Lạy Chúa Giêsu đang sống trong cung lòng Mẹ Maria,
Xin hãy đến và sống trong con!
Mùa Vọng đến khai mạc một năm phụng vụ mới. Ngày xưa Mùa Vọng thường được gọi là “Mùa Áp”, hay “Mùa Át”, (lấy theo tiếng Latinh là Adventus, động từ là Advenira; tiếng Anh là Advent: đến gần), nói lên ý nghĩa của mùa này là trông đợi, mong chờ Chúa đến, với lòng tín trung, được thể hiện qua màu tím trong phụng vụ. Nhưng khi nào Chúa đến?
- Chúa đã đến lần thứ nhất cách đây hơn 2000 năm, tại Bê-lem, trong thân phận làm người. Mùa vọng giúp ta chuẩn bị tâm hồn mừng kỷ niệm biến cố trọng đại này, Lời Chúa trong Phụng Vụ hằng ngày làm chúng ta sống lại lịch sử cứu độ của Chúa Giêsu, lịch sử của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
- Chúa sẽ đến lần thứ hai vào ngày cánh chung/tận thế để phán xét thế gian, hoàn thành công trình cứu độ nhân loại và toàn thể vũ trụ. Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống tín trung trông chờ ngày trọng đại đó, vì nó hoàn toàn bất ngờ.
- Giữa hai lần Chúa đến ấy, còn những lần Chúa ngự đến cách mầu nhiệm trong tâm hồn chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể hoặc bằng ân sủng của Ngài: “Ai yêu mến thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”[1] và đặc biệt là vào lúc cuối đời của mỗi người chúng ta, nhưng cũng không biết lúc nào: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”[2]. Tính bất ngờ này giúp ta luôn tỉnh thức, sẵn sàng như người con thảo luôn hết lòng với nhiệm vụ được trao phó, đầu tư hết những nén bạc/khả năng của mình để sinh lợi trong thời gian xa Cha. Ngày Cha đến đón con, con sẽ rất vui mừng và tự tin để mở cửa đón tiếp Cha, phúc trình công việc Cha đã ủy thác và hân hoan đi về nhà Cha.
Điều chắc chắn nhất là Chúa sẽ đến. Càng chuẩn bị kỹ, sẽ càng vui khi Chúa đến. Vậy chúng ta chuẩn bị đón Chúa như thế nào?
Ba thái độ sống mùa vọng:
- Tương đối hóa hiện tại. Sống trên trần gian, chúng ta phải ra sức làm việc trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình để nuôi thân và xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, luôn phải tâm niệm mọi giá trị ở đời này như tiền bạc, của cải, danh vọng, tình yêu, khoa học, kỹ thuật…đều tương đối thôi vì nó sẽ qua đi mau, không đáng cho ta phải đeo đuổi, gắn bó với nó.
- Tìm kiếm và đeo đuổi mục đích tối hậu của đời ta. Ta vẫn sống cuộc sống cụ thể của mình trên trần gian, nhưng cần sáng suốt điều chỉnh cuộc sống cách chừng mực, khôn ngoan, cương quyết chống lại cám dỗ làm tội, gây sự ác cho gia đình, xã hội…đúng như lời thánh Gioan Tiền hô: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”[3].
- Cùng Đức Maria đón chờ Chúa với tâm tình những người nghèo của Gia-vê: khao khát Thiên Chúa, khiêm tốn chờ đợi, yêu mến sống giây phút hiện tại cho tốt đẹp nhất để làm quà tặng dâng Chúa Hài Đồng.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng, không phải chỉ chúng ta chờ đợi Chúa, nhưng Chúa vẫn đang chờ đợi ta mỗi ngày: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”[4]. Thật vậy, Chúa đang gõ cửa tâm hồn ta qua tiếng lương tâm, qua Lời của Ngài, qua vũ trụ thiên nhiên, qua những biến cố vui buồn…
Ta có đủ TỈNH để nghe tiếng gõ cửa của Chúa và mở cửa cho Ngài vào hay ta đang SAY và bỏ lỡ nhiều cơ may?
TỈNH hay SAY[5]
Rượu bia không uống, vẫn cứ say
Hồn tôi mê mẩn suốt đêm ngày
Hạt cơm tấm áo, lo vun quén
Dư giả càng nhiều lại càng hay!
Danh vọng sao cũng có men say
Nghiêng ngả hồn tôi những tháng ngày
Mánh mung chạy chọt, mong lợi lộc
Cờ bạc đỏ đen kiếm vận may…
Tình duyên – lạc thú lại càng say
Lôi kéo, đẩy đưa cõi lòng này
Lênh đênh phiêu dạt không bờ bến
Cho dẫu bao lần trải đắng cay!…
Hoán cải đi thôi! Mở cửa ngay!
Thức tỉnh lương tâm mỗi sáng ngày
Thiên nhiên vũ trụ vang tiếng gọi
Biến cố vui buồn, ấy cơ may!
Chúa vẫn chờ tôi, tôi có hay?
Ngoài cửa lòng tôi, suốt đêm ngày
“Này đây Ta đứng, và Ta gõ…“[6]
Chỉ cần hé mở, Chúa vào ngay!
Hang đá trống rỗng, lạnh lùng đang chờ bạn…
Hãy TỈNH và làm cho căn phòng tâm hồn hoang vắng của chúng ta trở nên hang đá ấm cúng bằng những “cọng rơm”: hy sinh, tha thứ, dấn thân phục vụ, liên đới, chia sẻ… để đón mừng Chúa đến và lãnh nhận nguồn hạnh phúc, nguồn cứu rỗi của Đấng Emmanuen – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Tham khảo: Jean Daniélou–Le Mystère de l’Avent, Paris 1948
[1] Ga 14,23
[2] Mc 13,33
[3] Mt 3,3
[4] Kh 3,20
[5] M. Đơn Thành
[6] Kh 3,20