC Tin Mừng lễ Đức Mẹ sầu bi
[8] Tài liệu 11, trang 18, ngày 09.02.1628
[9] Mẹ Louise, bút tích ngày 24.8 (trước 1650)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *