fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – MỪNG 430 NĂM SINH NHẬT THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC – 1591-12.8-2021(P3)

NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?

Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…

Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…        

Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó. 

∞∞∞

Ngày thứ hai

[1]CHẤP NHẬN THA NHÂN
NHƯ NGƯỜI ẤY LÀ

Thưa Cha, con sợ các thư của con đã bị lạc, vấn đề chính, đó là xin Cha góp ý về đứa con trai của con… Lòng sốt sắng của nó giảm bớt rất nhiều về quyết tâm làm giáo sĩ, và con thấy tinh thần nó hết sức thay đổi (LM 9).

Con đã hy vọng căn bệnh của con trai con sẽ giúp ích cho nó, nhưng người ta báo cho con biết, nó đi chơi và còn không ngủ ở nhà nữa. Con có một chút cảm tưởng rằng nó đã và đang canh giữ trái tim nó để không cho trái tim nó biết tình trạng linh hồn nó. Con thấy tất cả điều xấu ấy. Tuy nhiên, con rất ước ao nó được cứu rỗi (LM 168).


Trong cầu nguyện Louise de Marillac khám phá nghĩa vụ phải tôn trọng con trai mình, từ chối áp đặt trên cậu ta những ước ao của riêng mình về tương lai.

Trong hai bức thư trên đây ngài gởi cho Cha Vinh Sơn Phaolô, Louise de Marillac tỏ bày nỗi lo lắng của ngài về tương lai của con trai mình. Sau khi học biết chấp nhận bản chất của mình, trong cầu nguyện Louise de Marillac khám phá nghĩa vụ phải tôn trọng con trai mình, từ chối áp đặt trên cậu ta những ước ao của riêng mình về tương lai.

Khi chồng ngài qua đời, tháng mười hai 1625, Louise cảm thấy cô đơn, bối rối. Buộc phải chuyển nhà, ngài lo lắng cho Michel lúc ấy 12 tuổi: đó sẽ là sự đoạn tuyệt hoàn toàn với tuổi thơ của cậu. Một nỗi lo âu triền miên ghì chặt tâm hồn ngài. Ngài quá yêu thương con đến nỗi ngài muốn tránh cho cậu ta mọi buồn phiền, ngài muốn biết cậu hạnh phúc. Ngài quay sang người mẹ đã giáo dục Chúa Giêsu:

Lạy Đức Trinh Nữ rất thánh, xin Mẹ vui lòng che chở con và con trai của con, và xin Mẹ vui lòng nhận cho con việc chọn Mẹ phù hộ con trong cách cư xử của con; và xin Mẹ nhận lời khấn hứa và cầu nguyện của con với tâm hồn con hoàn toàn dâng cho Ngài, để tôn vinh Chúa về việc Chúa đã chọn Mẹ làm mẹ của Con Chúa (LM 693).

Louise rất ước ao: Michel trở thành linh mục. Ngài xin cho cậu vào tiểu chủng viện Saint-Nicolas-du-Chardonnet, do Cha Bourdoise khắc khổ điều khiển. Ngài biết con mình ít vui thích trong việc học hành; như mọi bà mẹ, ngài biện giải cho cậu :

Nó cần được thúc giục để làm việc có ý thức… Nó lười biếng như tôi; và để hành động, chúng tôi phải được thúc giục hoặc bởi các việc cần thiết hoặc bởi các xu hướng của chúng tôi, từng đợt nổi lên, khiến chúng tôi xúc tiến làm những việc khá khó khăn (LM 306).

Cùng với các bạn trong tiểu chủng viện, khi được 14 tuổi rưỡi, Michel mặc áo dòng. Đây là bước đầu tiên tiến tới chức linh mục, điều này làm cho mẹ cậu rất vui. Nhưng, vào một ngày tháng mười 1638, Louise được tin con ngài thà muốn tự tử còn hơn bị ép buộc làm linh mục. Ngài thấy nơi đây hành động công bình của Chúa trên ngài. Louise chỉ còn biết cầu nguyện:

Tôi van xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh yêu dấu của tôi, cột chặt tôi vào thập giá của Người, để một khi được kết hiệp mật thiết với Người trong tình yêu thánh của Người, những đau khổ nho nhỏ của tôi và một ít việc tôi làm được thực hiện trong tình yêu và vì tình yêu Người (cf. LM 55).

Vài tuần sau đó, một cuộc tranh cãi khá dữ dội với Michel làm cho Louise hết sức đau khổ đến mức độ ngài lăn ra bất tỉnh. Thật đau đớn biết chừng nào cho một bà mẹ chỉ biết thú nhận tình cảm sâu đậm trói buộc bà với con trai mình! Như nhiều bà mẹ lo sợ và đau xé lòng, các lời nói của ngài vụng về, nói ra một cách quá hăng say, và chúng không được đón nhận chút nào.

