Trái Đất
Món quà của Thiên Chúa ban tặng
Xin cho các nhà chính trị, khoa học và kinh tế hợp tác với nhau để bảo vệ biển khơi và đại dương.
Cứ mỗi độ thu về, khắp các trường học nô nức tiếng học sinh trở lại tựu trường. Ngày lễ khai giảng là thời gian đánh dấu một năm học mới, với tiếng trống rộn ràng, với cờ, hoa và cả bóng bay nữa. Nhưng mùa khai trường năm nay thật khác, nhiều ngôi trường đã nhận thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường bằng hành động không thả bóng bay.
Hành động ấy được truyền cảm hứng từ cô bé Nguyễn Nguyệt Linh- một học sinh lớp 5 qua bức thư gửi thày hiệu trưởng của mình với câu hỏi “trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng, hoặc hạn chế số lượng bóng bay có được không“?[1] Bức thư nhanh chóng được lan tỏa và lời đề nghị đó nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng, một thói quen tưởng như là “sang trọng” nhưng lại làm gia tăng lượng rác thải ra môi trường, và có thể gây hại đến các loài chim hay sinh vật mắc phải xác bóng bay. Một ý tưởng đẹp và ý nghĩa sâu sắc của cô bé lớp 5 khiến nhiều người lớn giật mình, đồng thời phản ánh vấn nạn ô nhiễm môi sinh đáng báo động trên thế giới và ở Việt Nam.
Theo thống kê của báo Wall Street Journal công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về thải rác, thải nhựa ra biển, chất lượng không khí tại hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh thường xuyên ở mức độ nguy hiểm. Bạn có nhìn thấy những dòng sông “chết” bốc mùi hôi thối chạy dài giữa các thành phố hiện đại, bạn có biết những dòng sông băng tại Bắc Cực đang tan chảy do tác động của việc nóng lên toàn cầu có thể nhấn chìm các tỉnh Tây Nam Bộ trong một vài thập niên tới. Cùng với đó, sự đa dạng sinh học trên thế giới đang bị đe dọa do những thảm họa cháy rừng, xả rác thải bừa bãi, và sự săn bắt quá giới hạn của con người. Bạn có nghe thấy tiếng mẹ Thiên Nhiên đang kêu khóc vì những tàn phá mỗi ngày. Một hành tinh xanh, hành tinh sự sống xinh tươi được Thiên Chúa tạo dựng và chúc phúc đang đứng trước những hiểm họa khôn lường.
Thật vậy, trình thuật Sáng thế ngay từ những trang đầu đã cho chúng ta biết người chủ thực sự của Trái Đất này chính là Thiên Chúa: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”[2].Lời nhắc nhở đó vẫn được vang lên trong Bài Đọc I đêm lễ Vọng Phục Sinh, và trong lời kinh Tin Kính mà chúng ta đọc mỗi Chúa Nhật: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Thiên Chúa sáng tạo trời đất, muôn vật, Ngài ban nắng mưa, ngày đêm, sáng tối… mọi thứ thật hài hòa và tốt đẹp. Ngài đặt con người để quản lý và làm chủ hết mọi loài: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”[3].
Con người bằng những phát minh và khám phá khoa học kỹ thuật của mình đã làm chủ được vạn vật trên thế giới và đang ôm khát vọng chinh phục, làm chủ không gian. Nhưng trong những khát vọng và mơ ước ấy, con người quên đi người chủ thực sự của tất cả là chính Thiên Chúa. Một số quốc gia và công ty sử dụng các nguồn lực khổng lồ của mình khai thác tài nguyên và sản xuất nhằm tăng sản lượng kinh tế và làm giàu cho chính mình, nhưng lại xả thải các chất ô nhiễm ra không khí và vào nguồn nước, khiến cả nhân loại phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng hiệu ứng nhà kính, đời sống sinh hoạt và sinh kế của những người nghèo bị ảnh hưởng trầm trọng bởi nguồn nước bị ô nhiễm.
Những tháng mùa hè vừa qua chúng ta liên tục chứng kiến những cánh rừng bị cháy ở khắp nơi trên thế giới, mà phần lớn nguyên nhân xuất phát từ những hoạt động khai thác của con người. Điển hình là sự kiện cháy rừng Amazon gần đây đã trở thành vấn đề quan tâm của cả nhân loại chứ không phải của riêng các nước Nam Mỹ. Rừng nhiệt đới Amazon rộng 5,5 triệu km2 (gấp gần 17 lần diện tích Việt Nam – 331.000km2). Với diện tích bao la, hệ cỏ cây và động vật phong phú, rừng Amazon được coi là lá phổi của Trái đất. 20% lượng oxy mỗi người chúng ta hít thở mỗi giây là do khu rừng này cung cấp. Bên cạnh đó, sự đa dạng sinh học bị tàn phá nặng nề, nhiều loại động thực vật bị thiêu cháy và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Quả thế, 7 tỷ người trên thế giới tuy sống ở những quốc gia khác nhau nhưng đều chung một mái nhà Trái Đất, mỗi hành động của chúng ta đều là một tác động đến thế giới này.
Thông điệp đó cũng được thánh Phanxico Assisi gửi gắm trong tác phẩm ‘Laudato sí, mí Signore’- ‘Bài ca Vạn vật’, từ gần một nghìn năm trước. Ngài đã nhắc chúng ta rằng trái đất là căn nhà chung của mình, ‘cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay mẹ’.
Mới đây nhất, năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành thông điệp LAUDATO SI’mời gọi chúng ta ý thức về trách nhiệm của chúng ta trong việc “chăm sóc ngôi nhà chung”của chúng ta, vì đó là món quà Thiên Chúa ban tặng để cho chúng ta có thể sống. Ngài nói: “Không bao giờ chúng ta lại đối xử tàn tệ và làm thương tổn ngôi nhà chung của chúng ta như trong hai thế kỷ qua. Nhưng chúng ta đã được kêu gọi để thành khí cụ của Thiên Chúa, Cha của chúng ta, để hành tinh của chúng ta được trở nên như ước muốn của Người khi Người sáng tạo nên nó, và đáp ứng được dự kiến hòa bình, đẹp đẽ và tràn đầy.[4]
Chúng ta hãy nghe lời Vị Cha Chung của chúng ta để cùng nhau cứu và chăm sóc ngôi nhà chung này cho nó ngày càng xanh tươi tốt đẹp như thuở ban đầu Thiên Chúa dựng nên cho chúng ta ở. Mong thay!
[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/xuc-dong-la-thu-cua-co-be-hoc-sinh-chuan-bi-vao-lop-6-post200873.gd?fbclid=IwAR26-Cx5R_FuyusABIpDz-vMQI2bEFjCVoa1IWJvV2ttmV9wIaldlNndT-A
[2] St. 1, 1-2
[3] St. 1, 26
[4] ĐTC Phaxicô, thông điệp LAUDATO SI’, số 53