NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?
Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…
Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]”. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…
Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó.
∞∞∞
[2]Gia đình De Marillac chiếm một vị trí quan trọng trong Vương quốc Pháp. Guillaume, ông nội của Louise, là viên tổng giám sát tài chánh. Chú và giám hộ của ngài, Michel, sẽ trở thành Quan Chưởng Ấn dưới thời Richelieu. Ông sẽ bị cách chức sau cuộc nổi loạn Journée des Dupes, mà ông là một trong những kẻ xúi giục cùng với người anh em dị bào của ông, nguyên soái De Marillac.
Louise sinh ngày 12 tháng tám 1591. Người ta không biết tên của mẹ ngài. Cha của ngài là Louis, góa vợ. Ba năm sau, ông sẽ cưới Antoinette Le Camus, quả phụ và mẹ của ba con nhỏ.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, đứa bé được giao cho tu viện hoàng gia Poissy, gần Paris, nơi các nữ tu dòng Đa Minh nuôi dạy vài cô con gái quý tộc. Louise sẽ nhận được ở nơi đây một nền giáo dục vừa thiêng liêng vừa nhân bản: ngài học đọc và viết, biết Chúa và cầu nguyện.
Khoảng 12 tuổi, ngài được đưa vào một ký túc xá nữ ở Paris, do một “cô giáo tài giỏi và nhân đức” (GO 7) điều hành. Khó biết được ai đã quyết định về sự thay đổi này: có phải là cha ngài đang gặp những khó khăn tài chánh nghiêm trọng không, có phải là giám hộ của ngài, ít lâu sau khi cha ngài qua đời năm 1604, không? Cách sống rất khác nhau: ký túc xá này sống thiếu thốn. Louise khám phá ở nơi đây cảnh nghèo và học biết những gì cần thiết cho mọi phụ nữ để làm việc nội trợ.
Năm 1606, Louise De Marillac tham gia cuộc rước kiệu dài dẫn các nữ tu Capuxinô đến đan viện mới, đường Saint-Honoré ở Paris. Tự nơi ngài nảy sinh ước muốn dâng hiến cho Thiên Chúa trong đời sống nghèo khó và làm việc tay chân này. Như mọi cô gái thế kỷ XVII, ngài không thể tự quyết định chọn cuộc sống cho mình: ngài phải được giám hộ của ngài cho phép. Michel de Marillac gởi ngài cho Bề trên Tỉnh dòng Capuxinô, Cha Champigny. Cha Bề trên từ chối đơn xin của ngài, lấy lý do sức khoẻ của ngài quá kém. Cha nói: “Chúa có những ý định khác cho con” (GO 9). Cô gái rất bối rối. Theo phong tục của thế kỷ XVII, bấy giờ giám hộ của ngài quyết định gã chồng cho ngài.
Ngày 5 tháng hai 1613, hôn lễ được cử hành tại nhà thờ Saint-Gervais ở Paris. Louise de Marillac trở thành vợ của Antoine Le Gras, quan giám mã, bí thư chỉ huy của Hoàng hậu. Chồng ngài chỉ thuộc giới tư sản đơn thuần, nên Louise sẽ mang tên Cô Le Gras, vì cách gọi Bà chỉ dành cho các phụ nữ quý tộc.
Trong nhiều năm, hạnh phúc, sự sung túc ngự trị trong gia đình Le Gras. Con trai của họ, Michel, sinh ngày 13 tháng mười 1613: đây là một niềm vui lớn cho hai vợ chồng. Nhưng, từ năm 1622, tình hình thay đổi. Bệnh tật biến đổi tính tình Antoine: ông dễ cáu, hay đòi hỏi. Louise lo lắng, bối rối. Ngài băn khoăn: phải chăng ngài chịu trách nhiệm về bệnh tình này? Phải chăng ngài phải nhận ra nơi đây bàn tay Chúa trừng phạt ngài vì đã bất trung với Chúa, bởi vì ngài đã không giữ lời hứa trở thành nữ tu? Đêm tối xâm chiếm tâm hồn ngài. Dần dần, ngài lâm vào một tình trạng trầm uất, mặc dù có sự nâng đỡ và khuyến khích của cha linh hướng của ngài, Cha Jean-Pierre Camus, một linh mục thuyết giảng rất được ưa thích và là bạn của thánh Phanxicô Salêsiô.