Khi suy nghĩ về các biến cố ấy, Louise ý thức rằng một tình yêu nào muốn áp đặt hoặc thống trị, thì đó là sự phủ nhận chính tình yêu ấy. Ngài nhìn nhận rằng một ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ không thể được áp đặt, vì ơn gọi là và phải là một lời đáp trả tự do tiếng gọi của Thiên Chúa. Ngài phó thác cho Chúa đứa con mà ngài hết sức yêu thương:

Với tất cả sự trìu mến tự nhiên con đã dành cho con trai của con … con nài van Chúa, lạy Chúa, với lòng nhân lành của Chúa, xin Chúa chiếm hữu hoàn toàn và trọn vẹn tất cả những gì con của con là và xin Chúa ban cho con của con những ơn cần thiết (Doc 992).

Kinh nghiệm của Louise với cậu con trai trở thành ánh sáng cho hành động của ngài. Ngài học biết cách tự giải thoát mình ra khỏi nhu cầu chiếm hữu người khác. Vào năm 1629, khi đi thăm viếng các Phụng hội Bác ái, thường có Germaine, một thiếu nữ thôn quê trẻ, đi theo ngài. Louise đánh giá cao khả năng, sự nhiệt thành của thiếu nữ này. Khi sáng lập Tu Hội Nữ tử Bác ái, Germaine quyết định không gia nhập nhóm mới này. Louise đau khổ về chuyện đó, nhưng ngài sẽ không làm một áp lực nào trên người phụ nữ trẻ ấy để bắt cô đổi ý. Như Chúa Giêsu đứng trước người thanh niên giàu có (Lc 18, 21), Louise buồn bã nhìn cô ấy bỏ đi.

Nếu Louise đã học biết tôn trọng sự lựa chọn tự do của mỗi người, thì ngài cũng đòi hỏi người khác phải có một thái độ như vậy. Một cách khá nghiêm khắc, ngài thưa chuyện với bà bề trên các nữ tu Biển Đức ở Argenteuil đang tìm cách lôi kéo một Nữ tử Bác ái vào đan viện của bà. Louise nhìn nhận sự cao cả của ơn gọi nữ đan sĩ, nhưng ngài mong muốn những hình thức khác của đời sống tu trì cũng cần được tôn trọng :

Thưa bà, tôi không muốn tin rằng chính bà đã cố gắng làm cho chị ấy thay đổi ơn gọi của mình, vì tôi không thể hình dung rằng những ai biết được tầm quan trọng của ơn gọi lại muốn tìm cách chống lại các ý định của Thiên Chúa (LM 19).

Ngài trình bày sự cao cả của việc lựa chọn của các nữ tử của ngài và nỗi đau khổ của người nghèo nếu các Chị ấy không còn nữa:

Bà lấy mất sự cứu giúp dành cho người nghèo bị bỏ rơi đang lâm vào mọi cảnh túng thiếu, và chỉ có việc phục vụ mới có thể cứu giúp họ đàng hoàng. Các cô gái ấy, từ bỏ mọi quyền lợi, hiến thân cho Chúa để phục vụ về mặt tinh thần và vật chất những người đáng thương ấy mà Chúa nhân lành rất muốn coi như là chi thể của Người (LM 19).

Bức thư của Louise de Marillac mời gọi nhìn nhận hình thức mới đời sống tu trì này và khám phá nơi đó hoạt động của Thiên Chúa vì lợi ích của người nghèo.

Sau này, Louise de Marillac sẽ phải sống một thời gian từ bỏ. Khoảng năm 1647, vài Nữ tử Bác ái, khi thấy đời sống cộng đoàn và việc phục vụ người nghèo quá đòi hỏi, nên rời bỏ Tu Hội. Một cảm xúc lo sợ và tội lỗi tràn ngập Louise. Ngài van xin: “Lạy Chúa, xin nghe lời con cầu khẩn, tiếng con kêu mong được thấu tới Ngài. Buổi con gặp gian truân, xin Ngài đừng ẩn mặt. Xin Ngài lắng tai nghe “ (Tv 101, 2-3).


Được Cha Vinh Sơn Phaolô nâng đỡ trong cơn thử thách này,

ngài nhận thấy hết sức cần thiết phải để cho mỗi Chị tự do định hướng cuộc đời mình.

Được Cha Vinh Sơn Phaolô nâng đỡ trong cơn thử thách này, ngài nhận thấy hết sức cần thiết phải để cho mỗi Chị tự do định hướng cuộc đời mình. Lời cầu nguyện của ngài trở nên tin tưởng hơn.
Trong nhiều năm, Louise de Marillac khám phá niềm vui được giúp đỡ những người trẻ đi vào kế hoạch của Thiên Chúa dành cho họ.

Tôi muốn tự nguyện xin Chúa Giêsu chiếm hữu linh hồn tôi và nói với Chúa niềm vui khi tôi nhìn thấy sự ước ao và khả năng làm cho mỗi người trở thành người yêu dấu của Chúa (LM 711).


[1]Elisabeth Charpy, Cầu nguyện với thánh nữ Louise de Marillac, trang 31-38

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *