✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca. (Lc 13,1-9)
“Nếu các ông không chịu ăn năn sám hối, thì các ông sẽ bị chết hết y như vậy.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Thuyết Nhân – Quả có ảnh hưởng rất lớn trên các nền văn hóa. Thật vậy, khi gặp tai họa, người ta thường hỏi: “Tôi (hay người đó) đã làm gì sai mà phải chịu thế này?…” Thậm chí có người còn nghĩ điều xấu xảy đến là do bị Chúa phạt.
Thế nhưng, đứng trước những sự dữ, sự ác đang xảy ra như thế, thái độ mà Chúa muốn chúng ta phải có không là truy tìm nguyên nhân và đổ lỗi cho quá khứ của nạn nhân. Điều Chúa muốn là mỗi người chúng ta nhìn lại chính mình, “nhìn người mà ngẫm đến ta”: Tôi có cộng tác cách nào vào sự dữ đó không? Tôi có trách nhiệm trong việc đang xảy ra hay những sai lỗi nào của tôi có thể dẫn đến những hậu quả tương tự như thế? Và điều quan trọng nhất là: Tôi phải sửa lại điều gì đây?
Chúa đã nhân chuyện mấy người Galilê bị Philatô giết và việc “mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết” để mời gọi mọi người ăn năn sám hối. Ai cũng có những lỗi lầm yếu đuối vì là thân phận con người. Chúa nhắc nhở chúng ta khi chứng kiến những đau khổ của người khác biết nhìn lại chính mình và ăn năn hối cải để được cứu độ. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi và mong muốn chúng ta hoán cải trở về với Ngài dù ta có tội lỗi đến đâu đi nữa.
Thiên Chúa không tạo ra sự dữ, sự ác để trừng phạt con người, nhưng chính con người là nguyên nhân của những sự dữ đó. Thật vậy, Thiên Chúa đã ban cho con người có lý trí và tự do, và Ngài tuyệt đối tôn trọng tự do đó của chúng ta. Nhưng con người đã lạm dụng tự do của mình và hậu quả là sự dữ đã xảy đến cho nhân loại.
Chẳng hạn, dù chính quyền đã có nhiều biện pháp chế tài, nhưng các tai nạn giao thông vẫn ngày càng gia tăng vì người đi đường không tôn trọng luật giao thông, hoặc vì tài xế say xỉn; nguyên nhân của lụt lội là do con người chặt phá rừng một cách vô tội vạ, hoặc nhiều thứ bệnh tật ngày nay là do thực phẩm bẩn chứa hóa chất độc hại, hoặc có những trẻ em bị dị tật bẩm sinh không phải do di truyền, mà do cha mẹ cố ý uống thuốc vì không muốn sinh con ngoài ý muốn, hoặc chính thói quen sống vô trách nhiệm của chúng ta cũng góp phần phá hủy môi trường sống với biết bao chất độc và rác thải…
Điều Chúa cần là chúng ta biết sám hối và nhìn nhận trách nhiệm của chính mình để sửa đổi, chứ không đổ lỗi hay dửng dưng trước nỗi đau của những người xung quanh, không phủi tay trước những vấn đề của môi sinh hay hiện trạng của xã hội mà chúng ta đang sống. Cũng như cây vả được trồng và chăm sóc, nhưng nếu nó không sinh trái thì có ngày phải bị chặt đi, Chúa chờ đợi ta trổ sinh hoa thơm trái tốt cho Ngài, đó là lòng cảm thương, nhân ái, là sự công bình và chính trực.
Mẹ Maria đã suy gẫm những biến cố trong đời của Chúa Giêsu từ khi Chúa nhập thể, sinh ra, và lời tiên báo của cụ già Simêon: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng” [1]. Mẹ đã chứng kiến và hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giêsu trong mọi biến cố của Người. Mẹ biết rõ những khổ đau Chúa chịu là để cứu độ con người. Chính vì thế, thập giá Chúa Giêsu chính là mầu nghiệm để chúng ta chiêm ngắm và hoán cải hầu đón nhận ơn cứu độ. Chúa Giêsu tuy là thân phận Thiên Chúa[2] nhưng đã không khước từ thập giá. Cũng thế, tước hiệu làm Mẹ Thiên Chúa không miễn trừ cho Mẹ khỏi chịu đau khổ, và Mẹ đã đón nhận tất cả cùng với Chúa Giêsu và không đổ thừa cho ai, để cứu độ chúng ta.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi sẵn sàng đón nhận những thiệt thòi, bớt đi những tiếng nói giận hờn, để nên giống Chúa hơn.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, nhờ mầu nhiệm nhập thể, Mẹ đã được kết hợp chặt chẽ với Đức Giêsu. Xin cho chúng con còn ở trần gian giữa những mâu thuẫn, những khó khăn đau khổ của cuộc sống, cũng luôn biết kết hợp với Chúa Giêsu con của Mẹ, biết hoán cải để được bình an, và được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.