Ánh sáng Chúa tỏ hiện cho bà Louise de Marillac
trong ngày lễ Hiện Xuống 1623
Chúa nhật ngày 4 tháng sáu 1623, ngài trải qua một kinh nghiệm hết sức đặc biệt. Ánh sáng Chúa tỏ hiện cho ngài trong ngày Lễ Hiện Xuống này. “Chỉ trong một khoảnh khắc, tâm trí tôi được tẩy sạch mọi sự ngờ vực ấy” (LM 3). Các điều ngờ vực vốn giày vò ngài từ nhiều tháng qua, thì nay Chúa thay vào bằng những điều chắc chắn. Ngài muốn rời bỏ người chồng bệnh: nhưng ngài hiểu ngài phải ở lại bên cạnh chồng đang cần ngài hơn bao giờ hết. Ngài tự nhận mắc tội bất trung, vì đã hứa với Chúa sẽ dâng hiến cho Thiên Chúa trong đan viện nữ tu Capuxinô: ngài hiểu rằng một ngày kia ngài sẽ được dâng hiến cho Thiên Chúa bằng cách phục vụ người nghèo và sống trong một cộng đoàn kiểu mới. Ngay cả việc ngờ vực sự hiện hữu của Thiên Chúa: ánh sáng này đã củng cố đức tin của ngài.
Louise, với tình yêu và sự trìu mến, đồng hành với chồng cho tới khi chồng mất ngày 21 tháng mười hai 1625. Tình hình tài chánh của ngài thay đổi, vì chính chồng ngài đã bảo đảm cho đời sống gia đình. Ngài buộc phải rời bỏ ngôi nhà của ngài ở gần nhà thờ Saint-Nicolas-des-Champs và thuê một căn hộ ở đường Saint-Victor, không xa trường trung học Collège des Bons Enfants mà bấy giờ Cha Vinh Sơn Phaolô đang ở, đây là vị linh hướng mới của ngài.
Sự dấn thân của Louise de Marillac vào các Phụng hội Bác ái, là các hội từ thiện do Cha Vinh Sơn Phaolô thành lập năm 1617, khiến ngài bận tâm lo cho người khác và ra khỏi chính mình. Cha Vinh Sơn, phát hiện tất cả sự phong phú của cá tính của ngài, làm cho ngài trở thành cộng tác viên của cha cho các công trình Phụng hội. Khi vào năm 1630, có những thiếu nữ thôn quê đến Paris giúp các Bà Bác ái trong những việc tầm thường và khiêm tốn mà tình trạng các bệnh nhân cần đến, Vinh Sơn Phaolô yêu cầu Louise de Marillac đón nhận, đào tạo và theo dõi họ.
Dần dần ngài thấy cần phải tập họp, trong một Hiệp hội khác biệt với Phụng hội các Bà Bác ái, các thiếu nữ thôn quê này có lòng ước ao đào sâu thêm ý nghĩa sự dấn thân của mình. Ngày 29 tháng mười một 1633, Tu Hội Nữ tử Bác ái ra đời. Các Chị này sau đó sẽ được gọi thông thường là các Chị thánh Vinh Sơn Phaolô. Trong 27 năm, Louise de Marillac điều khiển cộng đoàn mới này, bảo đảm việc huấn luyện nhân bản và thiêng liêng cho các Chị. Ngày 25 tháng ba 1642, với bốn Chị, Louise de Marillac cam kết bằng các lời khấn phục vụ Đức Kitô trong người nghèo.
Một cách nhanh chóng, những lời kêu gọi đến từ các Phụng hội Bác ái khác nhau ở Paris, rồi ở các làng, yêu cầu gởi vài Nữ tử Bác ái để cứu giúp người nghèo. Sự đáp lại chỉ tích cực khi thực sự đó là những người nghèo không có sự cứu giúp nào khác. Việc phục vụ của Nữ tử Bác ái lan rộng: thăm viếng và chăm sóc bệnh nhân tại nhà của họ hay trong bệnh viện, tiếp nhận và giáo dục các trẻ em bị bỏ rơi, dạy học cho các bé gái nghèo ở thôn quê, săn sóc các bệnh nhân tù khổ sai, v.v..
Những năm 1644-1649 đối với Louise là những năm thử thách gay gắt. Tu Hội Nữ tử Bác ái trải qua một thời kỳ khó khăn: nhiều Chị ra đi, nhiều cơ sở cộng đoàn thất bại. Louise de Marillac cảm thấy chịu trách nhiệm nặng nề về tất cả những tai họa này. Con trai Michel của ngài, khi còn đi học, đã chuẩn bị làm linh mục, thì nay biến mất mà không để lại một dấu vết nào: cậu đã ra đi sống với các cô gái. Biết bao điều lo lắng cho người mẹ đau khổ này! Cuộc hôn nhân của Michel tháng giêng 1650, đem lại cho ngài sự bình an và niềm vui được làm bà nội của bé gái Louise-Renée tháng mười 1651.
Cuộc nội chiến La Fronde 1648-1652 làm phát sinh rất nhiều cảnh nghèo khổ: tàn sát, hãm hiếp, cướp bóc mùa gặt kéo theo những khó khăn về tiếp tế lương thực. Tại Paris, những nồi súp bình dân được thiết lập. Nhiều trẻ em mồ côi lang thang trên các đường phố và vùng nông thôn mà không có sự giúp đỡ nào. Những nơi tiếp nhận được mở ra để nhận các em này. Năm 1653, khi cuộc chiến với Tây Ban Nha tái diễn, hoàng hậu Anne nước Áo xin gởi Nữ tử Bác ái đến các chiến trường để chăm sóc cho binh sĩ bị thương và sắp chết.
Lời cầu nguyện và suy gẫm của Louise de Marillac được định hướng về Đức Giêsu Kitô, là con người sống giữa loài người. Bằng cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Người, Chúa Giêsu đã công bố Tình yêu của Người đối với mọi người. Trong các bức thư của ngài, Louise de Marillac dẫn các Chị đến việc đào sâu thêm sự dấn thân của mình và giúp họ đọc lại cuộc sống của mình theo cách nhìn của Phúc Âm.
Mẹ thánh Louise và cha thánh Vinh Sơn bàn luận để biết cách phục vụ tốt các cụ già hành khất ở Paris thời đó.
Để tránh cho cộng đoàn mới này sống giữa thế gian một ngày kia khỏi bị đưa vào nội cấm, Louise de Marillac đã thuyết phục Cha Vinh Sơn Phaolô chấp nhận trách nhiệm của đoàn thể này, do đó tách nó ra khỏi quyền tài phán của các Giám mục. Ngài nhớ lại thánh Phanxicô Salêsiô đã phải, theo lệnh Đức Giám mục Lyon, áp đặt việc đưa vào nội cấm các nữ tu dòng Thăm viếng, họ không còn được tiếp tục đi đến nhà bệnh nhân và người nghèo.
Louise de Marillac qua đời ngày 15 tháng ba 1660, vài tháng trước khi Cha Vinh Sơn Phaolô mất. Con trai, con dâu và cháu nội 9 tuổi của ngài, vài Bà Bác ái và nhiều Nữ Tử bác Ái đã có mặt trong cơn hấp hối của ngài và cầu nguyện với ngài. Xác ngài được chôn cất trong nghĩa trang xung quanh giáo xứ Saint-Laurent ở Paris. Hài cốt của ngài sau này sẽ được di chuyển về Nhà Mẹ các Nữ tử Bác ái.
Ngày 11 tháng ba 1934, Louise de Marillac được Đức Thánh Cha Piô XI tôn phong hiển thánh. Tháng hai 1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII tuyên bố ngài là bổn mạng tất cả những người chăm lo làm việc xã hội Kitô giáo.
(Còn tiếp)
[1] Bút tích 694
[2] Elisabeth Charpy, Cầu nguyện 15 ngày với thánh nữ Louise de Marillac, trang 9-17.