11.4.2021 – CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – NĂM B
Ga 20,19-31
“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy.” (Ga 20,27)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Albrecht Durer và Albert đều mơ ước làm họa sĩ, nhưng vì nhà nghèo, hai anh em bàn nhau một người sẽ làm việc để nuôi người kia ăn học trước, sau khi thành tài thì sẽ đổi lại để người kia đi học. Người anh Albrecht Durer được đi học trước. Anh trở thành họa sĩ nổi tiếng và sẵn sàng để người em được đi học trở lại. Tuy nhiên, đôi bàn tay của người em sau 4 năm lao động vất vả, hy sinh thầm lặng đã trở nên chai cứng và bị viêm khớp, không thể cầm cọ để thực hiện ước mơ nữa rồi! Người anh chỉ còn biết dùng cả tài năng, lòng trân trọng và biết ơn của mình để vẽ lại đôi bàn tay của người em trai Albert. Đó là bức họa nổi tiếng được gọi là ‘kiệt tác trong những kiệt tác’ của Albrecht Durer.[1] Nhưng anh chỉ có thể biết được ở mức độ rõ ràng nhất, sâu xa nhất sự hy sinh của người em khi anh trực tiếp nắm lấy và nhìn ngắm đôi bàn tay của em mình.
Hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng mời Tôma và từng người chúng ta “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”, để chiêm ngắm và cảm nhận sâu xa tình thương mà Chúa dành cho từng người chúng ta qua những thương tích trong cuộc khổ nạn của Người. Sau khi sống lại, lời nói đầu tiên mà Chúa Giêsu trao tặng các môn đệ không là những lời trách mắng đã bỏ Thầy, chối Thầy nhưng là “Bình An cho anh em!” Hành động đầu tiên của Người là cho các ông xem các thương tích trên thân mình Người, để chứng thực rằng Người yêu thương chúng ta. Quả thật chúng ta đáng phải chết vì đã phạm tội phản nghịch lại Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã không giáng phạt, lại còn ban Chúa Giêsu chịu chết thay để chúng ta được sống. Thánh Phêrô quả quyết rằng: “Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.”[2]
Chiêm ngắm những vết thương nơi thân xác Phục Sinh của Chúa Giêsu, chúng ta cảm nhận được Tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, đó là một sự đón nhận đau khổ và hóa giải nó, để yêu thương và đối xử tốt với chính người đã gây ra đau khổ cho mình. Sống Lòng Thương Xót, là ta sống tâm tình tha thứ của Chúa Giêsu Phục Sinh, nhận chịu mọi sự thua thiệt với tấm lòng bao dung và cầu xin ơn lành cho họ, làm cho tha nhân cảm nhận được sự dịu hiền và gần gũi của Thiên Chúa. Thánh nữ Louise de Marillac cũng đã nếm trải tất cả những bất hạnh ngay từ khi chào đời và qua từng giai đoạn của cuộc sống. Tuy nhiên, nhờ cảm nếm được lòng thương xót của Chúa dành cho mình, bà đã không nổi loạn, nhưng đón nhận và chuyển hóa nỗi đau ấy thành việc làm: thực thi lòng thương xót đối với các chị em và những người nghèo khổ.
Mẹ Maria là người có kinh nghiệm đặc biệt về Lòng Thương Xót, cũng như chính Mẹ được đích thân góp phần vào việc mạc khải Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua việc nối kết chặt chẽ với hy tế Thập giá của Chúa Giêsu trên Núi Sọ.[3] Hơn ai hết, Mẹ chiêm ngắm các thương tích của Chúa không phải bằng con mắt thể lý, nhưng bằng chính tâm hồn chịu mũi gươm thiêng liêng xuyên thấu lòng Mẹ. Qua sứ điệp của mẫu Ảnh Hay Làm Phép Lạ, đặc biệt nơi mặt trái của mẫu Ảnh[4], Đức Maria- Mẹ của Lòng Thương Xót- vẫn tiếp tục mặc khải cho chúng ta về Lòng Xót Thương của Thiên Chúa mà Mẹ được tham dự cách đặc biệt. Mẹ luôn chuyển cầu cho chúng ta mọi ơn.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi thực thi Lòng Thương Xót bằng bằng việc ý thức chính mình đã được Chúa thứ tha để luôn sống cảm thông và sẵn sàng tha thứ.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con chiêm ngắm các vết thương của Chúa Giêsu, để cảm nhận sâu xa lòng thương xót Chúa dành cho con qua cái chết của Người, để con cũng biết sống lòng thương xót ấy với anh chị em con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc đoạn trích Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/850045802525269)
[1] X. https://dkn.news/van-hoa/doi-ban-tay-nguyen-cau-cau-chuyen-dam-nuoc-mat-phia-sau-mot-kiet-tac-vo-gia.html
[2] 1Pr 2,24b
[3] X. Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chương V, số 9.
[4] X. https://gdanhducmebanon.org/gioi-thieu-ve-anh-duc-me