fbpx

ĐỨC CHA JEAN CASSAIGNE

ĐỨC CHA JEAN CASSAIGNE
NHÀ TRUYỀN GIÁO CỦA BỆNH NHÂN PHONG
1895-1973

ƠN GỌI LINH MỤC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM
Đức cha Jean Cassaigne  sinh ngày 30.01.1895 tại Pháp; thụ phong Linh mục ngày 19.12.1925, thuộc  Hội thừa sai Paris. Ngày 06. 4.1926 Ngài tình nguyện lên đường sang Đông Dương truyền giáo. Sau một tháng lênh đênh trên biển cả, ngài cập bến cảng Sài Gòn, sau đó về Cái Mơn với cha Delignon để học tiếng Việt. Chỉ 5 tháng sau khi đến Việt Nam, ngài được bổ nhiệm làm cha xứ Di Linh, một vùng đất còn hoang sơ của Cao nguyên Trung phần; nay thuộc tỉnh Lâm Đồng, giáo phận Đà Lạt. Nơi đây, dân cư  toàn là người Dân Tộc Thiểu Số, cuộc sống thiếu thốn khó khăn mọi bề. Giáo xứ của cha Cassaigne lúc ban đầu chỉ có 5 giáo dân gồm 3 người Việt , một “anh nuôi” và một người giúp việc.

MỐI DUYÊN VỚI BỆNH NHÂN PHONG DÂN TỘC K’HO
Đến với miền đất mới, cha Cassaigne tiếp cận  ngay với người Dân Tộc bản địa. Sự tận tâm tận lực của ngài đối với những người nghèo, người phong cùi cùng với sự tác động của Thánh Thần đã đưa đến kết quả tuyệt vời là chiều ngày 07.12.1927 một nữ bệnh nhân phong trong cơn nguy tử đã xin Cha Cassaigne rửa tội cho mình.

Kể từ đó, số giáo dân bắt đầu tăng lên. Một năm sau, giáo xứ Di Linh đã có 48 tín hữu, và cứ thế tăng dần theo thời gian. Bao lao nhọc, vất vả của “người gieo giống” nay đã  tới mùa gặt hái.

Dù bận bịu trăm công nghìn việc nhưng Cha Cassaigne vẫn dành nhiều thời gian để tìm đến với những bệnh nhân phong bị gia đình, dòng họ ruồng rẫy, xua đuổi vào chốn rừng sâu mặc cho bệnh tật, đói lạnh, có khi họ còn làm mồi cho thú rừng. Sau những lần băng rừng lội suối đem lương thực, thuốc men đến cho họ, ngài càng cảm thương trước những số phận hẩm hiu ấy.

Một lần vào cuối mùa thu năm 1928, khi đang băng qua đường rừng vắng đến thăm một buôn làng ở xa, thì một nhóm người phong cùi rách rưới, dơ bẩn nằm la liệt trên đường kêu gào thảm thiết, họ sụp lạy dưới chân ngài xin cứu giúp khiến ngài không cầm được nước mắt. Hình ảnh những người xấu số ấy cứ ám ảnh tâm trí ngài đến nỗi nhiều đêm ngài trằn trọc không ngủ được vì luôn nghĩ đến những thân phận bị ruồng bỏ, bị loại trừ. Tình yêu Đức Kitô đã thôi thúc ngài làm những căn nhà sàn đơn sơ ở khu đất trống dưới chân đồi, gần mé ruộng, cách nhà xứ Kala khoảng 1km. Có nhà rồi, ngài lại băng rừng, kiếm tìm và  đưa những bệnh nhân này về chung sống, để chăm sóc và chữa  bệnh cho họ, trước sự “ghê tởm” của không ít người. Thế là “làng cùi Di Linh” được hình thành!

TRẠI PHONG DI LINH ĐƯỢC CHÍNH THỨC CÔNG NHẬN
May mắn thay! Ngày 11.4.1929, làng cùi được chính quyền công nhận và được trợ cấp. Lúc ấy cha đã qui tụ được 21 người, họ yên tâm vui sống bên cạnh người cha hiền, không còn sợ sự nghi kỵ, xa lánh của người thân, họ hàng… Thánh lễ đầu tiên được cử hành trong một nhà nguyện nhỏ ngay tại làng cùi, ngày 15. 3.1936 thật sốt sắng và dạt dào yêu thương, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng những bệnh nhân phong. Số bệnh nhân ngày càng gia tăng, cha đã mời các nữ tu dòng Nữ tử bác ái Vinh Sơn đến cộng tác với cha để chăm sóc họ.

ĐỜI SỐNG NỘI TÂM THEO GÓT THẦY GIÊSU     
Cuộc sống của Cha Cassaigne rất đơn sơ và nghèo khó: hễ ai biếu tặng gì, ngài đều chia sẻ, phân phát cho người bệnh, không giữ lại cho mình bất cứ thứ gì từ thức ăn, thức uống, quần áo, thuốc men. Có những lần bị bệnh sốt rét hành hạ, ngài nằm li bì cả tuần lễ, nhưng không hề phàn nàn hay kêu trách. Sức khỏe ngài suy sụp mau lẹ, nhưng khi được bình phục, ngài lại tìm đến ngay với những người bệnh, người nghèo ở khắp các buôn làng.

Tại Di Linh, Cha Cassaigne từng có dịp trả lời chất vấn với một vị cao cấp của bộ Thanh tra Giáo dục Đông Dương. Ông này đi săn bắn nhưng lại đi nhầm đường đến làng phong trong lúc cha đang băng bó vết thương cho một người đã rụng hết ngón tay, ngón chân. Ông hạch hỏi cha lấy tư cách nào mà dám mở nhà điều trị cho những người mắc căn bệnh ghê sợ này.

Cha bình tĩnh trả lời: là một linh mục công giáo, đứng trước những bệnh nhân đau khổ này, họ lại sống chui rúc trong rừng sâu, rồi chết chẳng ai hay biết; nên cha thấy có bổn phận thương yêu và chăm sóc họ. Cha vừa là giám đốc vừa là y tá, y công, kể cả hộ sinh nữa! Khi đó đã có 129 bệnh nhân, cha phải ngửa tay xin các nhà từ tâm trợ lực mới kéo dài được cuộc sống của họ. Một tháng sau đó, Cha Cassaigne nhận được một thùng thuốc của ông Tổng Thanh tra này.

Câu chuyện về tấm lòng của Đức cha Jean Cassaigne lan truyền đến tận Paris, nước Pháp, quê hương của cha. Năm 1939, Cha được nhận Huy chương bạc của Hàn lâm viện y khoa Paris gửi tặng, dù chưa bao giờ cha đặt chân vào một trường y nào.

ĐƯỢC BỔ NHIỆM GIÁM MỤC GIÁO PHẬN SÀI GÒN 
Ngày 20 tháng 2 năm 1941, Toà Thánh bổ nhiệm cha Jean Cassaigne làm Giám Mục. Sau những ngày tháng do dự và cầu nguyện, mặc dầu tâm hồn nặng trĩu, cha đã đánh điện qua Rôma: “FIAT – Xin vâng!”

Ngày 24 tháng 6 năm 1941, lễ tấn phong cho Đức tân Giám Mục Jean CASSAIGNE diễn ra ở Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn. Sống trong thời khói lửa, đất nước Việt Nam bị phân chia ra nhiều thành phần đối kháng nhau. Vị giám mục Sài Gòn không thiên vị một phe nào, nhưng tận tình phục vụ mọi người. Cửa Tòa Giám mục luôn mở rộng đón tiếp những ai cần đến ngài và nơi nào có nhu cầu hay tai họa, Đức cha Cassaige đều kiếm cách giúp đỡ ủi an. Đức cha Cassaigne cũng thường đi xe đạp hoặc xe Vespa thăm các khu vực còn nghèo khó ở Sài Gòn và khắp Giáo phận của mình.

TRỞ THÀNH BỆNH NHÂN PHONG
Ngày 19 tháng 12 năm 1954, vào ngày kỷ niệm thụ phong Linh mục, Đức cha Cassaigne cử hành lễ tạ ơn. Đức cha phát hiện vị trí phía trên cổ tay của mình có những vết màu hồng. Sau Thánh lễ, Đức cha lấy kim khâu châm vào và nhận ra đó là dấu hiệu của bệnh phong vì không cảm thấy đau. Sau đó, Đức cha xin phép Tòa Thánh để trở về Di Linh với các con cái của mình.

Kể từ năm 1955, Đức cha Jean Cassaigne lại tiếp tục phục vụ bệnh nhân mặc dù bản thân còn mang thêm bệnh sốt rét rừng, lao xương, lao phổi… Nhiều người muốn đưa Đức cha về Pháp chữa trị nhưng ngài đã từ chối: Tôi là người Pháp nhưng trái tim tôi là của người Việt Nam. Tôi muốn sống trong đau khổ và chết nơi đây. Việt Nam là quê hương của tôi

NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI ĐỜI      
Bệnh cùi của Đức cha không phát lộ nhiều qua da, nhưng tấn công hệ thần kinh. Kể từ năm 1970, các bệnh cũ của Đức cha trở nặng: sốt rét, cột sống bị gặm nhấm và dạ dày không thể tiếp nhận bất cứ thực phẩm nào, ngay cả rượu lễ. Cuối tháng 10 năm 1971, xương đùi cha bị gãy và từ thời điểm này, cha không thể rời giường bệnh. Đầu năm 1973, Đức cha lâm vào trạng thái lúc tỉnh lúc mê. Ngày 31 tháng 10 năm 1973, sứ mạng đã hoàn tất, Đức cha được Chúa triệu hồi về thiên quốc!

Tang lễ của Đức cha có khoảng trên 3.000 người đến viếng. Trong số những người này, có cả Thượng toạ Phật giáo và các vị đại diện chính quyền Việt-Pháp. Năm đêm liền, có rất đông người K’Ho, cả bệnh nhân và người khoẻ mạnh từ các rừng núi, buôn làng cùng về, mặc tang phục trắng, canh thức suốt đêm bên cạnh linh cữu của Đức cha.

Hôm nay, 31.10.2019, ngày giỗ lần thứ 46 của Đức Cha Jean Cassaigne. Trại phong Di Linh đã cử hành buổi canh thức diễn nguyện tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân 90 năm của trại và chúc tụng ngợi khen Chúa với Đức cha. Xin Đức Cha tiếp tục phù hộ cho các con cái và tất cả những ai đang trông chờ vào lời bầu cử của ngài.  

(Xin đón xem video Canh thức diễn nguyện)
Nguồn: Trại Phong Di linh.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *