26.10.2021 – THỨ BA TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN
Lc 13,18-21
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc 13,21)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Hồi bé, tôi rất thích xem mẹ làm bánh. Mẹ trộn chút men vào bột và nhào, rồi để nắm bột vào giữa thau lớn, đậy khăn lại, mẹ nói làm thế là “ủ bột”. Chẳng rõ bao lâu, nhưng khi mẹ lấy ra, nắm bột đã nở to gấp đôi, có khi gấp ba lần. Bánh được làm từ bột đã dậy men sẽ xốp, mềm, đẹp và ngon hơn nữa nhờ bàn tay khéo léo của mẹ.
Chắc hẳn khi xưa, Chúa Giêsu cũng từng được xem Đức Mẹ ủ bột, làm bánh, nên khi muốn nói với chúng ta về sức mạnh tiềm tàng và sự phát triển mạnh mẽ của Nước Thiên Chúa, Người đã dùng một ví dụ rất cụ thể: “Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (c.21).
Nếu để riêng men và bột, men chẳng có tác dụng gì. Vì thế, để phát huy được tác dụng của nó, người ta phải nghiền nát men và trộn lẫn với bột cho đến khi nó mất hút, không thể nhìn thấy nữa. Nhưng nhờ đó, nó âm thầm biến đổi “môi trường xung quanh”. Số men thì rất ít so với khối bột, nhưng có sức tác động làm cho cả khối bột lớn dậy men. Điều đáng nói ở đây là: men không làm cho bột biến thành men, nhưng nó kích thích và phát huy khả năng mềm và dẻo, xốp của bột để có được những chiếc bánh tuyệt vời! Men này hoàn toàn khác với “men Pharisiêu”, là thói giả hình.
Cũng thế, Nước Thiên Chúa ban đầu chỉ là một thực tại có vẻ rất nhỏ bé: một ông Giêsu người Nazareth, mà với những người có vẻ am hiểu thời đó như Nathanael, thì “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?”[1] Rồi đến một nhóm nhỏ 12 người mà đa số là dân chài ít học, có cả người thu thuế tội lỗi như Lêvi; nhóm nhỏ ấy đã làm cho Danh Đức Giêsu được loan ra khắp nơi, đến nay sau 20 thế kỷ, “men Giêsu” đã dậy men khắp cùng thế giới. Chính vì thường xuyên bị “nghiền nát” trong các cuộc bách hại, “men Kitô hữu” lại càng trở nên dễ hòa trộn vào thế giới trong tất cả các môi trường sống. Ngay tại Việt Nam, với chiếu chỉ “Phân sáp” của vua Tự Đức (năm 1861),[2] biết bao gia đình Công Giáo đã phải ly tán để hòa trộn vào với các gia đình ngoại giáo. Thế nhưng, nhờ đời sống chứng tá, “men Kitô hữu” đã dậy lên và rất nhiều gia đình ngoại giáo đã tin nhận Chúa.
Chính từ sự hiện diện đầy năng động giữa thế giới, người Kitô hữu đã sống sự liên đới với tất cả mọi người và chia sẻ cuộc sống với thế giới nhân sinh: “vui với người vui, khóc với người khóc”[3]. Họ sẵn sàng chia sẻ mọi điều kiện sống với người khác, kể cả sức khỏe và sự chăm sóc, như chúng ta đang thấy tại các bệnh viện dã chiến hiện nay. Chính khi sống yêu thương và phục vụ, chúng ta sẽ làm cho bầu khí xung quanh ta trở nên tươi mới và tình yêu được tiếp tục lan tỏa đến những người khác nữa.
Chính Đức Maria, người thiếu nữ đơn sơ làng Nazareth, người “nữ tỳ hèn mọn” đã đón nhận “men Giêsu” và ấp ủ trong lòng cho đến khi “dậy men”: Mẹ nhận biết sự viếng thăm của Thiên Chúa đến với con người, với dân tộc và cách riêng với chính cá nhân Mẹ. Mẹ để cho men yêu thương ấy của Chúa Giêsu được dậy lên khi thân hành đến thăm và phục vụ người chị họ già nua đang rất cần được giúp đỡ. Khi đã “dậy men Giêsu”, Mẹ hiện diện ở đâu thì ở đó ngập tràn niềm vui, bình an và hạnh phúc: bà Elizabeth và thai nhi Gioan được đầy tràn Thánh Thần, tiệc cưới Cana lại tràn trề rượu ngon…
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi để cho “men Giêsu” được dậy lên và đem lại niềm vui, sự bình an cho mọi người quanh tôi.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con ý thức được sức mạnh của Nước Trời nơi chính Chúa Giêsu, Con của Mẹ, để con sống gắn bó với Người và cùng Người sống liên đới với anh chị em con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/972040040325844)
[1] Ga 1,46
[2] X. https://catechesis.net/cac-van-kien-cam-dao-4/
[3] Rm 12,15