24.10.2020 – THỨ BẢY TUẦN XXIX TN
Tin Mừng theo thánh Luca. (Lc 13,1-9)
“…May ra sang năm nó có trái,
nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Đứng trước những sự dữ, sự ác đang xảy ra, người ta thường có thói quen truy tìm nguyên nhân của nó dựa vào thuyết Nhân-Quả. Thời Chúa Giêsu cũng vậy. Người ta cho rằng bệnh tật, đau khổ và chết chóc là do quá khứ tội lỗi của nạn nhân nên họ mới bị như thế.
Nhưng, đó không phải là thái độ đúng đắn của người Kitô hữu. Thật vậy, khi người ta kể cho Chúa nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết khi đang dâng lễ vật, hay mười tám người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết; Chúa đã mời gọi họ lấy những sự kiện đó làm bài học cho chính mình, “nhìn người mà ngẫm đến ta” và ăn năn sám hối khi còn có thể được: “nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (c.5), nghĩa là không nhận được ơn cứu độ của Chúa ban cho.
Mang thân phận con người, ai cũng có những lỗi lầm yếu đuối. Nếu hôm nay chúng ta vẫn được an bình yên ổn, đó không phải vì chúng ta tốt lành thánh thiện hơn những người khác, nhưng chỉ vì Thiên Chúa nhân từ còn cho ta cơ hội như cây vả không sinh trái vẫn được tiếp tục chăm bón. Chính Chúa Giêsu là “người làm vườn” tốt lành vẫn xin với người chủ vườn là Thiên Chúa cho ta có cơ hội trổ sinh hoa trái xứng với những ân huệ mà ta đã lãnh nhận: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó” (c.8), với hy vọng “may ra sang năm nó có trái”.
Thời hạn “một năm” là cả một chu kỳ sống và trổ sinh hoa trái của cây vả. Thế mà đã ba năm liền nó không sinh trái, trong khi nó vẫn được chăm sóc với đầy đủ dưỡng chất của đất và phân bón như mọi thứ cây khác trong vườn. Thiên Chúa là Đấng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”[1]. Ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi và mong muốn chúng ta hoán cải trở về với Ngài dù ta có tội lỗi đến đâu đi nữa. Tuy nhiên, ân sủng có thời hạn của nó. Nếu cây vả vẫn tiếp tục không sinh trái vào mùa kế tiếp “thì ông sẽ chặt nó đi’.”
Điều Chúa “tìm” nơi cuộc đời chúng ta là “những hoa quả xứng với lòng sám hối”.[2] Với tất cả những ân huệ Thiên Chúa vẫn ban cho ta mỗi ngày: gia đình, sự sống, sức khỏe, thời giờ, mọi khả năng trí tuệ và điều kiện vật chất… cùng với những ân huệ thiêng liêng là Lời Chúa, Thánh Lễ và các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể… Đó là những điều kiện để giúp ta trổ sinh những hoa trái tốt lành là yêu thương, bác ái…
Mẹ Maria đã tận dụng những ân huệ Chúa ban cho Mẹ để trổ sinh những hoa trái tuyệt vời. Mẹ luôn lắng nghe Lời Chúa và “suy đi nghĩ lại trong lòng”[3], Mẹ sống với, sống nhờ Lời Chúa. Chính vì thế, ngôn từ của Mẹ cũng mang hương vị của Lời Chúa: Kinh Ngợi Khen (Magnificat[4]) của Mẹ là một tổng hợp những lời tạ ơn và ngợi khen của những người nghèo được Chúa cứu độ trong Kinh Thánh. Hành vi bác ái và phục vụ của Mẹ đối với bà Elizabeth, với đôi tân hôn tại Cana cũng họa lại chính hành vi tự hạ và tự hủy của Con Thiên Chúa, Đấng đến “viếng thăm và cứu chuộc dân Người”[5]. Cả cuộc đời Mẹ luôn trĩu đầy hoa thơm trái ngọt làm “đẹp lòng Thiên Chúa”[6], và hoa trái đẹp nhất của Mẹ là chính Chúa Giêsu “con lòng Bà gồm phúc lạ”.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Siêng năng lãnh nhận Thánh Thể, suy gẫm và thực hành Lời Chúa.
- Bác ái trong từng lời nói và việc làm.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con luôn biết hoán cải và tận dụng những ơn Chúa ban cho con, để trổ sinh hoa trái là các việc tốt lành làm vinh danh Chúa và hữu ích cho tha nhân. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/741532716709912)
[1] Mt 5,45
[2] Lc 3,8
[3] Lc 2,19.51
[4] Lc 1,46-55
[5] Lc 1,68
[6] Lc 1,30