fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – Lược Sử Chân Phước Marcantonio Durando (1801-1880)

  1. Gia thế: thời ấu thơ và niên thiếu

Gia đình Durando là một gia đình thế giá và giàu sang tại Mondovì. Gia đình này có mười người con, hai người trong số đó bị chết yểu. Marcantonio sinh ngày 22 tháng 05 năm 1801. Bầu khí gia đình này bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tự do nhuốm màu chủ nghĩa thế tục, thậm chí đôi khi còn có khuynh hướng bài giáo sỹ nữa. Tuy nhiên, bà Angela Vinaj, mẹ của Marcantonio, lại rất ngoan đạo và giàu nhân đức Kitô giáo. Chắc chắn bà đã có ảnh hưởng lớn trên đứa con mình là Marcantonio. Bà biết con trai bà đã được nuôi dưỡng chu đáo bởi vì bà đã thấy sự cởi mở thực sự nơi người con trai của mình.

Rõ ràng là lối sống của Marcantonio đã được ghi dấu bởi sự ảnh hưởng của mẹ ngài. Sự ảnh hưởng này còn được chứng tỏ khi ngài gia nhập Chủng viện Giáo phận Mondovì để bắt đầu chương trình triết học và thần học vào năm 14 tuổi. Mức độ trưởng thành hiếm có của ngài đã cho thấy ngay từ trong môi trường giáo dục, ngài đã cân nhắc những khả năng khác nhằm dâng hiến đời mình cho Nước Chúa. Quả thật, khi 17 tuổi, ngài đã gia nhập Nội Chủng viện của Các cha Truyền giáo một cách ngẫu nhiên ít nhiều bất ngờ. Ngài là một thanh niên trầm tĩnh và thích cầu nguyện. Chúng ta biết rằng, ngài quyết định gia nhập Tu hội Truyền giáo là bởi vì ngài muốn trở thành một thừa sai tại Trung Hoa. Vào thời điểm đó, các anh em Vinh Sơn có một sứ mạng rất to lớn và mạnh mẽ ở Trung Hoa, và tại đó, ngày qua ngày, họ phải trải qua cuộc bách hại chống Kitô giáo.

Khi kết thúc năm thứ nhất Nội Chủng Viện, ngài được sai đi tiếp tục chương trình thần học của mình tại Chủng viện Sarzana, nơi các anh em Vinh Sơn đang điều hành. Cha Giám đốc Nội Chủng Viện đã gửi cho cha bề trên của Chủng viện Sarzana một bản giới thiệu về Durando, trong đó, ngài đã viết như sau:

“Thầy Durando là người có đức tính rất tốt về mọi phương diện, và rõ ràng là thầy được Chúa gửi đến cho các nhu cầu hiện nay của Tu hội… Thầy là người điềm đạm, có phương pháp, lễ phép và khiêm nhường; Vì thế, tôi hy vọng cha sẽ rất hài lòng về thầy.”

Có một sự gián đoạn ngắn khi ngài đang theo học thần học vào năm 1822, vì hai lý do: vào khoảng thời gian đó, sức khỏe của ngài không được tốt, và mẹ ngài qua đời. Ngài bị ảnh hưởng bởi điều này nhiều hơn các anh em khác của ngài. Đây cũng là giai đoạn củng cố và chuẩn bị cho việc chịu chức linh mục của ngài. Ngài được chịu chức linh mục tại nhà thờ chính tòa Fossano, ngày 12 tháng 06 năm 1824.

Nhiều lần ngài đã xin được sai đi truyền giáo ngoại quốc nhưng các bề trên ngài đã không chấp thuận. Các bề trên muốn ngài ở lại để thi hành sứ vụ giảng đại phúc tại các giáo xứ, bao gồm cả các giáo xứ ở miền quê, và giúp tĩnh tâm cho hàng giáo sĩ.

Lòng nhiệt thành của ngài bền bỉ nhưng cũng rất quân bình. Sự chuẩn bị mà ngài đã thực hiện, đời sống nội tâm và tài hùng biện của ngài, tất cả đã góp phần quyết định vào việc phục hồi hai tác vụ chính yếu ấy của Tu hội ở vùng Piedmont.

Đây là những gì người ta nói về cuộc đại phúc ở Sommaria, trong giáo phận Turin:

“Các bài giảng được cha Durando chia sẻ. có sự tham dự rất đông trong các buổi tĩnh tâm; các quán rượu gần như đóng cửa trong thời gian này; các cuộc xưng tội bắt đầu vào ngày thứ tư của tuần đại phúc, và có quá nhiều hối nhân đến nỗi 17 cha giải tội, liên tục ngồi tòa cũng không thể đáp ứng nhu cầu và nhiều người đã phải đi đến các giáo xứ lân cận (…) Vào ngày 09 tháng 02, cha Durando đã giảng về sự bền đỗ; thật không dễ dàng mô tả cảm xúc được thấy nơi các giáo dân đông đảo trong buổi chia tay nhà giảng thuyết. Chẳng ai hiện diện ở đó có thể kìm chế cho khỏi rơi lệ; những giọt nước mắt và những tiếng nấc nghẹn ngào vỡ òa, đến nỗi phải mất một lúc, không một lời nào của vị giảng thuyết có thể được nghe thấy.”

Ngài đã thực thi sứ vụ này suốt sáu năm. Năm 1830, ngài được bổ nhiệm làm bề trên Nhà Turin. Có nhiều vấn đề cần được giải quyết, khởi đi từ việc tổ chức lại các khu nhà ở của các cha. Trong thời của Napoléon, việc giải tán các cộng đoàn tu trì và việc tịch thu tài sản đã gây xáo trộn lớn đến việc tổ chức đời sống tu trì. Các cha và các thầy đã phải lo kiếm tiền bạc và những thứ khác để sống sót. Khi sóng gió trôi qua và sự yên ổn trở lại, việc rất cần thiết là quy tụ các thành viên đang bị phân tán và tìm kiếm một ngôi nhà để họ có thể tiếp tục sống đời sống cộng đoàn. Cha Durando đã thành công trong việc thu xếp chỗ nhất định trong Nhà Turin, đó là căn nhà hiện nay, và xây khu ấy thành một tòa nhà có thể được sử dụng cho một trong các tác vụ được yêu mến nhất đối với thánh Vinh Sơn và cũng đặc trưng nhất trong Tu hội của thánh nhân: các buổi hội thảo cho hàng giáo sĩ và các cuộc tĩnh tâm cho cả giáo sĩ lẫn giáo dân.

Trong khắp cả thành phố Turin, ngài được tìm đến và được đánh giá cao trong vai trò linh hướng và cố vấn lương tâm. Đức Tổng Giám mục, Vua Carlo Alberto và những nhân vật xuất chúng khác đã đến gặp ngài để xin lời khuyên và sự hướng dẫn. Ngài xứng đáng được biết đến như là “Thánh Vinh Sơn nhỏ của nước Ý.”

Ngôi nhà của các thành viên Vinh Sơn tại Turin trước kia là một tu viện của Dòng Thăm Viếng, nay trở thành tâm điểm của hàng giáo sĩ thành phố và khắp cả vùng Piedmont. Các nhân vật nổi tiếng nhất trong một giai đoạn đáng ghi nhớ của các vị thánh Turin đều biết đến ngôi nhà này và thường đến đây để hồi tâm, xin lời khuyên, tìm quyết định: thánh Benedetto Cottolengo, thánh Giuseppe Cafasso, thánh Gioan Bosco, thánh Leonardo Murialdo, chân phước Giuseppe Allamano, và vô số các vị khác, họ đã làm giàu cho giáo phận và vùng Piedmont qua vô số hoạt động ích lợi và thánh thiện.

Thánh Benedetto Cottolengo đã lấy thánh Vinh Sơn làm khuôn mẫu cho các hoạt động và linh đạo của mình. Ngài đã đặt thánh Vinh Sơn là đấng bảo trợ nhóm Các Nữ Tu cũng như nhóm Các Tu Huynh của mình. Thánh Gioan Bosco, khi khởi sự tác vụ in ấn vừa để dạy nghề cho giới trẻ ở Valdocco vừa như một cách thức đến với mọi người, ngài đã xuất bản một cuốn sách với nhan đề: Tinh hoa Kitô giáo và nhân đức theo tinh thần của thánh Vinh Sơn Phaolô. Tiểu đề của cuốn sách là: Một cuốn sách dành riêng tháng Bảy để tôn vinh vị thánh này. Sẽ không quá liều lĩnh khi nói rằng nhờ sự đơn sơ và khiêm nhường cha Durando đã lan tỏa tinh thần của thánh Vinh Sơn vĩ đại.

  1. Đại diện Tỉnh các Nữ tử Bác ái: gần như đấng sáng lập.

Cha Durando đã khó nhọc làm việc để đưa Tu hội Nữ tử Bác ái của thánh Vinh Sơn Phaolô vào Ý. Thỉnh cầu của cha đã được chấp thuận và vào ngày 16 tháng 05 năm 1833, hai chị Nữ tử Bác ái đầu tiên của Pháp, với chiếc lúp trắng màu hồ bột đặc trưng, ​​đã đến Turin. Vào tháng Tám năm đó, một số chị em khác đã đến, và từ đó trở đi, ngày càng có nhiều chị em đến hơn tùy theo nhu cầu. Số lượng ơn gọi đã tăng lên mau chóng.

Cha Durando đã đồng nhất hóa chính mình với tinh thần mà thánh Vinh Sơn đã hướng dẫn các Nữ tử của mình. Ngài đã lợi dụng tinh thần canh tân dũng cảm mà ngài đã hấp thụ trong gia đình, nơi đó, người cha và các anh em ngài là những nhà cách mạng: ngài không bao giờ từ chối bất kỳ đề xuất bác ái mạo hiểm nào, bất kể rủi ro ra sao.

Vua Carlo Alberto xin cha tăng cường các chị em phục vụ Bệnh viện Quân đội. Ngài đã gửi họ đến đó, trước sự gièm pha nặng nề của không ít các linh mục, và thậm chí, cha còn gửi họ vào bệnh viện dã chiến trong suốt các trận chiến ở Risorgimento. Việc này bắt đầu với trận chiến đầu tiên, trong suốt cuộc chiến đó, các chị em đã chăm sóc những người bị thương, và người anh trai Giovanni của ngài, một Tướng lĩnh, đã chiến đấu bên cạnh Vua Carlo Alberto. Các Nữ tử Bác ái cũng theo đoàn viễn chinh đến bán đảo Crimea.

Sự phục vụ vĩ đại này, cùng với nhiều việc phục vụ khác được thực hiện bởi các chị Nữ tử Bác ái, đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với Vua Carlo Alberto, và gia tăng sự cảm phục của nhà Vua đối với cha Durando và các chị Nữ tử. Trước sự sửng sốt của công chúng, Vua Carlo Alberto đã đi đến tu viện San Salvario đồ sộ, vốn trước đây thuộc sở hữu của Dòng các Tôi tớ Đức Maria, và trao chìa khóa tu viện cho các chị Nữ tử Bác ái. Tu viện này đã trở thành Nhà Tỉnh của họ, đủ lớn cho tất cả các công tác của họ, cả bên trong lẫn bên ngoài nhà. Tòa nhà này là một kiểu Cung điện Vatican, và ngày nay, nó vẫn cho thấy sự cảm kích của nhà Vua đối với Cộng đoàn Vinh Sơn và cha bề trên của họ.

  1. Các Hội Lòng Thương Xót

Vào thế kỷ 19 ở Turin, Các Hội Lòng Thương Xót này (Le Misericordie) tương tự như các Hội Bác ái (les charités) ở Paris của thánh Vinh Sơn. Vì các chị em đầu tiên đã lấy tên của họ từ những hội này, và sau đó được gọi là các Nữ tử Bác ái (Les Filles de la Charité) nên những chị em sau này ở Turin được biết đến với cái tên Các Nữ tu Lòng Thương Xót (Le Suore della Misericordia).

Các Hội Lòng Thương Xót là công trình quan trọng nhất của Hội các Bà Bác ái, các bà này đã giúp đỡ họ về mặt tài chính. Các Nữ tử Bác ái là cách tay thúc đẩy họ tiến về phía trước, nhưng chân phước Durando mới là linh hồn phía sau của họ.

Các Hội Lòng Thương Xót là các trung tâm trợ giúp xã hội tư nhân thực sự, nơi đó một người nghèo không chỉ nhận được súp nóng vào mùa đông, quần áo để chọn lựa và điều trị y tế cơ bản, mà còn thường xuyên tìm được một công việc. Nhưng trên hết, điều mà người ấy gặp được đó là tình thân và lòng bác ái Kitô giáo. Đó không phải là sự giúp đỡ với động cơ che đậy, nhưng là đức ái Kitô giáo có khả năng cân bằng mọi khác biệt xã hội.

Thời gian trôi qua, nhiều công trình khác nhau được mở mang xung quanh các trung tâm này, chẳng hạn, những nơi ẩn náu cho các trẻ em nghèo hoặc các trẻ em bị bỏ bê vì các bà mẹ của chúng phải làm việc, các trại mồ côi; các nhà dưỡng lão nhỏ, các cuộc viếng thăm nhà những người nghèo, người bệnh, v.v.

Hội Lòng Thương Xót đầu tiên là Hội Lòng Thương Xót San Francesco da Paolo (1836), hội này cũng chăm sóc người nghèo thuộc giáo xứ Sant’Eusebio. Vào thời điểm đó, Hội này được gọi là San Filippo bởi nó được các tu sỹ Dòng Oratory của thánh Phi-líp-phê coi sóc. Hội này còn được biết đến với một cái tên thứ ba, Le Cascine, bởi vì Hội hoạt động trong các nhà phụ của Điện Alfieri-Carrù không xa trung tâm thành phố Milan.

Các nữ tu, những người làm việc cả ngày trong các Hội Lòng Thương Xót để luôn luôn mời gọi những ai cần đến họ, là những người nghèo giống như những người được họ giúp đỡ. Nhiều năm sau, một trong số các nữ tu đã nói về cha Marcantonio Durando như sau:

“Người cha tốt lành này đã đến thăm chúng tôi hàng tuần. Có lần ngài đã nhắc nhở về việc tôi đang trong tâm trạng không tốt. Với sự ân cần vốn có, ngài đã kéo tôi sang một bên và hỏi xem có vấn đề gì. Tôi đã thưa với ngài: “thưa cha, chúng con thậm chí còn không có khăn rửa mặt!… Chúng con không có khăn lau chùi đồ đạc, cũng chẳng có khăn lau nồi. Chúng con phải lau bằng giấy, và chúng con cũng không có giấy nữa!” Người cha tốt lành đã nói: “Cô gái đáng thương của cha, cha thông cảm với con! Cứ an tâm, con sẽ thấy tất cả những thứ đó!” Ngày hôm sau, một người đã đến với hàng đống áo dòng cũ mà chúng tôi có thể dùng làm khăn lau bụi, một miếng dài vải dày để làm khăn lau nồi và hàng tá khăn mặt đẹp để rửa mặt. Ai có thể hiểu thấu niềm hạnh phúc của tôi và niềm hạnh phúc của các chị em của tôi?”

Việc thăm viếng người nghèo tại tư gia đã làm cho các Nữ tử Bác ái ý thức về các nhu cầu khác nhau mà họ phải đương đầu. Đặc biệt, có hai loại người cần một mái nhà và một gia đình hơn hết. Đó là những lão bà không người chăm sóc và em gái nhỏ có mẹ đang phải làm việc và không thể chăm sóc các em.

Theo đề nghị của cha Marcantonio Durando, Nữ Bá tước Alfieri đã sẵn lòng đáp ứng một giải pháp cho những người khốn khổ này, và tại nhà riêng của mình, bà đã mở “một bệnh viện nhỏ” dành cho các bà cao niên, và một tổ hợp khu nội trú, trường học và xưởng làm việc cả cho các em gái nhỏ lẫn các thiếu nữ.

Tác động thúc đẩy đằng sau tất cả hoạt động này là cha Durando, và cha luôn là vị ân nhân rộng lượng nhất. Nữ tu Mattaccheo đã viết về những khởi đầu này như sau:

“Cha là người đứng đầu Nhà Misericordia. Tôi nhớ rằng, tất cả những người phụ nữ đó, bận rộn với công việc trong ngôi nhà này, đã không làm bất cứ điều gì mà không nhận được sự chú ý của cha.”

Một trong những Hội Lòng Thương Xót hoàn thiện nhất là hội đầu tiên, Hội San Massimo và Đức Mẹ Các Thiên Thần. Hội này được thành lập vào năm 1854 và được hướng dẫn bởi Tôi tớ Chúa, nữ tu Maria Clarac. Trong suốt mùa đông, Hội này đã cung cấp tới 14.000 phần súp. Căn nhà của Hội đã chăm sóc tới 400 trẻ em.

Sau Hội Lòng Thương Xót đầu tiên tại giáo xứ San Massimo, vào năm 1856, một Hội khác được thiết lập tại San Salvario, và vào năm 1865, Hội Lòng Thương Xót tại San Carlo được tách ra từ các Hội ở Le Cascine. Tôi tớ Chúa Luigia Borgiotti đã góp phần đắc lực cho việc thiết lập Hội này. Vào thời gian đó, chị đang cộng tác với cha Durando trong việc thành lập Dòng các nữ tu Na-da-rét.

Mười năm sau đó, vào năm 1874, một Hội Lòng Thương Xót đã được mở ra. Hội này ở Istituto dei SS Angeli, khá xa trung tâm thành phố Turin, phía bên kia bờ sông Po.

Năm 1879, không lâu trước khi qua đời, cha Durando đã mở trung tâm cứu trợ cuối cùng. Hội này một lần nữa được mở tại giáo xứ San Massimo, tại Via S. Lazzaro (hiện nay là Via dei Mille), và có tên là Hội Lòng Thương Xót Thứ Hai tại giáo xứ San Massimo. Trong buổi khai trương chính thức của trung tâm, có ít nhất 200 quý bà của Hội tại San Massimo đã hiện diện cùng với cha Durando.

Theo cách thức này, Turin có một mạng lưới các công việc bác ái thực sự để người nghèo có thể tự do tìm đến. Họ biết rằng họ sẽ được chào đón và giúp đỡ.

Trong Biên bản của Hội Lòng Thương Xót San Carlo năm 1880, sự ra đi của cha Durando được nhắc đến: Ở Turin, cha là người khởi xướng thực sự của các Hiệp Hội Lòng Thương Xót.

Người ta chỉ có thể vui mừng với một khẳng định ​​như thế. Bằng cách nào đó, công trình đã được thực hiện qua nhiều năm làm việc chuyên cần của các trung tâm bác ái Vinh Sơn này, sẽ để lại một tấm gương sáng ngời phản chiếu cội nguồn của nó.

  1. Hiệp Hội Con Đức Mẹ (1856)

Trong các lần hiện ra của Đức Mẹ Ảnh Hay Làm Phép Lạ tại Paris vào năm 1830, Đức Mẹ đã yêu cầu chị Catherine Labouré về Hiệp hội này. Đức Giáo hoàng Piô IX đã không chuẩn y Hiệp hội cho đến năm 1846 và Hiệp hội đã được cha Durando giới thiệu vào nước Ý năm 1856, cho các thiếu nữ đang cư trú và những người đang làm việc ở Hội Lòng Thương Xót Le Cascine, Viện Alfieri-Carrù.

Mục đích của Hiệp hội này không hẳn là tổ chức bác ái cho người nghèo, nhưng đúng hơn là đào tạo các bạn trẻ về tinh thần Kitô giáo và Đức Mẹ. Nhiều nhóm khác đã xuất hiện sau khi thành lập nhóm đầu tiên, và cha Durando đã nhận được sự giúp đỡ đắc lực từ các anh em ngài trong sứ vụ này. Có thể nói rằng, ở mọi trung tâm dành cho các bạn trẻ được điều hành bởi các Nữ tử Bác ái, Hiệp hội của Con Đức Mẹ đã được thành lập. Các hiệp hội như vậy có ảnh hưởng sâu sắc đến việc đào tạo thiêng liêng cho giới trẻ. Họ là những hạt giống thực sự cho ơn gọi tu trì, cho các bà mẹ đạo đức trong các gia đình và cho các nữ tông đồ trong đời sống thường ngày.

  1. Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Miền Thượng Ý

Năm 1837, cha được bổ nhiệm là Giám tỉnh Tỉnh dòng Miền Thượng Ý, được biết đến vào thời điểm đó là Tỉnh dòng Lombardy. Trong thời kỳ đó, một sự bổ nhiệm như vậy, và đối với một người còn quá trẻ, chắc chắn là điều bất thường. Nó cho thấy danh tiếng ngài đã lan rộng khắp nơi, trong một thời gian ngắn khi ngài đã làm bề trên Nhà chính tại Turin.

Có bảy Nhà, ở đó các sứ vụ khác nhau đã được thực hiện: các cuộc đại phúc tại các giáo xứ, các cuộc tĩnh tâm, đào tạo Nội chủng sinh và chủng sinh, tại Turin, Genoa và Casale Monferrato. Họ có sứ vụ đào tạo các linh mục triều tại Đại học Alberoni ở Piacenza, Đại học riêng của họ ở Sarzana và Đại học di Savona.

Vào thời điểm Durando qua đời, số lượng các Nhà của Tỉnh dòng đã tăng gần gấp đôi. Các Nhà mới ở Mondovì, Scarnafigi, đại học Brignole-Sale ở Genoa, Casa della Pace ở Chieri, Casale Monferrato, Cagliari và Sassari.

Danh sách trên các Nhà có thể được tóm lược mau chóng, nhưng cha Durando đáng thương đã phải trải qua Đường Thập Giá lo âu và đau khổ gây ra bởi cơn bão tố đàn áp các cộng đoàn tu trì vào ngày 3 tháng Bảy năm 1866!

Đi kèm với cuộc đàn áp là việc tịch thu mọi tài sản, nhà cửa và vật dụng. Điều này có nghĩa là cha Durando phải mua lại, bằng nhiều cách thức khác nhau, từng ngôi nhà đã bị tịch thu, từng cái một.

Cũng phải ghi nhận rằng việc mua lại từng căn nhà riêng lẻ này, cũng như khoản phí tổn khổng lồ kèm theo, là một nỗi lo lắng rất lớn đối với cha Durando. Cha không thể chuyển lại những ngôi nhà và tài sản cho Tu hội, vì nó đã bị cấm đoán về mặt pháp lý, nhưng cha phải chuyển lại cho từng cá nhân, với mọi rủi ro liên quan cũng như các chi phí liên hệ đến việc thừa kế.

  1. Trong tình trạng “Rối loạn”của thời phục hưng Ý

Các sự kiện của thời kỳ phục hưng Ý đã làm liên lụy đến cha Marcantonio Durando, vì là em trai của Tướng quân Giovanni Durando. Ông là một vị tướng của phe đối lập, ​​đã lãnh đạo Quân đội Giáo hoàng trong cuộc chiến giành độc lập đầu tiên, đã chiến đấu anh dũng ở Crimea, tại San Martino della Battaglia và Custoza. Ông cũng là anh trai của Tướng quân Giacomo Durando. Ông này là một nhà báo và là người ủng hộ hàng loạt các đạo luật đàn áp dài liên quan đến tài sản của Giáo hội và hoạt động của các cộng đoàn tu trì. Ông làm bộ trưởng trong chính phủ Rattazzi từ tháng Ba đến tháng Mười Hai năm 1862. Cha Marcantonio không bao giờ từ bỏ việc khuyên bảo và khiển trách các anh của mình, khi họ đảm nhận những vị trí quá khích, nhất là khi các vị trí này có khuynh hướng chống giáo sĩ. Cha đã viết cho anh Giacomo của mình vào năm 1857:

“Với tất cả tấm lòng, em muốn hòa bình giữa chính phủ và Giáo hội, và em cũng muốn chấm dứt đối với tình trạng bất an mà mỗi chúng ta luôn tự cảm thấy qua từng giây phút, và tóm lại, chấm dứt việc tấn công Giáo hội và các dòng tu cũng như các quy luật của nó, để chúng ta có thể sống và hít thở được.”

Và vào năm 1870, khi sự hỗ trợ từ Pháp bị cắt giảm và Rôma bị chiếm đóng bằng vũ lực, cha Marcantonio đã viết cho anh mình một lá thư dài, trong thư cha đã tỏ ra khó xử về những vụ việc đã xảy ra và về những ý định của các chính trị gia và những nhà cầm quyền vào thời điểm đó:

“Hãy nghĩ lại, nếu tâm hồn anh không tán thành, như em nghi ngờ, hãy phản đối hay ít nhất là công khai lên tiếng… Ở tuổi của anh, và theo cách nhìn về tất cả những gì mà anh đã làm, anh không phải sợ tin đồn vô ích của một số tờ báo, hoặc một số lời phóng đại…”

Cha kết luận rằng:

“Em yêu mến và ước ao sự vĩ đại của nước Ý và, em sẽ nói thêm lần nữa, sự thống nhất đạt được bằng các phương tiện hợp pháp. Em cũng ao ước và hiểu rõ tầm quan trọng của sự độc lập hoàn toàn cho Vatican, thực chất và thiết yếu nơi vẻ huy hoàng của nó, cũng nhiều như ao ước sự vĩ đại và thống nhất của nước Ý!”

Có lẽ Giacomo đã chưa lên tiếng cách công khai hoặc chưa đủ thẳng thắn.

Chính phủ và quốc hội tiếp tục gây sức ép chống lại hàng giáo sĩ. Họ viện cớ rằng một số linh mục có dính líu đến chính trị, họ muốn giới hạn thừa tác vụ của hàng giáo sĩ. Cha Durando có cảm tưởng rằng, hàng giáo sĩ không đủ can đảm phản bác điều này. Ngược lại, các giáo dân đã làm điều ấy, thậm chí cả những người theo chủ nghĩa tự do không có thành kiến chống giáo sĩ.

Thật không thể chấp nhận được việc thiếu sự tự do ngôn luận, nhất là khi điều khoản đầu tiên của Hiến pháp viết rằng Kitô giáo là tôn giáo chiếm đa số. Cha đã viết:

“Ôi hạnh phúc thay nước Mỹ, Hợp Chủng Quốc, một đất nước mà tự do được mở ra cho hết thảy mọi người, và các cộng đoàn giáo sĩ, tu sĩ, các giáo phái Tin Lành, những người theo biệt giáo, và tín hữu Công giáo, tất cả kết hợp làm thành một quốc gia thống nhất và vững chắc. Còn chúng ta, chúng ta thường không nghe cũng chẳng thấy gì ngoại trừ những ý tưởng, dự án, quy tắc và những chi tiết tủn mủn vụn vặt không nhằm xây dựng đất nước, không làm cho đất nước trở nên vĩ đại, không cổ võ đạo lý, bởi vì chiều kích tôn giáo vắng bóng trong mọi sự.”

Tuy vậy, các anh của ngài vẫn duy trì tình cảm với ngài và thậm chí còn cố gắng trợ giúp ngài. Nhất là trong hoàn cảnh chính quyền nước Ý Thống Nhất muốn mở rộng luật lệ của thành bang Savoy cho tất cả nước Ý, kể cả các quy tắc áp chế. Những quy tắc này cũng đã ảnh hưởng đến các Nhà của Tu hội ở các Tỉnh Dòng Rôma và Naples. Cha Marcantonio thậm chí còn được Nhà Trung Ương gợi ý để cho anh trai Giacoma của ngài biết các sự việc. Thật không may, điều này đã gây nên một chút bất hòa.

  1. Trong Trường học của Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh: Đấng Sáng Lập Các Nữ Tu Na-da-rét

Không phải là phóng đại khi cho rằng việc sáng lập này là công trình chính của cha Durando, mặc dù có thể gọi một cách trìu mến hơn đó là một công trình của tâm hồn.

Tại thời điểm đó, các quy định của Giáo luật ngăn cấm bất cứ ai sinh ra ngoài hôn nhân của Giáo hội được gia nhập đời sống thánh hiến ; đây là “sự ra đời trái lễ giáo” điển hình. Cha Durando đã liên hệ với nhiều tổ chức để giúp các thiếu nữ mồ côi hoặc các thiếu nữ sinh ngoài giá thú. Vào thời điểm đó, các em gái như vậy vẫn được giữ lại trong những ngôi nhà này cho đến năm 21 tuổi. Hết lần này đến lần khác, chính cha đã tìm gặp các thiếu nữ ưu tú, được giáo dục bởi các nữ tu, đang cảm nhận được mời gọi bước vào đời sống thánh hiến. Tất nhiên, họ đã hỏi ý kiến vị linh mục mà họ biết rõ nhất: cha Durando. Nhiều lần ngài đã cố gắng để họ được nhận vào các Tu hội khác nhau, nhưng không thành công. Ngài đã giải quyết tình thế này với lòng can đảm và óc sáng kiến ​​bằng việc gửi các chị em ra chiến trường. Nhân dịp lễ tiếp nhập tu phục của các nữ tu đầu tiên, chính ngài đã nói về điều đó bằng những lời mà ngay cả ngày nay, 136 năm sau, vẫn còn đụng chạm và lay động lòng người:

“Ngày 27/09/1866

Các con thấy đó, vài năm nay, kể từ khi một vài người trong các con cậy nhờ sự bảo trợ kém cỏi của cha trong việc ủng hộ những nỗ lực của các con, để được thu nhận vào một cộng đoàn tu trì nào đó. Cha đã cố gắng hết mình để ủng hộ các con, bằng cách giới thiệu, đề nghị, khuyên nhủ, tuy nhiên, mọi sáng kiến ​​của cha đều thất bại, bất kể cộng đoàn nào cha tiếp xúc, dù là ở Turin hay ở bất cứ nơi nào khác, cũng chỉ ghi nhận trong trí những thành quả thiêng liêng của tất cả các con. Vì không thể gặt hái thành công, cha đã bắt đầu suy nghĩ về những gì liên hệ đến vấn đề nan giải này, đến nỗi cha khó có thể gạt nó ra khỏi tâm trí. Điều đã xảy ra là trong khi đi từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác, gần như không đếm xỉa gì đến nó, thì toàn bộ vấn đề được ổn định trong tâm trí cha đến nỗi cha đã giải quyết nó bằng cách hiến dâng bản thân cho Thiên Chúa vì công trình này để phụng sự Người.

Cha đã cật vấn mình: phải chăng những cô gái đáng thương này không thể được giúp đỡ một cách nào đó trong khi họ ước muốn rời bỏ thế gian để hiến thân phụng sự Chúa? Phải chăng không thể có một cơ cấu cộng đoàn tu trì nào, trong số các cộng đoàn tu trì hiện có ở Turin và ở nơi nào khác, khả dĩ muốn đón nhận họ? Và liệu vấn đề có phải là thành lập cho họ một Tu hội đặc biệt mà ở đó, họ sẽ được thu nhận, và sẽ là một nhóm tách biệt, sống đời sống Kitô hữu thánh thiện, nhân đức, thánh hóa bản thân và nêu gương sáng cho tha nhân? Nếu vậy thì, tại sao không thể thành lập một cộng đoàn tu trì? Và còn nữa, các thiếu nữ thánh thiện này nhận được sự linh ứng tốt lành từ ai? Ai gợi cho họ ý định tốt lành là hiến mình cho Thiên Chúa? Rõ ràng họ đã được đánh động bởi lòng nhân từ và thánh ý Thiên Chúa…, và nếu vấn đề bắt nguồn từ Thiên Chúa, thì họ phải được trợ giúp trong ý định thánh thiện này của họ.

Hơn nữa, chẳng phải các thiếu nữ này được tiền định hưởng phúc thiên đàng sao? Vậy, nếu họ sống đời sống thánh thiện, thì phần thưởng cao quý dành cho họ trên thiên đàng, phần thưởng mà có lẽ, nhiều người nam nữ sẽ không có được cho dù họ là những người có thế lực trên trần gian và có thể dễ dàng gia nhập các cộng đoàn tu trì!

Ôi, đúng thế! Các thiếu nữ này có thể, có thể trở nên những tâm hồn được chọn, gần gũi với Chúa, hơn cả chính bản thân tồi tệ của cha, kẻ rốt hết trong các thừa tác viên thánh của Chúa. Vì những ý tưởng này, và vì được thôi thúc bởi những thỉnh cầu không ngừng của các với con, cha đã quyết định tín thác vào Chúa Quan Phòng và bước theo ý định nhân lành của Người mà thực hiện điều đó. Ôi! Những nữ tử của cha! Sự sắp đặt mà Thiên Chúa nhân lành dành cho các con thật đáng yêu làm sao? Ôi! Thật là ân sủng cao quý biết bao một ơn gọi tu trì! Vậy, hỡi các nữ tử của cha, cha khích lệ các con vui mừng đón nhận kế hoạch yêu thương này của Chúa Quan Phòng với lòng biết ơn lớn lao, vì, nhờ có Chúa, mọi trở ngại trên con đường tận hiến cho việc phục vụ Thiên Chúa của chính các con đã được san bằng, các con có thể làm thế với lòng hăng hái và nhiệt thành bền bỉ.”

Và đó là cách Tu hội các Nữ tử Thương Khó Giêsu Na-da-rét ra đời. Tu hội vẫn tồn tại và hữu hiệu, và được biết đến một cách đơn giản hơn là các Nữ tu Na-da-rét. Tu hội mới này đã không xuất hiện để đáp ứng một nhu cầu đặc thù bên ngoài, vì vậy, đấng sáng lập đã không chỉ định ngay lập tức một giới hạn rõ ràng cho Tu hội. Theo mục đích ban đầu của ngài là tổ chức đời sống tận hiến cho các nữ tu này, cha đã đặt ra cho họ những lời sau: Cầu nguyện, vâng phục và thánh hoá bản thân!

Theo cách thức hành động của thánh Vinh Sơn, ngài đợi chờ các dấu chỉ từ Chúa Quan Phòng. Việc trợ giúp người đau yếu tại tư gia của họ suốt đêm ngày, đã được tỏ lộ. Hoàn cảnh mục vụ khác nhau của thời đó đáng được chú ý. Vào thời đó, người nghèo thường kết thúc cuộc đời trong bệnh viện, tại đó, họ nhận được sự trợ giúp tận tuỵ về mặt thiêng liêng. Trái lại, những người khá giả hơn thì được chăm sóc tại gia đình, và thường không gặp được các linh mục hay các nữ tu. Sứ vụ của các nữ tu Na-da-rét nhanh chóng được xác định là chăm sóc cho phần rỗi linh hồn của những người được họ đã giúp đỡ. Có nhiều cuộc trở lại nổi tiếng và mang tính huyền thoại của các nhân vật vị vọng, họ đã hoàn toàn được biến đổi vào những ngày cuối đời.

Tương tự như sứ vụ chăm sóc người bệnh và trẻ bị bỏ rơi, cha Durando cũng cổ võ các nữ tu sùng kính cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, lòng sùng kính này đã là kho tàng thiêng liêng của riêng cha. Cha cũng đã loan truyền lòng sùng kính này giữa công chúng, và trong nhà thờ Vinh Sơn ở Turin, cha đã xây dựng một Nhà nguyện Thương Khó, nhà nguyện này vẫn còn được mọi người thăm viếng.

Cha muốn để lại cho các nữ tử mình một di sản phong phú về lòng sùng kính và linh đạo, và cha đã ràng buộc họ với lòng sùng kính này bằng lời khấn thứ tư.

  1. Việc Dấn thân Truyền giáo

“…Chúa không muốn tôi đi đến Trung Hoa. Tâm hồn tôi thanh thản….” Đó là lời tuyên bố về ước muốn đã dẫn dắt ngài hồi còn trẻ chọn gia nhập vào cộng đoàn tu trì, một cộng đoàn cho phép ngài đi đến các vùng truyền giáo ngoại quốc, thay vì trở thành một linh mục triều. Lời tuyên bố ấy luôn luôn hiện diện trong tâm trí ngài. Khi những hoàn cảnh khác nhau nảy sinh, thì chính điều này đã xác định các lựa chọn mà ngài thực hiện. Ngài đã ủng hộ, và làm cho các anh em của ngài ủng hộ Hội Truyền bá Đức tin. Ngài đã gửi cho Hội 20.000 lia, đó là số tiền mà chính trị gia Camillo Cavour và anh trai của ông, Gustavo, một người sùng đạo và kính sợ Thiên Chúa đã có, nhưng họ không thể quyết định số tiền đó thuộc về người nào trong họ.

Dưới sự hướng dẫn của Chúa Quan Phòng, ngài đã có nhiều dịp giúp đỡ các vùng truyền giáo ngoại quốc. Ngài đã hoan nghênh tất cả các thỉnh cầu từ các anh em ngài xin được gửi đến các vùng truyền giáo ngoại quốc, và ngài khuyến khích họ làm như vậy. Ngài đã không được chấp nhận đi đến miền Ethiopia cùng với cha Justin De Jacobis, hiện đã được phong thánh. Đã có khả năng ngài được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa. Ngài đã đồng ý để các cha Giuseppe Sapeto và cha Giovanni Stella đến miền đó. Thật đáng tiếc, họ đã không trở nên các nhà truyền giáo, nhưng một cha đã trở thành nhà thám hiểm, còn cha kia trở thành một kẻ xâm lăng.

Trong lịch sử nước Ý, hai linh mục này được nhắc tới như là những người tiên phong trong công cuộc bành trướng thuộc địa của nước Ý ở Eritrea (một đất nước Châu Phi, Bắc Ê-thi-ô-pi-a). Tương phản với “những thất bại” này, người ta phải nhớ rằng, có ít nhất 27 nhà truyền giáo của ngài đã lên đường đi Syria, Abyssinia, Bắc Mỹ, Brazil và Trung Hoa, với những thành quả tuyệt vời. Các nhà truyền giáo đến từ Turin, cùng với cha Felix de Andreis, nằm trong số những vị thành lập các Tỉnh dòng Vinh Sơn ở Mỹ.

Hầu tước Brignole Sale, đại sứ vùng Piemont, thị trưởng thành phố Genoa, đã rút khỏi cuộc sống hoạt động xã hội vì thái độ chống giáo sĩ ở vùng Piemonte, và vì vậy, Hầu tước này có thể dành hết sự quan tâm và của cải cho các kế hoạch của ông. Cùng với nữ quý tộc Artemisia Negroni, ông muốn thành lập một Chủng viện cho các ơn gọi truyền giáo ngoại quốc. Ông giao cho các cha Vinh Sơn ở Genoa phụ trách Chủng viện đó. Cha Durando, với tư cách là cha Giám Tỉnh, đã hoàn toàn cộng tác trong công việc này.

Vào năm 1854, Chủng viện Brignole Sale Negroni đã sẵn sàng hoạt động. Trong số 24 chủng sinh, có 03 chủng sinh không phải trả phí, đã hoàn tất chương trình đào tạo và đã được chịu chức linh mục vào năm 1858, và lên đường đi California. Trong khoảng thời gian 30 năm, có 110 linh mục đã lên đường từ Chủng viện này. Từ đó trở đi, Chủng viện này đã thu nhận các chủng sinh từ nước ngoài đến Ý du học. Một số trong các chủng sinh này đã trở thành các Giám mục cũng như các nhân vật quan trọng trong Giáo hội.

  1. Một bản sao đẹp của thánh Vinh Sơn

Từ 1830 đến 1880, khi ở Turin, cha Marcantonio Durando đã được coi là người khởi xướng của vô số dự án, một người mà những người khác đã đi đến hay phải tìm đến để xin cố vấn, để biết đi con đường nào. Ngài cũng là một khuôn mẫu cần được bắt chước. Từ khả năng thiên phú, linh đạo sâu sắc, mối quan hệ của gia đình tới hoàn cảnh chính trị – những điều đã làm liên luỵ đến ngài cũng như đem lại cho ngài một vị thế nào đó, cho đến việc có đông đảo bạn hữu, tất cả những điều ấy đã khiến cho ngài cảm thấy mình bị lôi cuốn vào vòng vướng mắc vô tận cần được tháo gỡ, trong Tu hội của ngài, trong các cơ cấu giáo phận, trong các cộng đoàn tu trì và trong các mối tương quan khó khăn với các nhà cầm quyền dân sự.

Ngài cần các nhân đức nhã nhặn, hiền hòa và khiêm nhường, nhưng cũng cần có sự mạnh mẽ và kiên quyết, và chúng ta biết rằng hai nhân đức sau ít được mọi người hoan nghênh hơn ba nhân đức trước.

Và có những thời kỳ ngài đã không được đánh giá đúng.

Điều này cho thấy ngài trong ánh sáng thực tế, đến từ lịch sử hơn là từ một bài tán dương ca ngợi. Tương tự như rất nhiều người khác, ngài đã phải nếm trải vị đắng cay của hiểu lầm và những dư luận thiếu thông cảm.

Cũng có những lần ngài cảm thấy nản lòng.

Tuy nhiên, may thay, ngài đã không bao giờ đánh mất sự tự chủ. Sức khỏe của ngài đã bộc lộ những dấu hiệu suy nhược, nhưng ngài đã sống gần 80 tuổi.

Ngài đã muốn rời khỏi vị trí Giám tỉnh và Đại diện Tỉnh của các Nữ tử Bác ái, bởi vì những năm tháng giữ chức vụ đã làm tăng thêm những yếu đau bệnh tật nơi ngài, song tất cả những gì ngài được đề xuất chỉ là sự trợ giúp của một thành viên phụ tá ngài giải quyết phần nhiều công việc.

Nhờ thế, ngài có nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện và hồi tâm. Lưng đã còng theo tuổi tác, yên vị trên một chiếc ghế bành, ngài vẫn duy trì vẻ mặt vui tươi và ân cần. Bàn làm việc của ngài vẫn chồng chất các lá thư cần được giải quyết.

Vào mùa hè năm 1880, ngài vẫn còn đủ sức để đến Casale Monferrato và Học viện Virle, một trong nhiều cơ sở được ngài phụ trách. Ngài đã muốn hiện diện tại lễ thánh hiến Hiệp hội Con Đức Mẹ, Hiệp hội mà ngài đã giới thiệu vào nước Ý.

Sau đó, sức khỏe của ngài ngày càng suy yếu và ngài đã qua đời khoảng 01h30’, ngày 10 tháng Mười Hai.

Cha Giovanni Rinaldi, Bề trên Nhà Casa della Pace ở Chieri, đã nhận xét: “Chúng ta vừa mất đi một thánh Vinh Sơn khác!” Ý kiến này đã được mọi anh em Vinh Sơn đón nhận và nhiều người đã thừa nhận rằng, cha Marcantonio Durando phải được xem là thánh Vinh Sơn khác.

Trên thực tế, nếu người ta chú ý kỹ vào nhân cách của ngài, cách can thiệp, cách thức ngài giải quyết các vấn đề, kỹ năng diễn giải tư tưởng của thánh Vinh Sơn và đưa tư tưởng đó vào thực hành, thì thậm chí sau hơn một thế kỷ, người ta vẫn chỉ có thể xác nhận quan điểm này.

Trong suốt các nghi lễ tại thời điểm ngài qua đời, một số sự việc chưa từng ai nghe biết đã xuất hiện. Chẳng hạn, Đức cha Fransoni, Tổng Giám mục Turin, đã nhờ cha Durando duyệt xét lại Quy Luật của các Salesian Don Bosco cũng như Quy luật của Tu hội Bác ái do chân phước Antonio Rosmini sáng lập. Chân phước Rosmini là một người bạn tuyệt vời của các anh em Vinh Sơn.

Một nhóm các Nữ tu Chúa Giêsu Na-da-rét
Thành phố Turin, Nước Ý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *