11.12.2020 – THỨ SÁU TUẦN II MV
Mt 11,16-19
“Ông Gioan đến, không ăn không uống… Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai…” (Mt 11,18a.19a)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, nhưng mỗi người thể hiện tình thương mỗi cách: người mẹ thường dịu dàng, nhỏ nhẹ để khuyên bảo, chiều chuộng con; trái lại, người cha ít thể hiện tình cảm, đôi khi còn tỏ ra lạnh lùng, nghiêm khắc với con cái. Cho dù thể hiện bằng cách nào đi nữa, tình thương của cha và mẹ dành cho con vẫn luôn trọn vẹn: ai cũng mong muốn cho con cái những gì họ thấy là tốt đẹp nhất. Thế nhưng, chỉ những người con trưởng thành mới cảm nhận ra được tình thương sâu xa thiết thực đó của cha mẹ.
Cũng thế, khi kêu mời con người ăn năn hối cải, trở về với Thiên Chúa, thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu biểu hiện bằng hai lối sống khác nhau, nhưng cả hai Đấng đều không được người Do thái chấp nhận. Do đó, Chúa Giêsu đã so sánh họ với những đứa trẻ chưa trưởng thành, coi mình là “cái rốn của vũ trụ” và bắt mọi người phải đáp ứng sở thích của mình.
Lối sống chay tịnh và khổ hạnh của Thánh Gioan Tẩy Giả phù hợp với lời hiệu triệu sám hối, hoán cải đời sống và trở về với Thiên Chúa, nhưng họ không chấp nhận, lại còn cho rằng ngài bị quỷ ám (c.18b). Còn Chúa Giêsu, Đấng đã hạ mình tột bậc để sống gần gũi với hết mọi người, để đưa mọi người về với Thiên Chúa thì lại bị cho là “quân ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (c.19b).
Họ tìm mọi cách chối từ Chúa Giêsu cũng như Gioan Tẩy Giả, đơn giản là vì họ không muốn nhìn nhận tình thương của Thiên Chúa và không muốn hoán cải. Những hành động rao giảng và chữa lành của Chúa Giêsu đã bị một nhóm người cùng thời, vì ghen ghét, mà phủ nhận. Họ còn đầu độc suy nghĩ của toàn dân khi xuyên tạc rằng Chúa Giêsu dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ[1]. Chúa vào nhà ông Giakêu thì bị nói là chơi với quân tội lỗi[2]. Họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêsia và họ cũng tìm cách để dân chúng không công nhận Người.
Tuy nhiên, đời sống của thánh Gioan và Chúa Giêsu đều được hướng dẫn và thúc đẩy bởi cùng một Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, nên vẫn thu hút được dân chúng. Họ lũ lượt đến nhận phép rửa từ thánh Gioan, cũng như họ vẫn kéo nhau đến bên Chúa Giêsu để nghe người giảng dạy và xin Người chữa lành. Nơi Người, họ cảm nhận được tình yêu thương thật sự của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, vẫn có những con người luôn tìm cách phủ nhận tình yêu thương của Thiên Chúa. Người ta thích lý giải những biến cố xảy đến trong thiên nhiên, vũ trụ theo định luật vật lý và xem con người như những “cỗ máy” hơn là một nhân vị. Hậu quả của việc loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống là một xã hội thiếu tình thương, nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô: đó là một “nền văn hóa vứt bỏ”, mà nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ đó là những con người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất.[3]
Ngược lại với thái độ của những người Do thái đương thời, với lòng khiêm tốn Mẹ Maria đã nhạy bén nhận ra “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…”[4] Mẹ tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng không chỉ yêu thương cá nhân Mẹ, mà Ngài “hằng thương xót những ai kính sợ Người.” Chính Ngài là Đấng Khôn Ngoan, Đấng đã làm cho cuộc đời Mẹ đẹp như tranh vẽ, với biết bao màu sắc của các đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đồng trinh trọn đời, làm Mẹ Thiên Chúa và được hồn xác về trời… Ngày nay, Mẹ vẫn đang trao ban kho tàng ân sủng của Thiên Chúa cho hết thảy nhân loại.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương mẹ, tôi nhìn nhận quyền năng Chúa nơi vũ trụ thiên nhiên, và nhận ra tình thương của Thiên Chúa trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin làm cho chúng con ngày càng trưởng thành hơn trong đức tin, để chúng con nhận ra những gì Chúa muốn dạy chúng con trong các biến cố hằng ngày và mau mắn đón nhận như Mẹ. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/778671082996075)
[1] X. Lc 11,15
[2] X. Lc 19,5
[3] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/DienVan/58BenhVienKrackow.htm
[4] Lc 1,49