fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – MỪNG SINH NHẬT TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI – 1633 – 29.11 – 2022

Cho đến thế kỷ 17, trong Giáo Hội, người thiếu nữ nào muốn dâng mình cho Chúa thì bắt buộc phải ở trong nhà dòng có nội vi kín. Để được nhận vào cũng cần hội đủ một số điều kiện. Thánh nữ Louise de Marillac, vào tuổi đôi mươi cũng được thu hút vào đời tu này nhưng bị từ chối vì thiếu sức khỏe và không có của hồi môn (theo tục lệ thời đó).

Thiên Chúa lại sử dụng người phụ nữ bị từ chối vào đời đan tu này để thành lập một hình thức tu trì mới trong Giáo Hội. Thật vậy, sau khi góa chồng, bà Louise dành toàn bộ thời giờ cho việc cầu nguyện, ăn chay, hãm mình…dưới sự linh hướng của cha Vinh Sơn. Bà quan sát và thấy cha Vinh Sơn nhiệt thành trong việc phục vụ người nghèo, bà được thu hút và “táo bạo” xin cha Vinh Sơn cho bà được tham gia vào công việc này. Cha Vinh Sơn cũng đã “táo bạo” sai bà đi thăm viếng những nơi mà ngài đã thành lập các hiệp hội bác ái giáo dân để phục vụ người nghèo khổ.


Marguerite Naseau, người Nữ Tử Bác Ái đầu tiên

Cuộc sống phục vụ của bà đã tỏa sáng và thu hút nhiều thiếu nữ khác. Người đầu tiên tìm đến là cô Marguerite Naseau, tiếp đến là các bạn bè của cô và nhiều cô khác nữa. Bà Louise nhận thấy các cô gái này rất quảng đại dấn thân.  Họ yêu mến Thiên Chúa và muốn phục vụ Người nơi người nghèo.Tuy nhiên, họ cần được huấn luyện về nhân bản, thiêng liêng và cung cách phục vụ. Với sự đồng ý của Cha Vinh Sơn, bà Louise đã qui tụ các cô gái này chung quanh bà để sống lý tưởng của mình trong một cộng đoàn huynh đệ. Đó là ngày ra đời của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, 29.11.1633. Bà đã trở thành người Đồng Sáng Lập Tu Hội này cùng với Cha Vinh Sơn.


Với sự đồng ý của Cha Vinh Sơn,
ngày 29.11.1633, Bà Louise đã qui tụ các cô gái này tại nhà bà để hướng dẫn họ.

Đây là hội dòng nữ đầu tiên trong Giáo Hội mà các thành viên không ở trong nội vi kín, nhưng đi đi lại lại như người đời để phục vụ Chúa Kitô nơi những người lâm cảnh nghèo khổ, qua nhiều hình thức khác nhau như chăm sóc bệnh nhân tại gia hay trong bệnh viện, dạy chữ các trẻ em nghèo, nuôi dạy cô nhi, người già cả cô thân, thăm viếng tù nhân… Những công việc này rất mới mẻ vào thời đó, đòi hỏi nhiều công sức, kiến thức và kỹ năng. Bà Louise phải hết sức kiên trì để giúp các cô gái quê mùa này thành những phụ nữ trưởng thành về nhân bản, trí thức và tâm linh, có khả năng sống chung và hiện diện giữa đời để phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo trên mọi nẻo đường.

Khi thực hiện kế hoạch độc đáo này, bà được vinh dự, kéo theo biết bao người khác, cách riêng là các phụ nữ, cũng noi gương bà để cho Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Ngài trên mỗi người. Bà trở thành người tiên phong của hình thức mới làm chứng nhân cho Đức Ái của Thiên Chúa, đó chính là Linh Đạo Vinh Sơn: Tận Hiến Cho Thiên Chúa Để Phục Vụ Chúa Kitô Nơi Các Chi Thể Nghèo Khổ. Bộ Giáo Luật 1917 gọi các hội dòng này là các Tu Đoàn Tông Đồ.

Điều này thật đúng như lời Đức Thánh Cha phanxicô trong tông huấn “Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ”: “…tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng “thiên khiếu phụ nữ” được nhìn thấy nơi những phong cách thánh thiện đầy nữ tính, vốn là một phương tiện thiết yếu để phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này.”  

Ngọn lửa của linh đạo này vẫn đang cháy bừng trên thế giới và thu hút rất nhiều phụ nữ  trên thế giới dấn thân theo bước chân cha thánh Vinh Sơn và mẹ thánh Louise, để được sai đi bất cứ nơi đâu mà Thiên Chúa muốn.


Các đại biểu của các Tỉnh Dòng NTBA trong khắp năm châu
về Nhà Mẹ tại Paris, tham dự Tổng Đại Hội.

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *