11.11.2020 – THỨ TƯ TUẦN XXXII TN
Lc 17,11-19
“…Thế thì chín người kia đâu?” (Lc 17,17)
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được cha mẹ dạy về lòng biết ơn. Khi nói “cám ơn” là ta nói lên lòng biết ơn đối với người đã làm ơn cho mình. Mỗi người chúng ta đã nhận biết bao quà tặng trong đời, nên sống tâm tình biết ơn là một điều quan trọng và cần thiết. Có thể nói: chẳng ai là người trọn vẹn nếu không có lòng biết ơn[1]. Chính Chúa Giêsu cũng đặc biệt coi trọng đức tính cao quý này, nhất là qua sự việc mười người phong cùi được Chúa chữa lành trong bài Tin Mừng hôm nay.
Theo luật Do thái, người bị bệnh phong cùi bị cách ly khỏi cộng đồng cho đến khi được khỏi bệnh, họ phải đi trình diện với các tư tế để được công nhận và cho phép trở về với đời sống gia đình và xã hội. Chính vì thế, khi mười người phong cùi đón gặp Chúa và xin Chúa cứu chữa, Chúa bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Trình thuật Tin Mừng quá ngắn gọn, nhưng cũng đủ để hiểu rằng những người phong cùi này đã tin vào lời Chúa Giêsu để dám bước đi gặp các tư tế ngay khi bệnh vẫn còn. Và quả thật, “đang khi đi thì họ được sạch” (c.14).
Hẳn là ai nấy đều hết sức vui mừng. Tuy nhiên chỉ có người Samaria quay trở lại “sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn” (c.16). Đó là một thái độ biết ơn rất khác thường: anh nhận ra nơi Đức Giêsu chính là hình ảnh của Thiên Chúa là Đấng đáng tôn thờ. Anh đã đạt được đến chỗ “thờ phượng Chúa Cha không ở trên núi hay tại Giêrusalem”, nhưng anh đã “thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”[2]. Nói cách khác, người Samaria này đã thờ phượng Chúa Cha trong Chúa Giêsu. Đó là việc thờ phượng đích thực. Bởi thế, anh không chỉ được lành lặn về thể xác mà còn được cứu rỗi nhờ đức tin vào Đức Giêsu.
Bên cạnh đó, Chúa Giêsu cũng tỏ vẻ ngạc nhiên vì không thấy chín người Do thái kia “trở lại tôn vinh Thiên Chúa”, đó là bổn phận mà lẽ ra họ phải làm trước cả người ngoại giáo Samaria. Nhận ơn nhưng lại quên người ban ơn. Phải chăng đó cũng là hình ảnh của chính mỗi người chúng ta? Chúng ta thường xin ơn khi cầu nguyện, nhưng lại ít tạ ơn. Chúng ta dễ phàn nàn Chúa về những ơn xin mãi mà không được, nhưng ít khi nhìn ra biết bao ơn ta không cầu xin mà Chúa vẫn ban cho.
Thực ra, “lời tạ ơn của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại ơn cứu rỗi cho chúng con”.[3] Do đó, việc nhận ra ơn Chúa ban và biết tạ ơn Chúa trong từng ngày sống sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc. Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Khi tôi biết đời tôi là một quà tặng nhận được, thì tôi sẽ sống nó như một quà tặng để trao đi. Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.”[4]
Sống tâm tình biết ơn trong mọi hoàn cảnh là nét đặc biệt nơi Đức Maria. Bài Magnificat là tâm tình ca tụng và tri ân sâu xa của Mẹ đối với Thiên Chúa bằng cả con người: linh hồn và trí khôn. Tâm tình tạ ơn ấy được trải dài trong suốt cuộc đời của Mẹ qua đời sống yêu thương, quan tâm đối với tha nhân và luôn vâng nghe theo thánh ý của Thiên Chúa trong từng biến cố, với thái độ tin tưởng và phó thác tuyệt đối. Mẹ cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện vì tin rằng Chúa luôn ở bên Mẹ và muốn điều tốt nhất cho Mẹ.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cùng với Mẹ Maria, mỗi ngày tôi
- Tạ ơn Thiên Chúa khi thức dậy và trước khi đi ngủ.
- Đón nhận mọi biến cố trong ngày sống với niềm tín thác và bình an.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết nhìn ra sự thánh thiêng và tình yêu tràn đầy của Chúa trong tất cả mọi cảnh ngộ của cuộc đời, để con không ngừng cất lên lời ca tụng và tri ân Chúa như Mẹ. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/756233881906462)
[1] Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. Sấp mình tạ ơn, dongten.net
[2] Ga 4,21-24
[3] Kinh Tiền Tụng IV
[4] 1 Tx 5, 18