NHỊP BƯỚC BÊN MẸ TỚI GIẾNG GIA-CÓP
CHIÊM NGẮM CHÚA GIÊSU GẶP PHỤ NỮ SAMARI
Ga 4, 5-42
Gioan là người duy nhất trong 4 Thánh Sử thuật lại việc Chúa Giêsu, sau khi đã rao giảng Tin Mừng tại Giuđê (phía nam), Ngài cùng các môn đệ đi lên Galilê (phía bắc). Con đường ngắn nhất để đi từ Giu-đê lên Ga-li-lê là đi ngang qua Sa-ma-ri, vì Sa-ma-ri là vùng đất nằm giữa Giu-đê và Ga-li-lê.Tuy nhiên,người Do thái luôn kỳ thị và xa lánh/coi thường người Sa-ma-ri vì họ không phải là dân Do Thái thuần chủng, thường được mệnh danh là dân ngoại. Vì thế, để di chuyển giữa hai nơi bắc-nam này, người Do Thái thường đi vòng đường khác, dù nó xa hơn và nóng hơn.
Chúa Giêsu đã vượt qua rào cản “kỳ thị” này khi cùng các môn đệ đi ngang qua Samari và nghỉ chân tại đó, vì cả thầy lẫn trò đều khá mệt, khát nước và đói bụng. Trong khi các môn đệ đi mua thức ăn, Chúa Giêsu ngồi lại bên bờ giếng. Bỗng có một phụ nữ Sa-ma-ri mang vò tới giếng múc nước. Chúa Giêsu đã vượt qua những rào cản khác khi ngỏ lời: “Chị cho tôi xin chút nước uống” . Chị này rất nhạy bén để nhận ra đặc ân này: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao ?”. Chúa Giêsu không dừng lại ở đó, Ngài đưa chị đi xa hơn: “Nếu chị nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với chị: “Xin cho tôi uống nước”, thì chắc chị sẽ xin Người, và Người sẽ cho chị nước hằng sống“.
Quả thật, Chúa Giêsu đã “cùng đi” với chị từ nước tự nhiên, rất cần thiết cho đời sống con người, nhưng uống xong rồi lại vẫn còn khát, đến loại nước uống rồi thì không còn khát nữa, mà lại đưa đến sự sống đời đời: đó là nước hằng sống. Thế là chị nắm bắt thời cơ ngay: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa”. Chúa Giêsu đưa chị đi sâu hơn để có thể tìm thấy nước hằng sống, khi bảo chị đi gọi chồng chị tới. Chị trả lời rất trung thực: “Tôi không có chồng”; Chúa Giêsu đã khen chị nói đúng và đi xa hơn khi cho chị biết người chồng thứ 6 hiện nay đang chung sống với chị cũng không phải chồng chị.
Chị đã được giải phóng khi dám tin vào lời của Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu đã tuyên bố với những người Do-thái đã tin Người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi ; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông“[1]. Vì được sự thật giải phóng, chị đã dần dần khám phá ra người đang nói chuyện với chị là “một ngôn sứ” và chị dám thổ lộ nỗi ưu tư về việc thờ phượng Thiên Chúa và nhận được một mặc khải vĩ đại từ chính miệng Ngài: “Đức Giê-su nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.“
Đến đây, các môn đệ đi mua thức ăn trở về. Các ông không hiểu được là Chúa Giêsu đã vượt qua rào cản “Người Do Thái ghét người Sa-ma-ri thậm tệ. Hơn nữa, thời đó, nói chuyện với phụ nữ nơi công cộng bị xem là xúc phạm đến thuần phong mỹ tục”[2]. Dĩ nhiên các ông không dám hỏi Thầy điều gì, còn người phụ nữ thì quá hạnh phúc! Đúng là chị đã được “uống” Nước Hằng Sống, và đã được biến đổi. Chị không còn khát nữa và mạch nước chị đã đón nhận từ Ngài đã vọt lên, thúc đẩy chị phải “đi ra” và chia sẻ cho người khác: “Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?”
Thật tuyệt vời Mẹ ơi! Từng bước một, người phụ nữ này đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu và kế đến trở thành tông đồ của Ngài luôn: “Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng : ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm”. Dân Sa-ma-ri đã đến gặp Chúa Giêsu. Nghe Ngài nói, cũng như người phụ nữ kia, họ đã được ơn nhận ra Ngài thật là Đấng Mê-si-a, và đã được biến đổi, không còn mặc cảm hay kỳ thị nào; nên đã xin Ngài ở lại với họ. Tuyệt vời hơn nữa, Chúa Giêsu đã nhận lời và ở lại với họ 2 ngày!
Lạy Mẹ, người phụ nữ này là hình ảnh mỗi người chúng con. Chúa Giêsu cũng đã vượt qua nhiều rào cản để đến “gặp gỡ” chúng con mỗi ngày. Từng bước một, Chúa đã dùng nhiều cách, nhất là qua các biến cố để chúng con nhận ra sự an bài của Ngài, yêu mến Ngài và để đi đến cuộc hoán cải thật sự, nghĩa là tin tưởng vào Ngài, nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa độc nhất luôn yêu thương chúng con.
Thưa Mẹ, đại dịch Covid-19 hiện nay đang ở tầm mức “toàn cầu”, rất nhiều cố gắng của các cấp lãnh đạo quốc gia, các y-bác sĩ, nhân viên y tế, khoa học gia… cũng chưa khống chế được; trái lại nó càng bùng phát dữ dội. Sự dữ này làm con người “co cụm” lại, vì nhận ra sự mong manh của mình. Thông điệp nào Thiên Chúa đang muốn dành cho thế giới đây, thưa Mẹ?
Như người con thứ trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”[3], anh ta được hưởng một gia tài kếch sù của cha chia cho. Nghĩ rằng ở gần cha thì mất tự do, nên anh đã lìa xa cha. Vì không biết trân trọng và quản lý gia tài, anh đã phung phí và làm cho nó cạn kiệt. Không biết đánh giá gia tài của cha, anh đã đánh mất luôn danh giá của mình, tự hạ ngang tầm với heo, “nhưng chẳng ai cho” (c.16). Ý thức tình trạng bi đát của mình là do mình gây ra, nhưng anh bất lực để phục hồi, anh bèn nghĩ đến việc trở về với cha. Anh dứt khoát lên đường trở về. Về đến nhà, anh khám phá ra mình đã từng nghĩ sai về cha: cha vẫn đợi anh và chạy ra đón anh, không nhắc gì tới gia tài đã mất mà chỉ phục hồi quyền làm con của anh. Rồi lại còn mở tiệc ăn mừng, vì “em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”(c.31).
Lạy Mẹ, ước chi qua biến cố đại dịch Covid-19 này chúng con nhận ra sự an bài của Thiên Chúa, nhận ra “con thật đắc tội với trời và với cha…” để đi đến cuộc hoán cải thật sự: nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa độc nhất, tin tưởng và quay về với Ngài. Chắc chắn Ngài đang chờ đợi chúng con để ôm vào lòng, tha thứ tất cả và mở tiệc ăn mừng…
[1] Ga 8, 31-32
[2] Kinh thánh Tân Ước, Lời Chúa cho mọi người, trang 429, phần chú giải.
[3] Lc 15, 11-32