22.5.2020 – THỨ SÁU TUẦN VI PHỤC SINH
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 16,20-23a)
“… Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Ai trong chúng ta có người thân hoặc chính bản thân từng trải qua thời kỳ chuẩn bị sinh nở đều thấu hiểu nỗi lo của sản phụ: có người sợ sinh khó, sợ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con, và nỗi lo mà người mẹ nào cũng phải trải qua là cơn đau đớn khủng khiếp để cho người con chào đời. Thế nhưng, khi nhìn thấy một con người đã được sinh ra và cất tiếng khóc đầu tiên, người mẹ ấy vui mừng đến quên cả đau đớn.
Chúa Giêsu đã dùng chính hình ảnh đó để diễn tả những gì các môn đệ sẽ trải qua, không chỉ trong cuộc khổ nạn của Chúa, mà còn là những gì sẽ xảy đến cho Giáo Hội sơ khai và cho tất cả chúng ta.
Quả vậy, sau cái chết đau thương của Chúa Giêsu, các môn đệ quá sợ hãi chạy về nhà và “đóng kín cửa”. Đối với các ông, cái chết kinh hoàng của Thầy là một tương lai hết sức đen tối cho các ông, mà cho dù Thầy đã báo trước nhiều lần về cuộc thương khó, các ông vẫn không muốn nghĩ đến, không muốn tìm hiểu.
Rồi sự kiện mồ trống và lời kể của các phụ nữ, cho đến việc chính Chúa Phục Sinh hiện ra với các ông, cho các ông chạm đến những vết thương của Người, Chúa cùng ăn, cùng chuyện trò với các ông… khi đó, niềm vui mới òa vỡ, đức tin của các ông thêm vững mạnh. Khi đó các ông mới hiểu được hành trình và sứ mạng của Thầy, đồng thời cũng ý thức mình có sứ mạng tiếp nối hành trình của Thầy.
Sự Phục Sinh của Thầy chính là chiến thắng có một không hai, vô tiền khoáng hậu mà các môn đệ chỉ có thể cảm thấu được niềm vui ấy sau những ngày đau buồn héo hắt, sợ hãi lo âu đến quặn thắt ruột gan. Sự Phục Sinh của Thầy là bằng chứng của đức tin, là sự bình an và hy vọng để các ông tiếp tục sứ mạng của Thầy, cùng với sức mạnh của Thánh Thần.
Chính vì thế, sau này trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng, những khó khăn thử thách, những bách hại lao tù và cả cái chết cũng không làm các ông chùn bước, và hầu hết các tông đồ đều chịu tử đạo để làm chứng cho Tin Mừng. Các ngài chấp nhận cái chết đau thương nhưng trong một niềm vui và sự bình an, vì biết chắc chắn mình sẽ được gặp Chúa trong niềm vui bất tận.
Suốt dòng lịch sử của Giáo Hội cũng thế, cách riêng Giáo Hội tại Việt Nam, biết bao vị tử đạo đã sẵn sàng chấp nhận những hình thức tra tấn, bách hại dã man cho đến chết, chứ dứt khoát không chối Chúa, cũng không bước qua Thánh Giá. Các ngài không hề oán trách hay thù hận những người gây ra cái chết cho mình vì các ngài đã tin vào lời hứa của Thầy Giêsu: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (c.22).
Mẹ Maria là người gắn bó mật thiết nhất, thâm sâu nhất với Chúa Giêsu. Trong những nỗi đau khổ mà Chúa phải chịu, Mẹ là người đau đớn hơn cả mọi người. Chúng ta đã từng suy gẫm 7 nỗi đau của Mẹ cùng với Chúa Giêsu trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, và ta biết chắc chắn trong ngày Chúa Phục Sinh, Mẹ là người vui mừng hơn ai hết. Chính vì thế, trong suốt Mùa Phục Sinh, cả Giáo Hội và cả triều thần thiên quốc đồng hân hoan chúc mừng Mẹ:
Mừng vui lên, lạy Nữ Hoàng Thiên Quốc,
Vì Thánh Tử Bà được phúc cưu mang
Đã phục sinh như lời Người phán trước
Cầu Chúa cho đoàn con, lạy Nữ Hoàng
Ha-lê-lui-a![1]
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi chấp nhận những khó khăn, thiệt thòi vì mang danh là Kitô hữu, trong niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô Phục Sinh.
Cầu nguyện với Mẹ:
Đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng:[2]
Xướng: Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng – Alleluia
Đáp: Vì đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng – Alleluia
…
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/632733324256519)
[1] Ca vãn kính Đức Mẹ. Mùa Phục Sinh.
[2] https://www.conggiao.org/kinh-nu-vuong-thien-dang/