01.3.2021 – THỨ HAI – TUẦN II MÙA CHAY
Lc 6,36-38
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”. Điều đó không chỉ nói lên những đặc tính di truyền huyết thống, nhưng còn diễn tả những nét son trong truyền thống của gia đình, dòng tộc. Chính nhờ Đức Giêsu, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa. Đây là một hồng ân vô giá và một vinh dự lớn lao. Bởi thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ý thức vinh dự này để làm nổi lên những nét son của Thiên Chúa nơi chúng ta.
Tuy là phận người con đầy giới hạn, nhưng chúng ta có thể nên giống Cha bằng cách chiêm ngắm và bắt chước Người như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (c.36). Sự nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ ở chỗ không xét đoán, không lên án, hay tha thứ và cho đi (c.37). Chúng ta giống Cha khi không phê bình, chỉ trích, nguyền rủa… nhưng khi cần ta tìm cách góp ý xây dựng nhau trong tinh thần bác ái.
Bài đọc I chứng minh lịch sử cứu độ là một chuỗi những hành động tha thứ và ban ơn của Thiên Chúa, khi Dân Chúa liên tục sa đi ngã lại trong sự bất tuân, chạy theo tà thần và chuốc lấy những thất bại, đau khổ. Thế nhưng Chúa không căn cứ theo tội họ mà xét xử, trái lại luôn ra tay cứu chữa mỗi khi họ biết thống hối ăn năn.
Mẹ Maria đã hiểu và sống rất sâu xa cái kinh nghiệm ấy của dân tộc mình. Thế nên Mẹ đã hội nhập tất cả vào với kinh nghiệm cá nhân của Mẹ để ca ngợi Chúa qua kinh Magnificat:
“Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.”[1]
Mẹ cảm nghiệm được lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với dân tộc và với chính bản thân Mẹ, nên Mẹ cũng sống lòng nhân từ ấy đối với mọi người. Như khi Chúa Giêsu tự ý ở lại Đền thờ, để Cha Mẹ phải đau khổ vất vả tìm kiếm 3 ngày mới thấy[2]. Khi đó, Mẹ rất có lý để khiển trách Con nhưng Mẹ chỉ ôn tồn hỏi lý do: “Này con, sao con làm thế?”
Lòng nhân từ – không xét đoán – dễ tha thứ – hay cho đi… Chắc chắn đó là những nhân đức mà Chúa Giêsu đã cùng với Mẹ thực hành trong suốt thời ẩn dật tại Nazareth. Chính vì vậy mà Chúa hiểu ý Mẹ khi thấy Mẹ muốn giúp đỡ cho đôi tân hôn tại Cana[3] khỏi bị bẽ mặt, và Mẹ cũng biết chắc rằng Chúa không từ chối khi Mẹ muốn làm điều tốt lành cho bất cứ ai. Lòng nhân từ đem lại niềm vui, sự bình an cho chính Mẹ và cho bất cứ ai tiếp xúc với Mẹ.
Chúng ta thán phục về thái độ dịu dàng nhưng biểu lộ một sức mạnh nội tâm lớn lao nơi Mẹ. Cho dù việc đón nhận và tha thứ cho người khác là điều vượt quá sức của chúng ta, vì nó đòi chúng ta phải vượt qua những giới hạn của bản thân mình, vượt qua tính hay so đo, xét nét, sự ích kỷ, hay phê phán người khác… Nhưng nếu chúng ta biết theo bước Mẹ, luôn để tâm chiêm ngắm những việc Chúa đã làm cho chúng ta trong ánh sáng của Lời Chúa, khi đó mọi tư tưởng và hành vi của chúng ta cũng sẽ dễ dàng biểu lộ sự nhân từ của Chúa như Mẹ.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi quyết tâm
- Mau nghe, chậm nói, khoan giận, dễ tha thứ.
- Thay vì xét đoán hay trách cứ, tôi kiên nhẫn lắng nghe và cảm thông.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết quan tâm tìm kiếm những dấu chỉ tình yêu và lòng nhân từ của Chúa dành cho con. Để đến lượt mình, con cũng biết nhìn đến những nhu cầu của tha nhân mà giúp đỡ, cảm thông và chia sẻ. Xin cho con mỗi ngày thêm khiêm tốn, hiền hòa và nhã nhặn, để diễn tả lòng nhân từ của Chúa dành cho mọi người qua cuộc sống của con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/825619498301233)
[1] Lc 1,46-55
[2] Lc 2,41-49
[3] Ga 2,1-12