“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người”
Ga 19,25
Bạn thân mến,
Ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm qua (14.9) thì hôm nay Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm Bảy Nỗi Đau của Đức Mẹ, hay còn gọi là Đức Mẹ Sầu Bi. Con số 7 trong Kinh Thánh là một con số lý tưởng biểu thị sự hoàn thiện hay hoàn hảo, chứ không phải chỉ có 7 nỗi đau đếm được.
Thật vậy, Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ đã liên kết chặt chẽ với Ngài từ lúc được thiên thần báo tin Con Thiên Chúa sẽ nhập thể trong cung lòng Mẹ, cho đến khi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng và trở về với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đi. Mẹ đã trải nghiệm nhiều niềm vui cũng như nhiều nỗi đau thương. Chúng ta đã nhiều lần chiêm ngắm Mẹ bày tỏ niềm vui sướng được Chúa yêu thương, qua kinh Magnificat; lần này chúng ta cùng nhau chiêm ngắm Mẹ đứng trước những nỗi đau thương, trong công trình cứu độ loài người của Chúa Giêsu, Con của Mẹ: “Khi Ðức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Chúa đứng kề bên mà thông phần đau khổ”[1].
Nỗi đau thứ nhất
LỜI TIÊN BÁO ĐAU THƯƠNG NƠI ĐỀN THÁNH
Mẹ đã nghe được lời tiên báo của cụ già Simêon: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”[3]
Niềm vui sinh ra Người Con Thiên Chúa cho nhân loại như bị khựng lại vì lời tiên báo về số phận không tươi sáng của con. Thêm vào đó là lời tiên báo về lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ, đánh dấu bước khởi đầu cho cuộc hành trình đức tin của Mẹ.
Nỗi đau thứ hai
ĐỨC MẸ ĐEM CHÚA GIÊSU TRỐN SANG AI CẬP.
“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng : “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập”.[4]
Với lệnh truyền này, dù giữa đêm tối, Mẹ đã vội vã gói gọn những gì cần thiết cho chuyến đi xa, ôm Hài Nhi bé bỏng ra đi trong “đêm tối đức tin” với lòng tin tưởng phó thác.
Nỗi đau thứ ba
ĐỨC MẸ LẠC MẤT CHÚA GIÊSU.
“Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết…
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.”[5]
Lạc mất con, tim Mẹ se thắt lại như bị gươm đâm! Không than van, trách móc ai, cũng không mất niềm tin, Mẹ kiên nhẫn đi tìm kiếm Con cho đến khi thấy lại Con.
Nỗi đau thứ tư
ĐỨC MẸ GẶP CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ LÊN ĐỒI SỌ.
“Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Đức Giê-su đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha ; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa”.[6]
Đau xót biết bao cho Mẹ khi nhìn thấy người Con mà Mẹ đã chăm sóc nuôi nấng với bao yêu thương trong suốt 30 năm, nay lại bị người ta tra tấn hành hạ đến tàn tạ thế này. Tiếp đến, Mẹ còn phải chứng kiến cảnh lính tráng chia nhau áo của Chúa Giêsu. Chiếc áo Mẹ đã dệt, đã khâu cho Chúa Giêsu mặc, nay bị xé ra nhiều mảnh, làm cho tâm hồn Mẹ cũng như bị xé nát. Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, trái tim Mẹ như cũng bị đóng đinh làm một với con vậy, nhưng Mẹ xác định niềm tin của Mẹ vào Thiên Chúa.
Nỗi đau thứ năm
ĐỨC MẸ ĐỨNG DƯỚI CHÂN THÁNH GIÁ.
“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la…”[7]
Mẹ đã đi theo Chúa tới chân thập giá, nơi treo xác Con của Mẹ. Những người khác lần lượt ra đi…
Còn lại một mình Mẹ đứng vững, trong im lặng, Mẹ nhìn Con!!!
“Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”. Mẹ bùi ngùi nhớ lại lời tiên báo của cụ già Simêon. Tim Mẹ se thắt, không một lời than van, oán trách; nhưng cùng với Con, Mẹ phó thác nỗi đau trong tay Thiên Chúa như của lễ toàn thiêu.
Nỗi đau thứ sáu
THÁO XÁC CHÚA GIÊSU XUỐNG KHỎI THÁNH GIÁ
VÀ TRAO CHO ĐỨC MẸ.
“Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống.”[8]
Lần đầu tiên ôm Con mới sinh vào lòng tại Belem giữa tiết trời lạnh cóng, nhưng lòng Mẹ vui và ấm áp dường bao vì sau 9 tháng cưu mang và chờ đợi, nay đã “mẹ tròn con vuông”.
Giờ đây, lần cuối cùng ôm xác Con vào lòng, ôi sao lạnh ngắt và bất động! Tâm hồn Mẹ cũng đau buốt như bị gươm đâm. Mẹ đón nhận lưỡi gươm này như một của lễ tin-yêu, kết hiệp với hy lễ của Con, để cùng dâng lên Thiên Chúa Cha, xin ơn cứu chuộc cho chúng ta.
Nỗi đau thứ bảy
TÁNG XÁC CHÚA GIÊSU TRONG HANG ĐÁ.
“Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.”[9]
Ngôi Hai Thiên Chúa sinh ra làm người trong một hang đá; nay kết thúc cuộc sống ở trần gian, thân xác của Ngài cũng được chôn trong mồ đá. Một sự an bài thật ý nghĩa: Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta kiên vững như thạch động. Đức Mẹ luôn kết hiệp với con, hành trình đức tin theo Con của Mẹ cũng luôn vững vàng không lay chuyển. Còn gì tăm tối hơn cho Mẹ sau khi đã mai táng Con trong mồ đá, một khối đá khác chặn kín cửa mồ như “chấm hết”!
Thế nhưng, Mẹ vẫn tin, đúng như lời chị Elisabeth đã tiên báo: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”[10]. Mẹ tiếp tục “suy đi nghĩ lại trong lòng“[11]. Lòng Mẹ được mở ra cho ánh sáng và ân sủng của Thiên Chúa tràn vào, nhờ đó, Mẹ đi đến cuối hành trình đức tin.
Chúng ta cùng nhau noi gương Mẹ sống đức tin giữa những cơn thử thách gian nan trong cuộc sống, vì: “Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”[12].
[1] Lời nguyện Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi.
[3] Lc 2, 34-35
[4] Mt 2, 13-14
[5] Lc 2, 41-46
[6] Ga 19, 16-18
[7] Ga 19, 25-27
[8] Ga 19, 38-40
[9] Ga 19, 41-42
[10] Lc 1, 45
[11] X. Lc 2, 19.51
[12] Mt 28,20