fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

06.11.2022 – CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Lc 20,27-38

“Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,36)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Đối với người Do-thái, việc có con nối dòng là hết sức quan trọng. Theo luật Lê-vi-ra, một bà góa mà không có con trai thì anh em chồng của bà có nhiệm vụ phải lấy bà để người chết có con trai nối dòng. Người con này sẽ mang tên của người cha quá cố, thừa hưởng sản nghiệp và săn sóc người mẹ góa bụa. Chính vì cái chết nên họ tìm cách duy trì nòi giống, “duy trì tên của người đã chết”.[1]

Đến thời Chúa Giêsu, niềm tin vào sự sống lại đã dần được nhiều người đón nhận, nhưng với một số người, sự sống lại đó chỉ là kéo dài sự sống ở đời này, để tiếp tục cưới vợ lấy chồng, sinh sản con cái và lại tiếp tục duy trì nòi giống như thế là điều không hợp lý. Do đó, họ đã dựa vào luật Lê-vi-ra để nghĩ ra chuyện cả bảy anh em cùng lấy một người phụ nữ để “bắt bí” Chúa Giêsu, rằng nếu có sự sống lại, thì khi tất cả đều sống lại, người phụ nữ ấy sẽ là vợ của ai?

Để trả lời cho họ, Đức Giêsu cũng dựa vào bộ Ngũ Kinh mà họ công nhận để cho thấy: cái chết của thân xác không phải là hết, vì chính Môsê đã gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ac và Gia-cóp. Môsê tin rằng các tổ phụ đang sống, mặc dù thân xác các vị này đã chết từ lâu. Và Chúa Giêsu kết luận: Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết. Chính vì xác tín đó, người mẹ và bảy người con trong sách Macabê đã chấp nhận chết để trung thành với luật Thiên Chúa. Họ tin rằng “chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.”[2]

Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng vén mở cho họ thấy rằng: cuộc sống mới của con người sau khi chết sẽ hoàn toàn khác trước. Khi đó, người ta không còn phải chết, nên cũng không cần duy trì nòi giống, không cưới vợ lấy chồng. Khi sống lại, chúng ta sẽ nên giống như các Thiên Thần, không còn bị lệ thuộc vào những nhu cầu sinh tồn như ăn-uống-ngủ-nghỉ…vì thân xác đã được biến đổi thành bất tử. Đó cũng chính là niềm tin mà chúng ta vẫn tuyên xưng cùng với Giáo Hội: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”.[3] Thiên Chúa tạo dựng con người không phải để chết, mà là để chúng ta được sống muôn đời với Người.

Giống như thân xác phục sinh của Đức Kitô, thân xác chúng ta sau khi sống lại sẽ không lệ thuộc vào các yếu tố vật chất nữa. Nhưng để đạt tới Phục Sinh vinh quang, chính Đức Giêsu đã đi qua con đường đau khổ và cái chết thập giá. Cũng thế, chúng ta cần tận dụng những khó khăn thử thách trong cuộc sống hằng ngày, cùng chết với Chúa để cũng được Phục Sinh với Người.

Chính vì tin vào sự sống lại, Giáo Hội mời gọi chúng ta dành trọn tháng 11 để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Đó là lời cầu nguyện của hy vọng: chúng ta trông cậy vào ơn cứu độ mà Chúa đã hứa cho tất cả chúng ta.

Mẹ Maria là thụ tạo đầu tiên trong số những người tin vào Đức Giêsu phục sinh, Mẹ đã trung thành bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá, từ biến cố truyền tin cho đến khi Chúa trút hơi thở và được an táng trong mồ. Mẹ đã quảng đại liên kết với Chúa trong đau khổ, nên Mẹ xứng đáng là người đầu tiên được chia sẻ hạnh phúc Phục Sinh với Chúa và được Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác. Mẹ trở thành niềm hy vọng và cậy trông của toàn thể Giáo Hội đang lữ hành.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Cùng với Mẹ Maria, tôi sốt sắng tham dự Thánh Lễ, lần hạt Mân Côi, dâng hy sinh cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con luôn xác tín rằng đau khổ là con đường đưa tới vinh quang. Xin Mẹ cầu cùng Chúa gia tăng niềm tin và sức mạnh, để con can đảm bước theo Chúa Giêsu cách trung thành như Mẹ đã đi, để cùng Mẹ hưởng vinh quang Phục Sinh với Người. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/S9FNU)

[1] Đnl 25,6

[2] Bài Đọc I, 2Mcb 7,9

[3] Kinh Tin Kính

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *