fbpx

CÙNG MẸ CẦU CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT – TUẦN CẦU CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT 18-25.01.2022

TUẦN CẦU CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT
18-25.01.2022


“Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cùng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con”[1]

Bạn thân mến,

Đó là những lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã tha thiết dâng lên Thiên Chúa Cha cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, trước khi ra đi chịu khổ nạn.

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Ngài gửi Chúa Thánh Thần đến với các Tông Đồ. Được lửa Thánh Thần thúc đẩy, các ông hăng say ra đi rao giảng Tin Mừng. Cộng đoàn các Kitô Hữu được hình thành và trở thành một cộng đoàn gương mẫu, hiệp nhất yêu thương nhau, như đã được mô tả trong sách Công Vụ Tông Đồ[2]. Thế nhưng, ma quỉ có mặt khắp nơi[3] và xúi giục người ta gây chia rẽ.

  • Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phaolô cho chúng ta thấy các tín hữu thời sơ khai cũng có những yếu đuối, bất toàn, chia phe phái trong giáo đoàn. Vì thế, ngài đã viết thư cho họ: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau. Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như : “Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô.” Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư ? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng ? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao ?…”[4]
  • Đến thế kỷ V xảy ra hiện tượng một nhóm tín hữu tách rời ra khỏi Giáo Hội vì quan điểm thần học khác biệt và sau đó là những quan điểm thần học đối nghịch với Kitô giáo.
  • Nhưng Giáo Hội vẫn duy trì được sự hiệp nhất cho tới năm 1054 khi hai Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương ra vạ tuyệt thông cho nhau, khiến cho Giáo Hội bị chia rẽ thành Công GiáoChính Thống giáo.
  • Tiếp đến vào thế kỷ XVI có phong trào cải cách Tin Lành với Martin Luther ở Đức vào năm 1517, kêu gọi mở lại cuộc tranh luận về việc bán Phép ân xá(indulgence).
  • Sự kiện Giáo hội Anh Quốctách rời khỏi giáo hội Công giáo Rômadưới triều Henry VIII, bắt đầu từ năm 1529 và hoàn tất vào năm 1536, đem nước Anh đồng hành với cuộc cải cách và trở thành Anh Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vaticanô II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), lấy việc tìm về hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô thuộc mọi Giáo Hội và cộng đoàn khác nhau, như trung tâm cuộc sống và công trình của Giáo Hội. Qua Thông Điệp “Để chúng nên một” (Ut Unum Sint), Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng hiệp nhất là bổn phận và trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, của tất cả mọi người đã được rửa tội.
 
           Tuần lễ từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng hàng năm được Giáo hội dành để cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trên toàn thế giới. Nghi thức cầu nguyện nầy được các Giáo Hội Kitô: Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, đồng thuận cùng nhau tổ chức. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu lược sử về ba tôn giáo này. Sau đó, cùng toàn thể Giáo Hội chúng ta bước vào tuần lễ cầu nguyện: mỗi ngày có bài suy niệm và cầu nguyện dựa trên lời Chúa. Tuy nhiên, tưởng cũng nên xác định lại hiệp nhất không phải là đồng nhất, cũng không phải là gộp vào nhau. Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng: “Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta[5].

          Có thể nói, Đức Maria đã luôn hiệp hành với Chúa Giêsu, Con của Mẹ, trên mọi bước đường, từ khi Ngài được nhập thể trong cung lòng Mẹ cho đến giờ sau hết của Ngài trên trần gian. Trước khi tạm biệt thế gian, Chúa Giêsu đã trao phó Gioan, đại diện nhân loại, cho Đức Mẹ, để Mẹ tiếp tục chăm sóc con cái mà Ngài đã cứu chuộc bằng giá máu của Ngài. Sau khi Chúa về trời, Mẹ luôn ở với các Tông Đồ trong Phòng Họp chờ đón Chúa Thánh Thần và hỗ trợ Giáo Hội mới khai sinh.


Sau khi Chúa về trời, Mẹ luôn ở với các Tông Đồ trong Phòng Họp
chờ đón Chúa Thánh Thần và hỗ trợ Giáo Hội mới khai sinh.

Ngày nay ở trên trời, Mẹ vẫn tiếp tục chăm sóc con cái trên trần gian. Mẹ đã hiện ra nơi này nơi kia để dạy dỗ, an ủi vỗ về các con. Cách riêng Mẹ đã hiện ra với Sơ Catherine Labouré để ban Ảnh của Mẹ, xin con cái đeo Ảnh và đọc lời kinh Mẹ dạy như dấu chỉ của tình thương và sự tin tưởng vào lời chuyển cầu đầy quyền năng của Mẹ, để lãnh nhận hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta cùng nhau chúc tụng ngợi khen Mẹ và cùng với Mẹ hết lòng cầu xin Chúa ban  cho chúng ta được ơn hiệp nhất như lòng Chúa mong ước.

(Maria, Mẹ Vô Nhiễm – Lm Xuân Đường)


[1] Ga 17,20-21
[2] X Cv 2, 42 tt
[3] X Gióp 1, 6-8
[4] 1Cr 1, 10-15
[5] ĐTC Phanxicô, buổi tiếp kiến 10.11.2016

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *