10.11.2020 – THỨ BA TUẦN XXXII TN
Lc 17,7-10
“…Chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10b).
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bạn thân mến!!!
Cảnh người nghèo phải bán mình để trả nợ, để nuôi thân vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức trong xã hội hôm nay. Ngoài ra, giữa giám đốc với nhân viên dưới quyền thường có mối tương quan “hợp tác đôi bên cùng có lợi”: mỗi bên đều có những quyền lợi và bổn phận phải thi hành tùy theo chức năng của mình.
Khác với thời đại của chúng ta, vào thời Chúa Giêsu, người đầy tớ được chủ bỏ tiền ra mua về (như một tên nô lệ), hoặc người đó tự nguyện “làm tôi” cho chủ để trừ nợ, để có cơm ăn… Do đó, người đầy tớ không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì, nhưng phải làm tất cả những gì chủ sai bảo, bất kể lúc nào chủ muốn. Người tôi tớ được tin dùng còn phải biết ơn ông chủ, vì nhờ ông mà anh ta mới được sống và không phải chết đói. Ngược lại, ông chủ không cần biết ơn mà còn có quyền định đoạt cả về số phận của người tôi tớ.
Trong bối cảnh đó, chúng ta mới có thể hiểu được điều Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (c.10b).
Có thể chúng ta sẽ bị “sốc” khi nghe Chúa Giêsu ví chúng ta như những người đầy tớ vô dụng, còn ông chủ chính là Thiên Chúa. Quả thật không có gì sai, vì “bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?”.[1] Thánh Phaolô đã trải nghiệm và thật có lý khi khẳng định như thế: tất cả những gì chúng ta có như thân thể, sức khỏe, tài năng… mọi sự đều do Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Thế nên, chúng ta có bổn phận thực thi thánh ý Chúa, phục vụ Chúa là điều phải lẽ.
Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ cũng như mỗi chúng ta bài học này, nhưng chính Người đã thực hành đầu tiên: là Ngôi Hai Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện nhập thể làm người, sống với con người “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”[2] Có lẽ được gợi hứng từ bài Tin Mừng này mà Linh mục nhạc sĩ Mi Trầm đã viết nên Bài Ca Phục Vụ: “Đoàn ta cất bước theo Chúa đi vào đời…Phục vụ là cho không. Phục vụ là quên mình. Phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ…”
Tuy nhiên, cũng có lần Chúa Giêsu nói về ông chủ tốt lành khen thưởng những đầy tớ trung tín biết làm theo ý chủ và mau mắn mở cửa đón chủ về giữa đêm khuya: “Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.”[3] Thiên Chúa luôn ghi nhận tất cả những gì chúng ta làm cho Chúa trong tâm tình khiêm tốn, tận tâm, dù không ai biết đến.
Mẹ Maria đã âm thầm phục vụ thánh gia và tất cả những ai cần đến Mẹ: Chị Êlizabeth, gia đình trẻ tại Cana… Theo bước Chúa Giêsu và Mẹ, biết bao vị thánh đã bước đi trên con đường phục vụ-hy sinh, với ý thức mình chỉ là đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa. Trong số đó có thánh nữ Catarina Labourê[4], người thư ký tâm phúc của Đức Mẹ. Suốt 40 năm, không một ai trong Nhà dòng biết chị chính là người được tận mắt thấy Đức Mẹ. Chị đã âm thầm và khiêm nhường phục vụ tại viện dưỡng lão Reuilly suốt cuộc đời.
Ít ai biết rằng: hình ảnh Đức Mẹ cầm quả địa cầu (tại sân nhà thờ Đức Bà Sài Gòn) và Đức Mẹ Ban Ơn (hai tay chiếu tỏa muôn tia sáng) mà chúng ta thấy ngày nay là những hình ảnh Mẹ đã hiện ra với thánh nữ năm 1830 tại nhà nguyện 140 phố Bắc, nước Pháp.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Theo bước Mẹ, tôi
- Phục vụ gia đình và giáo xứ trong âm thầm và khiêm tốn, tin rằng Chúa thấy tôi.
Cầu nguyện với Mẹ:
(Lần chuỗi suy niệm Mầu nhiệm thứ hai mùa Vui): Đức Bà đi viếng bà thánh Isave, ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/755434128653104)
[1] 1Cr 4,7
[2] Mc 10,45
[3] X. Lc 12,35-37
[4] https://gdanhducmebanon.org/cuoc-doi-thanh-nu-catherine-laboure