fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU NƠI THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ và THÁNH LOUISE DE MARILLAC


Thiên Chúa bày tỏ Tình Yêu của Ngài với con người

Ở cuối bài tường thuật cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, Thánh sử Gioan đã kể lại biến cố đau thương của chiều Thứ Sáu Tuần Thánh trên đồi Can-vê: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, đã “gục đầu xuống và trao Thần Khí[1], nhưng vẫn chưa được yên! Vì chiều đó là áp lễ ngày sa-bát, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Sau khi đã đánh giập ống chân hai người cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su, họ đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người, nhưng “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”[2]. Cử chỉ của người lính bỗng mang giá trị ngôn sứ, mặc khải Mầu Nhiệm Tình Yêu Của Chiên Thiên Chúa với con người và làm cho lời Kinh Thánh được thực hiện: “Lại có lời Kinh Thánh khác : Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”[3].

Thật vậy, “Vết thương mở rộng nơi cạnh sườn Chúa Giêsu  mời gọi chúng ta khám phá mối tình mãnh liệt và nhiệm mầu đã nung nấu trái tim Chúa suốt đời[4], một tình yêu không thể giải thích được của Trái Tim Cực Thánh Ngài, như sau này Đức Chúa GIÊSU nói với thánh nữ Magarita (Marguerite-Marie Alacoque): ”Đây là Trái Tim từng nồng nàn yêu thương loài người[5].

Thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque (1647-1690) là nữ tu dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, nước Pháp. Chúa Giêsu đã chọn thánh nữ làm vị tông đồ dấu ái của Trái Tim Cực Thánh Ngài để loan báo cho toàn thế giới biết “những kỳ công của Tình Yêu Ngài”. Các thị kiến được ban cho thánh nữ Magarita diễn ra vào hậu bán thế kỷ 17 (1673-1675) và gần 2 thế kỷ sau, vào năm 1856, Đức Giáo Hoàng Piô IX mới chính thức thiết lập ngày lễ này trong Giáo Hội. Năm 1899, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã dâng hiến toàn thể nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu[6].  

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
nơi Thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh Louise de Marillac.

  Trong khi đó, hai vị sáng lập Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái  cùng sống phần lớn vào tiền bán thế kỷ 17. Hai vị có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu  và được Thánh Tâm Chúa Giêsu chạm vào trái tim của mỗi vị, dẫn đưa hai vị tới lòng nhiệt thành truyền giáo và sống đức bác ái vừa cảm mến vừa thiết thực.[7]

  • Thánh Vinh Sơn Phaolô (1581-1660), nhờ đời sống kết hiệp với Chúa Giêsu, ngài thường sử dụng từ “trái tim”. Với ngài, ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa trong trái tim phải được biểu lộ ra bằng lòng nhiệt thành truyền giáo. Có vài lần ngài đã rất xúc động như trong buổi nói chuyện với các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo vào ngày 22/8/1655. Ngài thúc giục họ cầu nguyện: “Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho Tu Hội tinh thần này, trái tim này, trái tim đã làm cho chúng ta đi khắp nơi, trái tim của con Thiên Chúa, trái tim của Chúa chúng ta, trái tim đã làm cho chúng ta sẵn sàng để ra đi như Người cũng sẽ ra đi, nếu như sự khôn ngoan vĩnh hằng xét thấy đã đến lúc phải làm việc cho sự hoán cải của các dân tộc nghèo khổ. Chính vì lẽ đó mà Chúa đã sai các tông đồ đi; và Người cũng sẽ sai chúng ta đi như các tông đồ vậy, để mang ngọn lửa đến khắp mọi nơi”. Ngài yêu cầu họ sẵn sàng ra đi tới bất cứ nơi đâu trên thế giới như những nhà truyền giáo và sẵn sàng để chết ở đó, ngài đã trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Giáo Phụ Tertuliano: “Máu của các Thánh Tử Đạo là hạt giống trổ sinh những Kitô hữu.”[8]
  • Thánh nữ Louise de Marillac (1591-1660) có lòng sùng kính rất sâu xa đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngay từ năm 1622, khi còn đang sống với chồng con trong gia đình, ngài khao khát dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa, được qui hướng rõ ràng vào Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Khi suy niệm về dụ ngôn Người gieo giống trong Tin Mừng, tôi nhận ra đã không có một mảnh đất tốt nào trong tôi. Vì vậy tôi khao khát được gieo mọi động thái của trái tim và tâm hồn tôi vào trong Thánh Tâm Chúa Giêsu, để chúng có thể được lớn lên nhờ sự chia sẻ công nghiệp của Người. Để từ rày về sau,  tôi sẽ chỉ tồn tại nhờ Người và trong Người, vì Người đã hạ mình xuống để mang lấy bản tính nhân loại.[9]

Khi tụ họp các Nữ Tử Bác Ái ngày đầu tiên 29.11.1633, ngài đã gợi lên nơi các chị em lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vào thời đó, phần đông các chị em thất học và có một nhu cầu lớn về việc đào tạo thiêng liêng. Thánh nữ Louise đã có sáng kiến và xin với thánh Vinh Sơn một hình ảnh về Thiên Chúa Bác Ái (Dieu de Charité) cho các chị em này chiêm ngắm và cầu nguyện. Hơn nữa, các Sơ trẻ trong các bệnh viện sẽ được khuyến khích để trau dồi lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cha Thánh Vinh Sơn đã hứa sẽ tìm một họa sĩ thực hiện điều này để các Nữ Tử Bác Ái có một hình ảnh biểu hiện Trái Tim Chúa Giêsu. Ngài đã thực hiện lời hứa này: “Đây là một hình ảnh mà người ta đã in về Đức Ái. Cô là người đầu tiên mà tôi gửi cho cô. Đó là một họa sĩ đã khắc; nó trị giá 80 écus”[10].

Sau đó, các cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái tăng dần lên nhiều hơn, với sự hỗ trợ của Cha Thánh Vinh Sơn, Mẹ Thánh Louise đã tìm được một phương thế để cho tất cả các chị em hình ảnh Trái Tim Chúa Giêsu hầu khuyến khích và củng cố chị em trong việc tận hiến trọn vẹn cho Đức Kitô để phục vụ người nghèo.


Bức tranh “Thiên Chúa Bác Ái” mà Louise de Marillac đã vẽ;
được tìm thấy ở Cahors, Pháp, vào năm 1891
và hiện nay được trưng bày tại Nhà Mẹ của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.

Ngày lễ hiện xuống năm 1642, Louise de Marillac tự vẽ con dấu của Tu Hội: một trái tim rực cháy bao quanh Đức Kitô chịu đóng đinh và dòng chữ “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cor. 2,5) viền quanh. Sau này được thêm vào “chịu đóng đinh”. Biểu tượng này muốn giải thích rõ ràng những công việc bác ái của Tu Hội được bắt nguồn từ Thánh Tâm Đức Kitô chịu đóng đinh. Sự sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được thể hiện trong Tu Hội như nguồn mạch của sự chiêm niệm: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”. Thánh Vinh Sơn khẳng định sự chiêm ngắm này có khả năng đạt được sự hiền lành hơn, để chúng ta trở nên giống Trái Tim Chúa Giêsu: “Thiên Chúa…trước hết đòi hỏi con tim, và sau đó là việc làm[11]


Những minh họa rõ hơn về biểu tượng
của Tu Hội Truyền Giáo và của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.

 Truyền giáo và bác ái (Mission et Charité) là hai nhân đức tiêu biểu cho hai gia đình mà thánh Vinh Sơn và thánh Louise đã khai sinh. Sự tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu của hai Đấng Sáng Lập và sự tiếp chạm cách đặc biệt của Thánh Tâm Chúa Giêsu vào trái tim của thánh Vinh Sơn và của thánh nữ Louise, dẫn đưa hai ngài hướng tới lòng nhiệt thành truyền giáo và đức bác ái vừa cảm tính vừa thiết thực.[12]

Bước theo cha thánh Vinh Sơn và mẹ thánh Louise de Marillac, chúng ta qui hướng vào Thánh Tâm Chúa Giêsu để nâng cao nhận thức của chúng ta về tình yêu vô biên của Thiên Chúa và tạ ơn Ngài về tình thương cứu độ này. Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu đào luyện chúng ta trở nên hiền lành-khiêm nhường, làm cho chúng ta có một tình yêu rộng mở trong sứ vụ truyền giáo và một đức bác ái vừa cảm mến vừa thiết thực.  


[1] Ga 19,30
[2] Ga 19,34
[3] Ga 19,37
[4] KT Tân Ước, Lời Chúa cho mọi người, phần chú giải trang 509
[5] http://tinmung.net/CAC-THANH/ThangCacLH/CamNghiemSong/ThanhNuAlacouqe.htm
[6] Robert P. Maloney, CM-Thánh Tâm Chúa Giêsu  trong Linh Đạo Vinh Sơn và Marillac-Đaminh Trịnh Công Sơn chuyển ngữ.
[7] Nt.
[8] Nt.
[9] A.15B, “On the Desire to Give Oneself to God,” [c. 1622], Ibid., 693.
[10] Sr Maria Angeles INFANTE, DC. – Các Nữ Tử Bác Ái sùng kính Rất Thánh Trái Tim, TVTH số 5/2021, trang 65-66
[11] Coste X, 131
[12] Robert P. Maloney, CM-Thánh Tâm Chúa Giêsu  trong Linh Đạo Vinh Sơn và Marillac-Đaminh Trịnh Công Sơn chuyển ngữ.

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *