fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – MỪNG 430 NĂM SINH NHẬT THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC – 1591-12.8-2021(P2)

NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?

Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…

Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…        

Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó. 

∞∞∞

Ngày thứ nhất

[1]TÔI LÀ GÌ
THÌ CHẤP NHẬN NHƯ VẬY

Chúa đã ban cho tôi biết bao ân huệ bằng cách làm cho tôi biết được rằng thánh ý Chúa là muốn tôi đến với Chúa bằng Thập giá, và lòng nhân lành của Chúa đã muốn ban cho tôi Thập giá ấy ngay từ khi tôi mới sinh ra, hầu như lúc nào cũng để tôi, ở mọi độ tuổi, có dịp để đau khổ (LM 707).

Chúa chúng ta sinh ra trong cảnh nghèo và bị bỏ rơi của loài thọ tạo, dạy cho tôi biết sự tinh tuyền của tình yêu Chúa… Vì thế, tôi phải học biết ẩn mình trong Chúa, ước ao phục vụ Chúa mà không tìm kiếm sự chứng kiến của loài thọ tạo, và sự thỏa mãn khi liên lạc với họ. Tôi phải bằng lòng với việc Chúa thấy tôi muốn là gì đối với Chúa. Chúa muốn tôi hiến thân cho Chúa để Chúa thực hiện nơi tôi thiên hướng ấy, và nhờ ơn Chúa tôi đã làm được điều này (LM 714).

Bí mật bao quanh việc ngài chào đời là một nguồn thống khổ đối với Louise. Với một đứa trẻ, không biết mẹ mình là ai là một nỗi đau đớn ám ảnh suốt cuộc đời ngài.
Như nhiều đứa trẻ sinh ra mà không biết mẹ của mình là ai, Louise tin rằng ngài là nguyên nhân của sự bỏ rơi này, rằng ngài không xứng đáng được mẹ ngài tiếp nhận, yêu thương. Ngài tự coi mình là một hữu thể vô giá trị. Ngài nhìn “sự đê hèn của mình”, “nhiều lần mình bất trung “. Tất cả những cảm xúc đó làm cho ngài ngã bệnh. Ngài cảm thấy “tim thắt lại rất mạnh làm cho ngài đau đớn cả thân thể” (LM 689).

Khi còn rất nhỏ, Louise đã ở nội trú trong tu viện của các nữ tu Đa Minh ở Poissy. Giữa những đứa trẻ khác được nhận trong nhà giáo dục này, Louise cảm thấy mình khác biệt. Những ngày cha mẹ đến thăm viếng, ngài hết sức cô đơn, cha ngài không hề đến thăm ngài. Ngài thắc mắc: Tại sao ngài bị gia đình bỏ rơi? Tôi là ai? Bị đánh dấu sâu sắc bởi các câu hỏi này, Louise xuất hiện như một cô bé buồn bã, yếu đuối, nhạy cảm. Làm sao không đau khổ khi tự nhìn mình một cách tiêu cực như thế?

Louise may mắn được nhận tại tu viện này một nền giáo dục Kitô giáo. Mẹ bề trên, Louise de Marillac, bà cô của ngài, một nữ tu uyên bác, hướng dẫn ngài gặp gỡ Chúa Giêsu. Mẹ dạy ngài, ngày 12 tháng tám, mừng kỷ niệm ngày ngài chịu phép rửa. Vào ngày này, như ngài viết sau này, “Tôi hiến dâng và cung hiến cho Thiên Chúa để làm con Chúa”(LM 691).

Trong nhiều năm, ngài đọc Thư gởi tín hữu Rôma, khiến ngài đào sâu thêm suy nghĩ của mình về bí tích ấy. Lãnh nhận phép rửa bao hàm đức tin vào Thiên Chúa tự mạc khải qua Ngôi Lời trở thành người phàm. Phép rửa nhấn chìm người kitô hữu trong đời sống thần tính. “Lãnh nhận phép rửa trong cái chết của Đức Kitô”, người kitô hữu được mời gọi thông phần “vào tình yêu mà Chúa chúng ta dành cho chúng ta từ thuở đời đời”(LM 778).

Sự sống mới này chỉ có thể sinh ra trước tiên là tội lỗi phải chết đi. Mọi sự hoán cải đều là một sự trở lại bắt buộc. Để đạt được một sự tự do thiêng liêng hoàn toàn, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự từ bỏ điều mà thánh nhân gọi là con người cũ, để tiếp nhận con người mới được mạc khải trong Đức Giêsu Kitô. Louise mong muốn trút bỏ tất cả những gì giữ ngài khép kín vào chính mình, trút bỏ cái nhìn tiêu cực cản trở ngài cởi mở với Thiên Chúa và tha nhân. Ngài là gì, ngài cố gắng chấp nhận là như vậy, nghĩa là tiếp nhận chính mình với tất cả sự phong phú và thiếu sót của mình. “Bằng lòng với việc Chúa thấy tôi muốn là gì đối với Chúa,…Tôi hiến thân cho Chúa để Chúa thực hiện nơi tôi thiên hướng ấy”(LM 714).



Louise rất quan tâm đến các trẻ em bị bỏ rơi ngoài đường phố

hoặc trước cổng nhà thờ

Từ năm 1636, Louise de Marillac, cùng với các Nữ tử Bác ái, dấn thân vào “công trình các Trẻ em bị bỏ rơi” do Cha Vinh Sơn Phaolô và các Bà Bác ái khởi xướng. Louise tỏ ra rất nhạy cảm với sự quan tâm đến các trẻ em bị bỏ rơi ngoài đường phố hoặc dưới cổng các nhà thờ. Ngài đã có thể là một trong số những em này. Nhiều người cho rằng để cho các em bé này chết là chính đáng, vì “chúng là con của tội lỗi”. Và thật ô nhục nếu muốn lo cho chúng.

Nữ tử Bác ái bị đánh dấu bởi não trạng của thời kỳ ấy. Nếu có vài Chị vui vẻ và rất yêu thương chu toàn công việc phục vụ bên cạnh các trẻ em bị bỏ rơi, thì cũng có nhiều Chị khác từ chối đi chăm sóc chúng. “Các trẻ em này, rất có thể đã được thụ thai trong tội lỗi, là một cây rất nhiều gai đối với chúng ta”, như một Chị giải thích trong cuộc gặp gỡ với Cha Vinh Sơn Phaolô (SV IX, 129). Các phản ứng này chạm đến Louise tận đáy lòng. Tất cả nỗi đau khổ trong tuổi thơ của ngài lại nổi lên. Ngài không thể giải thích cho các Chị hiểu ngài bối rối biết chừng nào. Ngài xin Cha Vinh Sơn Phaolô can thiệp: “Đã có tin đồn giữa các Chị rằng, chắc là bị ma quỷ xúi giục, nên mỗi khi có một nữ tử không thích hợp ở một giáo xứ, hoặc ở một nơi nào khác, thì chị ấy được đưa vào nhà lo cho trẻ em bị bỏ rơi như thể vào một nhà tù. Chúng ta có những nữ tử nào tốt hơn các chị đang ở đó không? Họ là những nữ tử làm việc ở đó vì tình yêu đối với Thiên Chúa, mà họ phục vụ nơi bản thân các trẻ em ấy” (SV X, 240)


Louise cho rằng mỗi trẻ em đều có quyền được giáo dục,

Điều này sẽ là tài sản duy nhất của em khi em rời khỏi nơi đ nuơi dạy em.

Vì lợi ích các em vô gia đình ấy, Louise trở nên có óc sáng tạo. Kinh nghiệm về các vết thương của chính mình đem lại cho ngài sức mạnh và sự quyết tâm để cho mọi trẻ em đều được nhìn nhận và tôn trọng. Ngài đã từng sống tập thể trong nhiều năm, nên ngài ước mong tất cả các em ấy có thể biết một đời sống gia đình. Ngài đặt ra, ngay từ tháng ba 1640, nhiệm vụ vú nuôi. Khi thành lập cơ sở nuôi trẻ em bị bỏ rơi tại lâu đài cũ Bicêtre, Louise de Marillac đòi hỏi có những thay đổi trong việc tổ chức nhà này do các Bà Bác ái dự kiến: “Các Bà không hề nghĩ đến việc sắp đặt một chỗ cho trường học, chúng tôi thấy có một chỗ ở phía dưới rất thích hợp cho các em trai mà chúng ta phải tách ra khỏi các em gái, có lẽ chỉ cần làm cửa ra vào và đóng các cửa sổ; còn trường học các em gái, thì sẽ làm ở phía trên” (LM 216). Louise cho rằng mỗi trẻ em đều có quyền được giáo dục, điều này chắc chắn sẽ là tài sản duy nhất của em khi em rời khỏi cơ sở.

Louise de Marillac không tìm cách phủ nhận tính yếu ớt của mình. Ngược lại, ngài cố gắng chịu đựng khiếm khuyết này và làm cho nó trở thành bàn đạp để phục vụ những kẻ yếu ớt nhất.

Thiên Chúa Là Tình yêu. Ai có lòng bác ái thì thông phần vào ánh sáng thần linh ấy, đốt cháy người đó bằng Tình yêu thánh. Tôi muốn làm tất cả những gì tôi có thể làm để được thực hành Tình yêu thánh và làm nguôi dịu tâm hồn tôi khỏi mọi nỗi cay đắng vốn làm cho nó sầu não (LM 707).

(Còn tiếp)


[1]Elisabeth Charpy, Cầu nguyện với thnh nữ Louise de Marillac, trang 23-29

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *