“Quả cầu mà con thấy tượng trưng cho toàn thế giới và mỗi người trong đó cách riêng;
Các tia sáng là những ân huệ ban cho kẻ nào cầu xin Mẹ”[1].
Bạn thân mến,
Trong suốt tháng này, noi gương Sơ Catherine Labouré, chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ đang nâng niu trên đôi tay trái đất đã được Thiên Chúa tạo dựng một cách rất tốt đẹp[1]. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu , Con của Mẹ, đã đổ máu cứu chuộc nhân loại này. Chính vì thế, Mẹ rất trân quí trái đất này và Mẹ tiến dâng lên cho Thiên Chúa. “Với trái tim bị đâm thâu, Mẹ đã khóc trước cái chết của Chúa Giêsu , bây giờ Mẹ cảm thông với người nghèo đang bị đóng đinh và các thụ tạo trên trái đất này tan nát vì quyền lực của con người” [2].
An ủi biết bao cho những người con khi biết rằng Mẹ mình luôn quan tâm đến gia đình, đến các con và tìm cách bảo trì cho ngôi nhà khang trang, sạch sẽ, cho mọi người được cùng chung hưởng niềm vui, hạnh phúc bên nhau! Tuy nhiên, chúng ta không thể khoán trắng cho Mẹ, Mẹ cũng không làm thay chúng ta, nhưng Mẹ làm trong chúng ta và với chúng ta.
Cùng với Mẹ, chúng ta hãy dành ít phút trong thinh lặng để cảm nếm tình thương Thiên Chúa và chân thành cám ơn Ngài về món quà trái đất này, vì từ đó có mọi thứ cần thiết cho chúng ta hưởng dùng: không khí trong lành để hít thở, cơm ăn, nước uống, các loại rau-củ-quả, thịt, cá…Như vậy, cuộc sống của chúng ta kết nối với các thụ tạo này và phụ thuộc vào rất nhiều người khác. Thế nhưng, khi nhiều khi ít, chúng ta đã không biết trân trọng mà trái lại, làm biến dạng và phá hủy công trình tạo dựng, làm trái đất cạn kiệt và người nghèo bị thiệt thòi nhiều: bị lũ lụt phải di tản khắp nơi, bị chết đói vì hạn hán không cầy cấy được…
Các nhà lãnh đạo thế giới đã có một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP26, từ 31.10 tới 12.11.2021) tại Glasgow, vương quốc Anh, để cùng nhau tìm ra một giải pháp ứng phó toàn cầu cho tình trạng khẩn cấp về khí hậu: “Hoặc là chúng ta cùng nhau đứng lên và giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu, hoặc là chúng ta cùng nhau chìm xuống…”[3]
Kết quả cuối cùng của hội nghị: “Có thể coi “Tuyên bố về sử dụng rừng và đất” là một thành quả quan trọng của COP26 lần này”[4].
Tuy nhiên, “Biến đổi khí hậu, thiên tai đang diễn ra với mức độ ngày một trầm trọng hơn do sự ấm lên toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động nhanh chóng. Theo dự báo của Liên hợp quốc, dù các nước tuân thủ đúng mọi nội dung trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì nhiệt độ trái đất vẫn sẽ tăng thêm 2,7 độ C trong thế kỷ này. Có nghĩa là băng hà ở vùng cực sẽ sớm tan chảy, làm nước biển dâng cao, các hòn đảo trên Thái Bình Dương sẽ bị xóa sổ, nhiều sinh vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, nguy cơ xảy ra những thảm họa khí hậu vô cùng lớn”[5].
Đây thực sự là những thách đố lớn cho toàn thể nhân loại, đòi hỏi phải có sự hoán cải sinh thái và phải được bắt đầu ngay “bây giờ, tại đây”, bằng những hành động nhỏ trong ngày, nhưng có giá trị lớn, ở mức độc cá nhân và tập thể:
REFUSE/TỪ CHỐI → “nói không với túi nylon”, vì nhựa vứt ra môi trường chỉ mất 1 giây, nhưng phải mất 300 năm để chúng phân hủy…[6]
[7]Hãy biết từ chối trước những cơn cám dỗ “mua hàng đi”. Bởi vì, khi mua nhiều đồ sản xuất nhanh quá mức cần thiết, là ta gián tiếp góp phần vào việc chặt phá rừng… Đồ giá rẻ và nhiều quá, dùng không hết, phải bỏ đi, sẽ tác động đến môi sinh của đất đai và nguồn nước…
REDUCE/GIẢM BỚT → một khi biết “từ chối” những gì không thực sự cần thiết cho nhu cầu bản thân, sẽ có tác động đến việc “giảm bớt”: tiết kiệm điện, nước, giấy, các tài nguyên khác… đồng thời cũng sẽ giảm bớt rác thải, nước thải…
REUSE/TÁI SỬ DỤNG → “Hành động sử dụng lại một cái gì đó thay vì quăng đi, có thể là một hành động tình yêu làm nổi bật phẩm giá của chúng ta”[8], vì nó cũng tác động đến việc “giảm bớt”, cụ thể là phân loại rác thải, vì có nhiều thứ còn sử dụng được, ví dụ các loại bao bì; có loại rác thải phải được xử lý riêng để không làm hư hại đất, vd: các loại pin của đèn, của máy đã sử dụng xong, không nên quăng vào thùng rác chung, vì chất chì sẽ chảy ra đất…
RECYCLE/TÁI CHẾ → nhiều thứ trong rác thải có những thứ có thể tái chế như giấy… Việc tiết kiệm giấy sẽ làm giảm bớt việc đốn cây/làm giấy.
TRỒNG CÂY XANH → như là một lời tạ ơn Đấng Tạo Hóa, một lời xin lỗi mẹ thiên nhiên vì những vết thương mẹ đã gánh chịu và như một cố gắng “sống xanh” cho mình và cho các anh chị em trong đại gia đình nhân loại.
“Lạy Mẹ Maria, được nâng lên trời, Mẹ là Mẹ và là Nữ Vương của toàn thể sáng tạo…Mẹ hiểu được ý nghĩa của vạn vật. Vì thế, chúng con có thể kêu cầu Mẹ, để Mẹ giúp chúng con, biết nhìn thế giới với con mắt khôn ngoan hơn.”[9]
[1] X. St 1,31
[2] Laudato Sí, số 241
[3] Boris Johnson-Thủ tướng nước Anh
[4] https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=&id=&board_seq=413206
[5] Nt.
[6] X. https://aneco.com.vn/thong-tin-san-pham/thoi-gian-phan-huy-cua-nhua.html
[7] X. https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2019-09/gioi-tre-viet-song-xanh-cung-duc-phanxico.html
[8] Laudato Si’ số 211
[9] Laudato Si’ số 241