09.3.2021 – THỨ BA TUẦN III MÙA CHAY
Mt 18,21-35
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Bạn thân mến!!!
Văn sĩ Paul Boese đã từng nói: “Tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai”. Chính vì vậy, tha thứ luôn là điều cần thiết đối với mọi người. Chúng ta luôn cần được người khác tha thứ, đồng thời cũng cần biết tha thứ cho người khác. Thế nhưng chúng ta phải tha thứ như thế nào? Tha thứ bao nhiêu?… Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tha thứ không ngừng, không giới hạn, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Quả vậy, chính Thánh Phêrô đã thắc mắc với Chúa: “Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, con phải tha thứ đến bao nhiêu lần? Có phải bảy lần không?” (c.21b). Đối với người Do thái, số 7 mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn. Tha thứ 7 lần đối với thánh Phêrô quả là nhiều lắm rồi, trong khi người Việt Nam ta chỉ là: “Sự bất quá tam”, chúng ta tha thứ cho ai đó đến lần thứ ba là “hạn chót” rồi. Thế nhưng, Chúa lại mời gọi chúng ta “không phải là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Chắc chắn Chúa không bảo chúng ta làm phép tính và giới hạn sự tha thứ ở những con số, vì giới hạn của tha thứ là tha thứ không giới hạn. Dụ ngôn người đầy tớ không biết thương xót minh chứng điều đó.
Phải công nhận rằng nhà vua trong dụ ngôn có tấm lòng nhân ái tuyệt vời! Chắc chắn món nợ kếch xù ấy, anh ta đã không mượn một lần, nhưng là hết lần này đến lần khác, cho đến khi vượt quá mức chi trả. Nhà vua biết rõ anh ta không thể nào trả được món nợ khủng ấy, nên đã “chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ”. Thế nhưng, chính anh ta lại nhẫn tâm tống người bạn khốn khổ vào ngục, cho dù món nợ của người bạn chẳng đáng là bao, và người bạn ấy cũng năn nỉ xin khất, như chính anh ta vừa năn nỉ nhà vua. Chính vì thế, anh ta phải lãnh lấy hậu quả như chính anh ta đã xử với bạn mình.
Tha thứ không phải là dung túng cho người phạm lỗi để họ tiếp tục vùi sâu trong sự lỗi lầm. Tha thứ, là nhìn người khác với cái nhìn luôn luôn mới, cho họ có cơ hội làm lại, bắt đầu lại như chính Chúa luôn tạo cơ hội cho ta. Lý do chúng ta phải tha thứ cho người đã xúc phạm đến ta, là vì chính chúng ta hằng được Thiên Chúa tha thứ. Chúng ta mắc nợ Chúa sự sống và biết bao ân huệ thể lý cũng như tinh thần trong cuộc đời, để ta được “là chính ta” như ngày hôm nay, thế mà chúng ta lại xúc phạm đến Chúa hết lần này đến lần khác.
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Đã được Chúa tha thứ, chúng ta phải biết tha thứ cho người khác để có thể tiếp tục nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa.
Mẹ Maria đã sống sự tha thứ ngay trong những cảnh huống khó khăn nhất của cuộc đời Mẹ. Trên đường thánh giá, Mẹ đã có thể nổi loạn trước sự bất công của các nhà lãnh đạo và sự tàn ác của quân lính, vì những gì họ đã làm cho Con của Mẹ. Tuy nhiên, Mẹ đã thể hiện một sức mạnh nội tâm mãnh liệt và phi thường. Mẹ vâng phục trước thánh ý Thiên Chúa, đồng thời Mẹ cũng hiệp thông trọn vẹn với Chúa Con trong đau khổ, và cả trong lời nguyện xin tha thứ: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”[1]
Với danh hiệu: “Đức Bà bầu chữa kẻ có tội”[2], Mẹ luôn chuyển cầu cho các tội nhân và giúp họ trở về để đón nhận lòng thương xót tha thứ của Chúa.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Theo bước Mẹ, tôi:
- Sống tâm tình biết ơn vì được Chúa thứ tha lỗi lầm.
- Luôn giải thích tốt cho người khác.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con ý thức mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha, để con biết tha thứ cho những sai lỗi của người anh em, bởi chính con hằng được Chúa tha thứ. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/830482714481578)
[1] Lc 23,34
[2] https://www.kath-vietnamesen.de/duc-me/kinh-cau-duc-ba/