26.02.2021 – THỨ SÁU TUẦN I MÙA CHAY
Mt 5,20-26
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Người ta thường nói: “Chiếc áo không làm nên người tu”. Thật vậy, thực tế đã có những người giả danh tu sĩ để lừa bịp thiên hạ, để được sự kính nể và giúp đỡ hào phóng của tín đồ, hầu có được cuộc sống nhàn hạ, hoặc để đạt đến những mục đích cá nhân của họ.[1] Ai cũng biết: những người giả danh tu sĩ như thế là “bất chính”, họ cần phải sám hối và hoán cải để trở về cuộc sống lương thiện. Còn những người vẫn cảm thấy mình “không bất chính” như thế có cần phải sám hối hay không?
Thời Chúa Giêsu, người ta cũng quan niệm rằng: sự công chính hệ tại việc tuân giữ Lề Luật. Các kinh sư và người Pharisêu là những người tuân giữ Lề Luật tỉ mỉ hơn ai hết. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại tuyên bố với các môn đệ: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (c.20). Choáng quá đi chứ!
Sự công chính của các kinh sư và người Pharisêu là việc thực hành Lề Luật theo hình thức. Họ không giết người, không trộm cắp, không gian dâm, không ngoại tình…và họ cho rằng như thế là công chính. Nhưng Chúa Giêsu đòi các môn đệ của Người phải sống công chính hơn thế nữa mới được vào nước Trời.
Cái “hơn” mà Đức Giêsu đòi hỏi, chính là sự công chính nội tâm, sự công chính từ trong tư tưởng, rồi mới được biểu lộ qua lời nói và hành động. “Luật của Chúa Kitô chính là một lời kêu gọi thanh luyện cái tâm, tức là các ý định và ước muốn của chúng ta”[2] Luật ấy giúp ta nhận định và xét duyệt lương tâm của chính mình, để thấy rõ nguyên nhân mọi tội lỗi: không phải chỉ khi giết người, trộm cắp, gian dâm, ngoại tình rõ ràng thì mới là tội, nhưng ngay từ trong tư tưởng mà có sự giận ghét, mắng chửi, ham muốn bất chính…thì đã là tội rồi.
Đây chính là nét mới mẻ trong giáo lý của Chúa Giêsu, là thứ “Rượu Mới” mà Người mang đến cho chúng ta, khác hẳn thứ “rượu cũ” của Lề Luật: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng…Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” (cc.21-22). Việc thanh luyện lương tâm là yếu tố bắt buộc trong đòi hỏi của Chúa Giêsu để có một tâm hồn ngay chính. Sự ngay chính ấy không cần người đời đánh giá, nhưng chính Thiên Chúa nhìn thấu ta tận đáy lòng.
Sống công chính theo lời Chúa Giêsu, người Kitô hữu sẽ không phá thai khi đã trót lỡ lầm, không cho vay nặng lãi, không giật hụi, không soi mói tìm lỗi của người khác để nói xấu… Trái lại, luôn khiêm tốn và ý thức để cảnh giác chính mình từ trong tư tưởng, và luôn sẵn sàng cảm thông với tha nhân.
Người công chính đặc biệt được thánh Mátthêu nêu danh là thánh Giuse. Theo luật, Giuse phải tố cáo khi biết Maria có thai. Tuy nhiên, ngài đã tôn trọng chương trình của Thiên Chúa nơi Đức Maria và không xét đoán Bạn mình. Ngài chỉ ước muốn và hành động để đem lại những điều tốt lành cho Đức Maria, và đó là sự công chính mà Thiên Chúa muốn.
Phần Đức Maria, sự công chính của Mẹ còn tuyệt vời hơn nữa, khi Mẹ vượt thoát khỏi những hình thức bên ngoài của Lề Luật cũ, để tự do thưa lời “xin vâng”, đón nhận và cưu mang Con Thiên Chúa. Mẹ trao phó trọn vẹn cuộc sống mình cho Chúa, vì lương tâm Mẹ luôn thanh sạch, ý Mẹ luôn ngay chính. Mọi quyết định và hành động của Mẹ đều vì yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Cả Mẹ và thánh Giuse đã sống thứ Rượu Mới, là chu toàn Lề Luật yêu thương như Chúa Giêsu đã dạy.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ và thánh Giuse, tôi luôn nghĩ tốt, nói tốt và làm điều tốt cho tha nhân.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin hướng dẫn con biết thanh luyện lương tâm mỗi ngày, để có một tâm hồn ngay chính như Chúa Giêsu đòi hỏi. Đó là sự công chính nhờ sống yêu mến Thiên Chúa và tha nhân từ trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/823910025138847)
[1] X. https://phatgiao.org.vn/canh-giac-hien-tuong-gia-danh-tu-si-di-lua-dao-d9042.html
https://conggiaovn.com/cong-doan-canh-giac-gia-danh-linh-muc-va-di-lua-dao/
[2] Lời Chúa cho mọi người. Trang 1591, phần chú giải.