06.4.2021 – THỨ BA – TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Ga 20,11-18
“Tôi đã thấy Chúa…” (Ga 20,18a).
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
“… Một đứa trẻ không thể xa lìa mẹ nó, và nó sẽ kêu lên “Mẹ! Mẹ!” vừa khi bà ấy muốn rời nó. Cũng thế, một con tim yêu mến Thiên Chúa không thể chịu được sự vắng bóng của Người, và phải gắn bó với Người bằng thứ tình yêu cảm tính này, chính nó làm phát sinh tình yêu thiết thực.”[1] Vị Thánh Tông Đồ Bác Ái Vinh Sơn Phaolô đã giải thích về tình yêu cảm tính và thiết thực đối với Thiên Chúa như thế đó.
Bạn thân mến,
Cả hai tình yêu cảm tính và thiết thực ấy, chúng ta đều gặp thấy nơi Ma-ri-a Mác-đa-la, người nữ môn đồ đã yêu mến Chúa tha thiết, vượt qua cả nỗi sợ hãi thường tình để đi ra mộ Chúa ngay lúc trời còn tối. Nhớ lại cảnh Chúa bị kết án oan ức, bị nhục mạ, hành hạ và bị giết chết cách tàn bạo, bà rất đau đớn. Tất cả những gì bà có thể làm cho Chúa lúc này là những nghĩa cử cuối cùng: đem thêm dầu thơm để xức vào xác Thầy. Niềm an ủi cuối cùng của bà là được nhìn thấy xác Thầy. Nhưng, than ôi! Xác Thầy đã không còn trong mộ nữa! Bà không thể chịu nổi và bật khóc tức tưởi, đến nỗi không thể nhận ra ai đang ở trước mặt mình. Rồi, gặp ai, bà cũng hỏi dò cho biết chỗ để xác Thầy: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (c.15b).
Thấu hiểu tấm lòng của bà, Chúa cất tiếng gọi quen thuộc: “Maria!” Chính tiếng gọi thân thương thể hiện sự quan tâm rất riêng biệt của Chúa đã khiến bà bừng tỉnh, như con chiên nhận ra tiếng chủ chiên,[2] bà nhận ra Chúa đang đứng trước mặt: một Đức Kitô đang sống chứ không phải chỉ là cái xác không hồn mà bà đang tìm kiếm. Niềm vui vỡ òa: chính Thầy đây rồi! và bà muốn ôm giữ Thầy cho riêng mình, để không còn bị mất, không phải kiếm tìm nữa. Thế nhưng, Chúa Phục Sinh đã làm bà hiểu rằng: niềm vui Phục Sinh là niềm vui cần được chia sẻ cho mọi người.
Bà mau mắn ra đi báo tin cho các môn đệ bằng cách đơn sơ kể lại những điều mắt thấy tai nghe: “Tôi đã thấy Chúa!…”(c 18). Đó cũng phải là kinh nghiệm gặp gỡ cá vị của chính mỗi người chúng ta với Đấng Phục Sinh trong cuộc sống hôm nay. Khi có được cái nhìn đức tin và cảm nhận riêng tư về tình thương của Chúa dành cho mình, ta dễ dàng nhận ra được “âm thanh quen thuộc” và dung mạo của Đấng Phục Sinh trước những thành công cũng như phía sau những đổ nát và mất mát trong cuộc đời mình. Chính khi lòng ta chẳng còn chút hy vọng về bất cứ điều gì khác – như ngôi mộ trống – ta kiên nhẫn cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa và “quay lại” để nhìn thấy Đức Giêsu Phục Sinh đã đứng sẵn đó âu yếm nhìn ta. Một khi thật sự cảm nghiệm được tình thương của Chúa, ta sẽ đủ sức mạnh và sự phấn khởi để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người xung quanh, vì như Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: “một người đang yêu thì không thể ngồi yên”.
Kinh Thánh không kể gì về Đức Maria trong trình thuật biến cố Phục Sinh, nhưng chúng ta dám chắc rằng: Mẹ Maria luôn xác tín vào sự Phục Sinh của Chúa, vì Mẹ luôn thấy Chúa giữa vui mừng và hy vọng, giữa đau thương và thử thách trong cuộc sống. Đức tin và lòng mến của Mẹ không dựa vào những tình cảm chóng qua, nhưng trong khổ đau và buồn phiền, Mẹ luôn nhận ra thánh ý Chúa và sống kiên vững trong tin yêu. Mẹ không nói: “Tôi đã thấy Chúa!” vì Mẹ luôn chiêm ngưỡng Đấng Hằng Sống muôn đời trong suốt cuộc sống của Mẹ.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Theo bước Mẹ, khi đối diện với những đau khổ, tôi lắng nghe Lời Chúa và “hồi tưởng lại” những ơn Chúa đã ban, để cảm nghiệm và xác tín vào Chúa.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con cảm nghiệm được và ngày càng xác tín vào tình thương Chúa dành cho con, để con làm chứng về Tin Mừng Phục Sinh bằng kinh nghiệm vá xác tín của mình. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/847036959492820)
[1] X. SV. IX,593, ngày 09/02/1653
[2] X. Ga 10,27