✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 2,36-40)
“Bà nữ ngôn sứ An-na không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu với chúng ta một khuôn mặt mới, chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong Tin Mừng, và cũng chỉ được nhắc đến trong Tin Mừng Luca. Đó là nữ ngôn sứ Anna mà số phận góa bụa rất sớm, cho thấy bà là một trong số những người nghèo của Israel. Tuy nhiên, giữa cảnh bi đát của cuộc sống, bà đã tìm nương tựa nơi Thiên Chúa như Tin Mừng kể lại: “Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.” (c.37). Nhờ đó, khi Đấng Cứu Thế xuất hiện, Bà đã được gặp và nhận ra Người.
Chúng ta không thể nói về người khác khi mới gặp người ấy lần đầu. Cụ bà Anna này đã “nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem” nhờ được Thánh Thần linh ứng. Có thể suốt cuộc đời của bà tại Đền Thờ là những tháng ngày âm thầm lặng lẽ trong chay tịnh và cầu nguyện. Thế nhưng, khi được diện kiến Đấng Cứu Thế, bà lại được linh ứng để làm ngôn sứ, bà nói về Người cho những ai đang mong chờ Thiên Chúa cứu chuộc như chính bà vẫn mong đợi.
Mỗi ngày, chúng ta đều có dịp diện kiến Đấng Cứu Thế nơi Nhà Thờ, trong mỗi thánh lễ, hay trong chính tâm hồn ta qua những phút hồi tâm. Nhưng chúng ta chưa có được niềm vui như bà Anna để cất lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban Đấng Cứu Thế cho chúng ta. Chúng ta cũng chưa thể nói về Người cho ai khác, chỉ vì cuộc sống của chúng ta xa rời Đền Thờ nơi chính tâm hồn mình. Có thể chúng ta đã nói rất nhiều, nhưng không phải là nói về Chúa, cũng không nói với Chúa. Chính vì thế, chúng ta không có được ơn linh ứng của Thánh Thần để nhận ra Người, chúng ta chưa khao khát Người nên khi gặp Người, chúng ta chưa thấy mừng vui để cảm tạ, ngợi khen.
Bà Anna “đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa”, bà kiếm tìm Người không ngơi nghỉ: “Dầu mắt ngủ nhưng lòng vẫn thức, vẫn tin yêu một mực chân tình”[1]. Bà luôn hướng lòng trí về Người nên dễ dàng nhận ra Người. Còn chúng ta, nếu bất chợt có ai hỏi ta đang nghĩ đến điều gì, câu trả lời rất có thể là tình, tiền, danh vọng hay một điều gì khác mà không phải là Thiên Chúa! Điều đó cũng rất dễ hiểu: chúng ta phải lo cho cuộc sống, phải có bổn phận với gia đình, với chính bản thân. Dĩ nhiên không sai. Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ có một mục đích là lo cho cuộc sống đời này mà không gắn bó với Đền Thờ tâm hồn, không tìm kiếm Thiên Chúa và không lui tới Nhà Thờ, hay chỉ đi lễ cách chiếu lệ, thì chắc chắn chúng ta sẽ không gặp được Thiên Chúa đã đành, mà điều chúng ta tìm kiếm là tiền bạc vật chất cũng không lấp được chỗ thiếu thốn trong linh hồn chúng ta. Bởi lẽ những gì không phải là Thiên Chúa thì thuộc về thế gian, mà thánh Gioan nói: “thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó.”[2]
Ý thức được điều đó, chúng ta cần trở về với lòng mình, với chính Đền Thờ tâm hồn của mình để “đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa” như bà Anna, như Đức Maria luôn cung kính thờ phượng và chiêm ngắm Thiên Chúa nơi Hài Nhi Giêsu bé nhỏ vừa được Mẹ sinh ra. Mẹ đã biến tâm hồn của Mẹ thành cung điện, thành Đền Thờ để Thiên Chúa ngự vào, không chỉ trong chín tháng cưu mang Ngôi Lời, mà là trong suốt đời Mẹ. Dẫu rằng Mẹ vẫn phải long đong vất vả kiếm kế mưu sinh cùng với thánh Giuse, thế nhưng không bao giờ Mẹ xao lãng việc thờ phượng Thiên Chúa và tìm kiếm để thực thi thánh ý Người. Mẹ đã chu toàn mọi lề luật liên quan đến Mẹ như việc thanh tẩy theo luật buộc, việc dâng Con vào Đền Thờ và giữ các ngày Sabát, đi hành hương Giêrusalem…
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cùng với Mẹ, tôi
– Năng thờ lạy Chúa trong tâm hồn tôi.
– Siêng năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết năng tìm kiếm Chúa và thờ lạy Chúa trong linh hồn con. Xin cho con được khao khát Người hơn mọi sự, và biết cách làm chứng về Người giữa thế giới hôm nay. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/535354010661118)
[1] Thánh thi Kinh Tối
[2] Bài đọc I, 1Ga 2,17