fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – MỪNG 430 NĂM SINH NHẬT THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC – 1591-12.8-2021(P5)

NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?

Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…

Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…        

Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó. 

∞∞∞

Ngày thứ tư

[1]CHIÊM NGẮM
MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Lạy Chúa Thánh Thần, chỉ có Chúa mới có thể làm thấu hiểu được sự cao cả của Mầu nhiệm Nhập thể. Mầu nhiệm này làm hiện ra, nếu có thể nói được như vậy, sự thiếu kiên nhẫn của Thiên Chúa trong việc thực hiện ý định của Chúa trên bản tính loài người, là điều hoàn hảo của sự kết hiệp mà Chúa toàn năng muốn thực hiện nơi bản tính loài người (LM 810).

Tình yêu Thiên Chúa hướng tới loài người! Chúa đã muốn Con Chúa làm người bởi vì thú vui của Chúa là được ở với loài người. Và Chúa đã làm quen với cách làm của loài người để, trong suốt đời sống nhân tính của Chúa trên trần thế, làm chứng cho loài người thấy Thiên Chúa, từ thuở đời đời, đã yêu thương loài người (LM 817).


Tất cả suy nghĩ của Louise de Marillac về người nghèo, tất cả các sáng kiến của ngài để đến giúp những kẻ bị xã hội thời bấy giờ loại bỏ xuất phát từ sự chiêm niệm của ngài về Mầu nhiệm Nhập thể, ở trung tâm linh đạo của ngài.

Làm sao hiểu được sự cao cả của Mầu nhiệm Nhập thể, Mầu nhiệm trọng tâm của Kitô giáo ? Louise suy niệm lâu dài về sự ước ao nồng nhiệt của Thiên Chúa muốn đến tỏ bày tình yêu của Chúa với loài người. Với tính cách một phụ nữ luôn luôn vội vã thực hiện những gì mình thấy cần thiết, ngài hình dung thấy Thiên Chúa đau khổ vì tội lỗi loài người, cảm thông với nỗi gian truân của loài người, và như nôn nóng thực hiện cuộc Nhập thể của Con Chúa.


Trong lúc cầu nguyện, Louise chiêm ngắm Ba Ngôi Thiên Chúa,
bằng một tình yêu rất lớn và tinh khiết, ra lệnh cho một trong Ba Ngôi nhập thể làm người.

Trong lúc cầu nguyện, ngài chiêm ngắm Ba Ngôi Thiên Chúa đang cùng nhau suy nghĩ về cách xử sự. “Đấng Tạo hoá, trong hội đồng thần tính của Chúa, bằng một tình yêu rất lớn và tinh khiết, ra lệnh cho một trong Ba Ngôi nhập thể làm người” (LM 699). Thiên Chúa muốn gần gũi con người hay, đúng hơn, Chúa mong muốn con người hiểu rằng Người sẽ không bao giờ bỏ rơi họ, cho dù thái độ của họ như thế nào đi nữa.

Có người nào hình dung được một thái độ như thế của Thiên Chúa, một sự ước ao đến với con người như thế? Cuộc Nhập thể không phải là một thực tại trừu tượng. Chúa Giêsu, Ngôi Lời trở thành người phàm, đến nói với con người về hành động quá mức của tình yêu Thiên Chúa. “Chưa bao giờ Thiên Chúa chứng tỏ với con người một tình yêu nào lớn hơn khi Người quyết định nhập thể làm người” (LM 697). Louise de Marillac kinh ngạc và sẽ còn kinh ngạc mãi mãi trước quà tặng ấy của Thiên Chúa mà ngài càng ngày càng khám phá có rất nhiều cách tỏ hiện.

Cuộc Nhập thể của Con Chúa xoá bỏ mọi khoảng cách giữa Thiên Chúa và loài người: trong Đức Giêsu Kitô, con người và Thiên Chúa chỉ là một. Thiên Chúa, có vẻ không thể tiếp cận, thì nay trở nên gần gũi. Khi đến chia sẻ nhân tính của con người, Chúa đề nghị với con người chia sẻ thần tính của Chúa. “Theo ý định của Chúa Ba Ngôi, cuộc Nhập thể là … làm cho con người đạt tới sự tuyệt hảo của hữu thể con người; Thiên Chúa muốn kết hiệp đời đời với con người” (LM 809). Các Giáo phụ đã thường xuyên tóm tắt tư tưởng này trong một câu ngắn:”Con Thiên Chúa làm người để làm cho chúng ta trở thành Thiên Chúa” (thánh Athanase). Louise chỉ có một điều ao ước: làm cho cuộc đời ngài trở thành một đáp trả tình yêu với Tình yêu mà Thiên Chúa tỏ hiện với loài người!


Louise biết rõ cuộc Nhập thể của Con Chúa,
theo ý định của Thiên Chúa từ thuở đời đời, là để Cứu chuộc nhân loại.

Với tính cách nhà thần học có kinh nghiệm, Louise biết rõ “cuộc Nhập thể của Con Chúa, theo ý định của Thiên Chúa từ thuở đời đời, là để Cứu chuộc nhân loại” (LM 818). Đức Kitô, trong thần tính của Người, hợp nhất với nhân tính của Người, làm trung gian giữa Chúa Cha và anh em Người là loài người. Đức Kitô, bằng cái chết và sự sống lại của Người, đề nghị với con người sự hoà giải, sự đổi mới thường xuyên của Giao ước với Thiên Chúa.

Louise khám phá điều mà Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp “Đấng Cứu chuộc loài người”, gọi là “mầu nhiệm đáng sợ của Tình yêu”. Chúa Giêsu đã kết hợp với tất cả nỗi đau khổ của loài người, cảm nhận lúc hấp hối một cảm xúc sâu sắc bị bỏ rơi. Trong tình trạng lo sợ ấy, Con Chúa kêu lên Chúa Cha.

Khoảnh khắc chuộc tội loài người, một công trình hết sức tuyệt diệu, được nhận biết trong lời Chúa nói: “Lạy Chúa, tại sao Chúa bỏ rơi con?”, điều này cho chúng ta thấy ngôi vị thần tính đau khổ (LM 700).

Đức Kitô chấp nhận trải qua cảnh bị bỏ rơi, y như con người cảm nhận sau khi phạm tội. Như người cha của đứa con hoang đàng, Chúa đón trước kẻ kêu lên Chúa. Nơi Con Chúa chết và sống lại, Thiên Chúa thấy con người. Và khi nhìn con người, Thiên Chúa thấy Ngôi Lời, con người ở giữa loài người. “Sự hòa giải của bản tính loài người, bằng cách ấy, hết sức lớn lao đến nỗi Tình yêu Chúa đã không bao giờ có thể tách ra khỏi” (LM 709).


Huy hiệu Tu Hội Nữ tử Bác ái

Cuộc Khổ nạn của Con Chúa là một hành động Tình yêu hết sức sâu sắc đến nỗi Louise khắc ghi trên huy hiệu Tu Hội Nữ tử Bác ái: “Tình yêu Đức Giêsu chịu đóng đinh thúc bách chúng tôi”. Đối với Louise, Tình yêu này phải sinh động hoá và đốt cháy tâm hồn mọi Nữ tử Bác ái để phục vụ tất cả những kẻ túng thiếu. Louise không ngần ngại nhìn việc phục vụ người nghèo về thể xác và tinh thần, thường thường khắt khe, như là một sự kéo dài ơn Cứu chuộc, vì nó cho phép những kẻ bị sỉ nhục, bệnh tật, bị đè bẹp, loại bỏ, tìm lại được đầy đủ phẩm giá làm người và làm con cái Chúa. “Thật vinh dự được cộng tác với Thiên Chúa để thực hiện các ý định của Người!” (LM 816). Suy tư lạ lùng này phù hợp với suy tư của thánh Phaolô dám nói rằng:”Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).

Trong công thức kết thúc các bức thư của ngài, Louise rất thường xuyên đề cập đến tình yêu lạ lùng ấy được Chúa Giêsu tỏ hiện trên thập giá. “Trong tình yêu Đức Giêsu chịu đóng đinh, tôi là nữ tỳ hèn mọn của…(Cha, chị, ngài…). Louise ước mong, cho ngài và những người ngài viết thư, được tràn đầy cùng một tình yêu đã thúc đẩy Đức Giêsu chịu chết trên thập giá. Ngài lấy làm của riêng mình các lời của thánh Gioan trong Thư thứ nhất của thánh nhân:”Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. […]. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 4, 10 và 3, 16)

Louise không thể không ngưỡng mộ sự bao la của Tình yêu Thiên Chúa, được mạc khải trong Mầu nhiệm Nhập thể này. Lời cầu nguyện của ngài tìm cách biểu lộ sự kinh ngạc của ngài:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu chúng con thật sự, vì Chúa chỉ là một với Chúa Cha. Chúa Cha đã muốn chứng tỏ tình yêu của Người bằng cách ban cho chúng con Con Chúa chính là Ngài. Ngài muốn chúng con yêu thương nhau, vì luật Chúa cũ và mới ra lệnh chúng con làm điều ấy. Chúa hứa cho chúng con được Chúa Cha yêu mến, đến nơi chúng con cùng với Chúa Cha và cư ngụ ở đó nếu chúng con yêu mến Chúa. Sức mạnh của tình yêu! (LM 817).


[1]Elisabeth Charpy, Cầu nguyện với thnh nữ Louise de Marillac, trang 47-54

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *