10.03.2020 – THỨ BA TUẦN II MÙA CHAY
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 23,1-12)
“Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bạn thân mến!!!
Trong cuộc sống, chúng ta thường quý trọng, tin tưởng và được thuyết phục bởi những con người “ngôn hành thống nhất” và có thái độ ngược lại với những người “ngôn hành bất nhất”. Còn Chúa Giêsu thì sao???
Khi chứng kiến cuộc sống của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, là những nhà lãnh đạo tinh thần của người Do Thái: họ giảng thì rất nhiều nhưng thực hành thì rất ít, thậm chí lại chẳng thực hiện điều mà chính họ đã giảng dạy. Tệ hơn, có khi họ còn chất đầy gánh nặng lên vai người khác bằng cách ra sức buộc những người dưới quyền phải giữ từng chi tiết các thứ luật mà họ nghĩ ra (c.4). Nếu thực hiện bất cứ việc đạo đức, thánh thiện nào, là họ làm cho mọi người thấy để thán phục họ. Họ đeo những hộp kinh thật lớn và mang những tua áo thật dài… Nhưng trong lòng họ chứa đầy tham vọng mong được người khác coi trọng với cỗ nhất, ghế đầu và để được người ta chào hỏi, xưng tụng là “Thầy”.
Là người nắm giữ và giảng dạy lề luật, theo lẽ thường, các kinh sư và người Pha-ri-sêu phải là những người thực thi luật ấy. Thế nhưng, lời của họ nói thì hay và thuyết phục, nhưng việc họ làm thì thật đáng xấu hổ.
Chúa Giêsu đã nhận định về lối sống của họ, đồng thời Chúa cảnh giác dân chúng và các môn đệ của Chúa: “tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (c.3).
Lý do các môn đệ và dân chúng cần phải nghe theo những lời họ nói, là vì họ “ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy” nhân danh Chúa. Thế nhưng, những gì họ làm thì các môn đệ và dân chúng đừng nên làm theo, vì hành động của họ không như lời họ giảng.
Vậy hành động Chúa muốn dân chúng và các môn đệ thực hiện là gì???
Chúa mời gọi các môn đệ, dân chúng thời đó và tất cả chúng ta hôm nay hãy sống với “ba đừng” và “một nên”.
Ba mệnh lệnh đừng gồm: Đừng để ai gọi mình là Thầy, đừng để ai gọi mình là Cha và đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, đối nghịch với ba lối sống của các kinh sư và Pha-ri-sêu với cỗ nhất, ghế đầu; được chào hỏi và được gọi là Thầy. Nói như vậy, Chúa Giêsu không có ý cấm xưng hô là Cha, là Thầy nhưng Người có ý cấm lòng ham muốn tước đoạt uy quyền làm Thầy, làm Cha, vốn thuộc về Thiên Chúa là Cha và vị Thầy duy nhất là Đức Kitô[1].
Trong khi điều nên mà Chúa yêu cầu chính là sống giá trị của Nước Trời với con đường khiêm nhu và phục vụ theo gương của Người.
Là con dân Do Thái, chắc chắn Đức Maria đã là người luôn lắng nghe lời các kinh sư và Pha-ri-sêu giảng dạy từ trên tòa ông Môsê. Nhưng chính Mẹ lại sống con đường ba đừng và một nên mà Chúa Giêsu đã mở ra cho dân chúng và các môn đệ hôm nay. Chẳng thế mà khi được sứ thần chào là Đấng đầy ân sủng, được Thiên Chúa sủng ái và được chọn giữa muôn dân để cưu mang Đấng Cứu Thế, Mẹ chỉ biết thốt lên: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần truyền”[2]. Thế là cả cuộc đời Mẹ được thêu dệt nên bởi con đường âm thầm, khiêm nhu phục vụ thánh ý của Chúa Cha. Nhờ đó, ơn cứu độ đã được ban phát cho nhân loại.
Mẹ đã nói “Xin vâng” và làm theo thánh ý Chúa. Giờ đây Mẹ cũng mời gọi chúng ta cũng hãy nói và cũng hãy làm như Mẹ.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
- Theo bước Mẹ, tôi:
- Mỗi ngày nghi nhớ một câu Lời Chúa và thực hành trong ngày.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã luôn lắng nghe Lời Chúa và đem Lời Chúa ra thực hành. Xin Mẹ cũng cầu bầu cùng Chúa cho chúng con không chỉ biết lắng nghe Lời, ghi nhớ Lời, chia sẻ Lời mà còn biết thực hành Lời ấy trong cuộc sống với trái tim đầy yêu thương và tinh thần khiêm nhường phục vụ mọi người như Mẹ.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/584990649030787)
[1] X. Lm. Nguyễn Thanh Long, OP. Tin Mừng Nhất Lãm, trang 193
[2] Lc 1,38