fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – MỪNG 430 NĂM SINH NHẬT THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC – 1591-12.8-2021(P4)

NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?

Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…

Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…        

Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó. 

∞∞∞

Ngày thứ ba

[1]LUÔN SẴN SÀNG
LÀM THEO THÁNH Ý CHÚA


Vì Chúa Giêsu xem các nhu cầu của mọi người như là nhu cầu của chính mình, nên điều rất hợp lý là chúng ta phải đi theo và noi gương đời sống nhân tính rất thánh của Người. Ý tưởng này đã xâm chiếm tâm trí tôi thật mãnh liệt và tôi hoàn toàn quyết tâm đi theo Người mà không có sự phân biệt nào. Tôi cảm thấy được an ủi khi biết rằng Người đã chấp nhận tôi, để suốt đời tôi đi theo Người. Và vì thế, tôi đã quyết tâm làm tất cả mọi sự và trong mọi trường hợp ngờ vực và do dự, nhìn xem Chúa Giêsu đã làm gì.

Trước Mình Thánh Chúa, tôi cảm thấy tận thâm tâm tôi bị thúc giục tự đặt mình trong sự dửng dưng thánh thiện để luôn luôn sẵn sàng hơn để nhận lãnh ơn gọi của Chúa và thực hiện thánh ý Chúa. Tự nhận thấy mình bất xứng được Chúa nhân lành có ý định trên linh hồn tôi, tôi ước ao ý định ấy được thực hiện hoàn toàn nơi tôi. Tôi muốn suốt đời hiến dâng cho Chúa để làm điều này. Tôi phó thác hoàn toàn trong tay Chúa, với lòng biết ơn tình yêu rất cao cả đã làm cho Chúa tỏ mình ra với loài người (LM 711).


Sự kiện vài thiếu nữ thôn quê đến Paris giúp các Bà Bác ái phục vụ người nghèo là một biến cố sẽ làm đảo lộn cuộc đời Louise de Marillac. Chính ngay giữa đời sống hằng ngày khiêm tốn mà Chúa ra dấu và mở ra một tương lai mới.

Rất nhanh chóng, Louise thắc mắc về tương lai của các nữ tỳ người nghèo mới này, họ hết sức phấn khởi và đầy lòng quảng đại. Nên chăng cần tập hợp họ lại thành một loại Phụng hội, khác biệt với Phụng hội các Bà Bác ái, để bảo đảm việc huấn luyện, nâng đỡ lòng trung thành của họ ? Ngài thấy như Chúa yêu cầu ngài trở thành nữ tỳ của các nữ tỳ này. Làm thế nào để đáp lại điều có thể là tiếng gọi của Chúa, khi mà những gì đang hiện ra có vẻ không thể thực hiện được? Louise tận dụng thời gian để suy nghĩ và cầu nguyện. “Con ước ao thánh ý Chúa nơi con và con muốn dâng cho Chúa cả cuộc đời con để thực hiện thánh ý Chúa” (LM 711).

Đừng xây nhà trên cát, nhưng phải chắc chắn về độ cứng của đất, như Chúa Giêsu dạy bảo (Mt 7, 24). Một cách sáng suốt, Louise nhìn các hậu quả của một sự dấn thân như thế. Ngài sẽ có sức mạnh hay không, để sống với những thiếu nữ thôn quê, mà nền văn hóa cũng như cách sống hết sức khác biệt với nền văn hóa và cách sống của ngài ? Các lo sợ của Louise de Marillac rất lớn. Làm sao những người thân cận của ngài sẽ hiểu được một quyết định như thế, một sự giáng cấp xã hội như thế? Phải chăng sự lựa chọn của Thiên Chúa vượt quá sức ngài, vượt lên trên những gì ngài có thể thực hiện được, xét về mặt loài người ?


Louise nài van Chúa:”Xin Chúa ban cho con nhiều can đảm và tin tưởng để thực hiện tất cả những gì Chúa yêu cầu con làm”

Louise cầu nguyện với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, “mà các hành động làm gương và dạy chúng ta” (LM 712). Để nói cho loài người biết tình yêu Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chấp nhận sống giữa loài người, Người đã chấp nhận những lời chỉ trích và khiển trách khi các thái độ của Người không đi đúng hướng thẩm quyền tôn giáo thời bấy giờ. Louise nài van Chúa:“Xin Chúa ban cho con nhiều can đảm và tin tưởng để thực hiện tất cả những gì Chúa yêu cầu con làm” (LM 711). Cuối lời cầu nguyện, ngài đạt được điều chắc chắn này: “Chắc chắn Chúa sẽ giúp đỡ tôi nếu Chúa đòi hỏi nơi tôi những điều vượt quá khả năng của tôi” (LM 712).

Louise chỉ muốn thưa với Chúa ngài hoàn toàn luôn sẵn sàng, và không băn khoăn về những gì thế gian sẽ nói về sự lựa chọn đời sống mà ngài dự kiến. “Lạy Chúa, con xin hiến dâng mình cho Chúa để phục vụ tha nhân, noi gương Chúa: đó là điều con ước ao làm nếu đó là thánh ý Chúa” (LM 715).

Nhưng phải chăng dự định của ngài là ảo tưởng, một sự ước ao vô ý thức được nhìn nhận trong một cuộc dấn thân độc đáo? Để biết thật sự tiếng gọi ngài nghe là đúng thánh ý Chúa hay không, ngài quyết định trông nhờ vào Cha Vinh Sơn Phaolô, vị linh hướng của ngài. Câu trả lời của cha có vẻ, đúng hơn, chuyển hướng ngài khỏi dự định của ngài. “Cô thuộc về Chúa chúng ta và Mẹ thánh Người : Cô hãy bám vào các Ngài và vào tình trạng các Ngài đã đặt Cô vào đó, trong khi chờ đợi các Ngài chứng tỏ các Ngài ước ao điều gì khác nơi Cô” (SV I, 79). Tạm thời, không có gì chỉ định cuộc tập hợp các nữ tỳ người nghèo thành một Phụng hội khác biệt với Phụng hội các Bà Bác ái là điều có thể ao ước.

Louise không chịu để cho lời từ chối ấy làm cho mình suy sụp. Sự ước ao của ngài muốn thuộc về Chúa, ngược lại, ngày càng được củng cố thêm: “Bằng cách chấp nhận sự không biết gì về các đường lối mà Chúa muốn con phục vụ Chúa, con muốn hoàn toàn phó thác cho Chúa tùy ý sử dụng con để hoàn toàn thuộc về Chúa” (LM 713). Ngài vẫn chờ đợi, ngài đã học biết trong lúc nguyện gẫm rằng Chúa không từ chối người nào tìm kiếm Chúa trong sự thật: “Có vẻ như Chúa đã yêu cầu tôi và tôi đã hoàn toàn chấp thuận thực hiện, do chính Chúa, điều Chúa muốn thấy nơi tôi” (LM 716).

Vinh Sơn Phaolô, về phần mình, suy nghĩ và cầu nguyện, cố gắng tìm kiếm phân định thánh ý Chúa. Cha cố gắng có một cái nhìn khách quan về đơn xin của Louise, làm sáng tỏ điều có thể là ảo tưởng, tìm thấy ánh sáng, xác định xem câu trả lời của cha sẽ làm sáng danh Chúa hay không, và sẽ thật sự góp phần cho lợi ích người nghèo mà các Phụng hội Bác ái phục vụ, hay không. Trong cuộc tĩnh tâm hằng năm, tháng tám 1633, Cha suy nghĩ lại thật lâu về kế hoạch mà Louise de Marillac đã trình cho Cha. Cuối tháng, Cha mời ngài đến gặp Cha. Cùng nhau, các ngài nghiên cứu các cách bố trí khác nhau cần phải làm, xem xét các sai lầm cần phải tránh. Louise được củng cố thêm bởi tiếng nói của vị linh mục này. Rõ ràng là Chúa kêu gọi ngài sống đời sống mới này.


Cha Vinh Sơn và Mẹ Louise đón nhận nhóm Nữ Tử Bác Ái đầu tiên.

Ngày 29 tháng mười một 1633, Louise de Marillac tiếp nhận trong căn hộ của ngài, gần nhà thờ Saint-Nicolas-du-Chardonnet ở Paris, một vài chị (bốn hay năm, theo người viết tiểu sử đầu tiên của ngài) đang phục vụ người nghèo trong các Phụng hội Bác ái Paris. Ngài chấp nhận cuộc phiêu lưu sống đời thánh hiến ngay giữa thế gian để phục vụ người nghèo. Như vậy đã khai sinh Tu hội Nữ tử Bác ái.

Louise van xin Chúa giúp đỡ ngài trong sứ mạng này, hoàn toàn mới mẻ đối với ngài:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã muốn kết hiệp mật thiết với chúng con vì tình yêu. Con rất tin tưởng và chắc chắn ơn Chúa sẽ đủ cho con để thực hiện thánh ý Chúa mặc dù có vẻ khó khăn. Con hoàn toàn tin tưởng rằng bất cứ nơi nào tùy ý Chúa gọi con, miễn là con chịu để cho Chúa dẫn dắt, ý định của Chúa sẽ được thực hiện vì vinh quang cao cả nhất của Chúa (LM 712).


[1] Elisabeth Charpy, Cầu nguyện với thánh nữ Louise de Marillac, trang 31-38 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *