fbpx

CÙNG MẸ TÔN VINH THIÊN CHÚA – ĐẠI LỄ ĐỨC MARIA HỒN XÁC VỀ TRỜI 15/8


Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông…

I. Vài hàng lịch sử

Ngay từ các thế kỷ đầu của Giáo Hội, người ta đã tin rằng cuộc đời thánh thiện của Đức Mẹ được kết thúc một cách rất tốt đẹp:

  • Năm 377, thánh Êpiphaniô, giám mục thành Salamine, đảo Chypre, là người đầu tiên nêu vấn đề kết cuộc định mệnh trần thế của Đức Maria. Ngài thú nhận đã không nghe nói đến một ngôi mộ của Đức Maria tại Giêrusalem hay về cái chết của Đức Maria tại đây. Ngài không biết Đức Maria đã có chết hay không. Ngài hiểu rằng kết cuộc đời Đức Maria phải xứng hợp với Mẹ và thoáng thấy rằng điều này đã phải bao hàm một sự kỳ diệu nào đó. Nhưng vì thiếu dữ liệu, ngài đành im lặng.

Có một truyền thống thuật lại rằng sự kiện Đức Maria được đưa lên trời đã xảy ra tại Êphêsô (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), trong ngôi nhà được gọi là « Nhà của Đức Trinh Nữ Maria », vẫn còn lôi kéo một số đông khách hành hương.

  • Từ thế kỷ V, có những sách nguỵ thư được chuyền tay nói về sự “qua đi” (“transitus”) của Đức Maria, xuất phát từ ngoài Palestine, nhằm lấp đầy những khoảng trống của Truyền thống. Tất cả đều giả thiết cái chết của Đức Maria và nói đến một sự phục sinh thể xác hay chỉ đề cập đến việc di chuyển thân xác của ngài vào địa đàng.
  • Bên Tây phương sự phát triển đạo lý về việc mông triệu (được triệu về) khởi đầu với việc Giáo Hội Rôma tiếp nhận lễ Dormitio (An giấc) của Đức Maria dưới thời ĐGH Sergiô I (678-701), được cử hành vào ngày 15/8.

Vấn đề này còn được tranh luận trong một thời gian dài. Các nhà thần học chưa nhất trí về tầm mức của niềm tin ấy. Có người cho đó chỉ là lòng đạo đức bình dân, người khác thì cho là chân lý mạc khải. Chưa có ai quả quyết rằng đây là điều buộc phải tin.Tuy nhiên niềm tin tưởng đạo đức vào sự mông triệu của Đức Maria ngày càng chiếm ưu thế.

Vào thời công đồng Vatican I, năm 1869-1870, 204 / 750 nghị phụ thỉnh nguyện xin tuyên bố tín điều Mông Triệu; từ đó con số cứ tăng lên mãi. Ngày 01/5/1946, ĐGH Piô XII gửi thông điệp cho hàng giám mục thế giới để thỉnh ý các ngài về hai điểm: a) đây có phải là chân lý mạc khải hay không? b) Có nên tuyên bố thành tín điều hay không? Tuyệt đại đa số các thư phúc đáp gởi về cho thấy rõ niềm tin tưởng đạo đức này đã trở thành một xác tín đức tin trong toàn thể Giáo Hội. Sau đó, Đức Piô XII đã tiến hành việc tuyên bố tín điều vào ngày 01/11/1950.

 

II. Định tín

Ngày 01 tháng 11 năm 1950, tại quảng trường thánh Phêrô, trước một đám đông được ước lượng lên đến một triệu người, với khoảng 600 hồng y và giám mục đến từ khắp thế giới, Đức Giáo Hoàng Piô XII,  trong tông hiến “Munificentissimus Deus” (“Thiên Chúa rất quảng đại”), đã long trọng công bố: “Do uy quyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và với thẩm quyền của Ta, Ta phán quyết, tuyên ngôn, và định tín là tín điều đã được mạc khải rằng: Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác. Nếu ai cả dám tự tình chối bỏ hay nghi ngờ điều Ta đã định tín, thì họ phải biết rằng họ hoàn toàn phản bội đức tin Công giáo của Thiên Chúa”[1].

Đức Thánh Cha vừa dứt lời, thánh ca Te Deum / Tạ ơn Chúa, do tất cả mọi người trong Quảng Trường Thánh Phêrô ca lên hùng tráng hoà nhịp với những tiếng chuông trầm hùng của Đền Thánh Phêrô và của 400 đền thờ khắp thành Rôma, như cùng với toàn thể thần thánh trên trời, hân hoan reo mừng chúc tụng ngợi khen Mẹ vinh quang của Thiên Chúa, của Giáo Hội và của toàn thể loài người.[2]

 

III. Ý nghĩa sự tôn vinh Đức Maria

Việc Đức Maria được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác có ý nghĩa sâu xa đối với đời sống đức tin của các tín hữu:

  • Tăng cường niềm hy vọng của Giáo Hội: Đức Piô XII nói: “Niềm tin vào việc Đức Maria hồn xác về trời là bảo chứng cho niềm hy vọng của chúng ta và củng cố niềm tin của chúng ta vào sự phục sinh của chính mình.

Công đồng Vatican II cũng khẳng định: “Ngày nay, Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác lên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. Pr 3, 10), ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành[3].

  • Tôn vinh phẩm giá đích thực của thân xác:

Trong xã hội ngày nay, một số lớn tôn thờ thân xác như một ngẫu tượng, có người khác thì lại khinh dể thân xác; nhưng Giáo Hội, qua việc tuyên xưng Đức Maria hồn xác về trời, tán dương phẩm giá đích thật của thân xác con người. Thật đáng tiếc tại nhiều nơi, thân xác con người vẫn còn bị xúc phạm, sỉ nhục, làm cho hèn hạ, bị hành hạ…

Thân xác của Đức Maria đã không là một chướng ngại, một  cám dỗ hay làm suy giảm ân sủng. Thay vì cản trở sứ mạng, chính nhờ thân xác mà Đức Maria đã có thể trở thành Mẹ Thiên Chúa, qua sự cộng tác vào việc nhập thể cứu chuộc. Qua việc Thiên Chúa tôn vinh thân xác Đức Maria, mọi thụ tạo được bảo đảm rằng thân xác chúng ta, dù mỏng dòn và chóng qua, cuối cùng cũng sẽ được liên kết với sự vinh phúc của tinh thần.

Tóm lại, việc Đức Maria được triệu về trời cả hồn lẫn xác mời gọi chúng ta nhìn thân xác và vũ trụ vật chất trong cái định mệnh chung cuộc và huy hoàng của nó, được chuẩn bị dưới thế bằng việc cộng tác vào công trình cứu độ. Trong chương trình của Thiên Chúa, thân xác góp phần vào sự chiến thắng của ân sủng và sự cộng tác này được ân thưởng bởi tình trạng vinh quang vĩnh cửu.

  • Lợi ích cho các tín hữu đang sống trong một thế giới duy vật

Đức Piô XII nói: “Trong khi những phát minh của chủ nghĩa duy vật và sự suy đồi của phong hóa xuất phát từ đó có nguy cơ nhấn chìm sự hiện hữu của của nhân đức, và bằng cách gây ra chiến tranh, hủy diệt mạng sống con người, tín điều Đức Maria hồn xác về trời làm sáng tỏ trước mắt mọi người linh hồn và thân xác chúng ta được dành cho mọi môn đệ Chúa Kitô”.

Giáo Hội không lên án khoa học, mà trái lại, cổ võ những nỗ lực của nhân loại trong thời đại chúng ta để cải thiện thân phận con người nhờ những tiến bộ khoa học, kinh tế và xã hội. Giáo Hội cũng không lên án vật chất, nhưng  tố giác chủ nghĩa duy vật và những quan niệm sai lạc về một sự cứu độ thuần túy tại thế,  giản lược vào chiều kích duy nhất là sự giải phóng trần thế và trong thời gian hiện tại mà thôi.

  • Thăng tiến người phụ nữ

Phải nhận rằng, suốt dòng lịch sử nhân loại, người nữ đã bị coi rẻ, nếu không muốn nói là bị khai thác cách bỉ ổi. Ngay trong Giáo Hội, người nữ thường cũng bị đối xử như những người chưa thành niên.

Thế nhưng, trong đại lễ Mông Triệu này, Giáo Hội đặt trước mắt chúng ta người nữ được thăng tiến và trở thành thụ tạo tuyệt vời nhất chưa từng có trên đời này. Ngoại trừ Đức Giêsu là con người hoàn hảo, nhưng vẫn là Thiên Chúa; thì đến con người độc nhất, thành toàn nhất lại là một người nữ!

Đức Maria được Giáo Hội xưng tụng là Nữ vương các Thiên Thần và các Thánh, Nữ vương thế giới. Được nâng lên chóp đỉnh vinh quang, Đức Trinh Nữ trở nên biểu tượng của thụ tạo được biến hình đổi dạng, điều mà hết mọi người nam và người nữ đều được mời gọi thể hiện. Đức Maria trở nên biểu tượng đẹp nhất của nhân loại thành đạt, được Chúa Giêsu cứu chuộc và biến đổi.


Những sinh hoạt bình thường của Đức Maria
được thực hiện hằng ngày với tất cả TÌNH YÊU!

Có người nói Đức Maria không thể là biểu tượng của người nữ nói chung vì những đặc ân, ơn gọi và những tước hiệu đặc biệt của Mẹ. Không phải vậy đâu, mặc dù được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, Đức Mẹ hoàn toàn giống các phụ nữ khác và thực sự là hình ảnh của người phụ nữ “bình thường”, với những công việc hằng ngày của một bà mẹ gia đình: thăm viếng bà con, bếp núc, nội trợ, giặt giũ, may vá, gia đình vui chơi, giải trí, gia đình cầu nguyện, những đêm không ngủ vì con đau ốm, những cuối tháng chật vật…Và Thiên Chúa tôn vinh Mẹ như Ngài cũng sẽ tôn vinh mọi phụ nữ trên thế giới ra sức chu toàn bổn phận tẻ nhạt hằng ngày.

Sự trổi vượt của một con người không tùy thuộc vào chức vụ, quyền hành nhưng vào sự thánh thiện, phẩm chất và cường độ tình yêu của người đó trong cuộc sống, đúng như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng “thiên khiếu phụ nữ được nhìn thấy nơi những phong cách thánh thiện đầy nữ tính, vốn là một phương tiện thiết yếu để phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này”.[4]


3 người phụ nữ gồm hai nữ tu và một trinh nữ thánh hiến
được bổ nhiệm vào Bộ Giám Mục 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói Thiên Chúa luôn bắt đầu với phụ nữ, những người biết mở ra những con đường và mới đây nhất, ngày 13.7.2022, ngài đã bổ nhiệm 3 người phụ nữ vào Bộ Giám Mục  gồm hai nữ tu và một trinh nữ thánh hiến, làm thành viên của Bộ Giám mục, cơ quan sẽ chịu trách nhiệm đánh giá các ứng viên Giám Mục cho các giáo phận[5].

Cầu nguyện:
Linh hồn con ngợi khen Chúa đã đưa Mẹ vào vinh quang, cả hồn lẫn xác, bên cạnh người con yêu quí của Mẹ. Từ vị trí ưu việt này, Mẹ tiếp tục tuôn đổ muôn ân phúc xuống trần gian!

 

Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội,
xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.



[1] https://giaophanphucuong.org/suy-tu-than-hoc/tin-dieu-duc-me-hon-xac-len-troi-2272.html

[2] Nt

[3] Hc Tín lý về Giáo Hội, 68

[4] Tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỷ”, số 12

[5] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-07/dtc-phanxico-bo-nhiem-3-nguoi-nu-vao-bo-giam-muc.html

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *