fbpx

CÙNG MẸ TÔN VINH THIÊN CHÚA – ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Lễ trọng hằng năm: 08.12

Giáo Hội công giáo đã tuyên tín 4 chân lý đức tin liên quan đến Đức Maria, đó là những chân lý mà người Công Giáo buộc phải tin. Những tín điều này luôn được hiểu trong sự quy chiếu đến Chúa Kitô.

  • Đầu tiên là tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa được tuyên tín vào năm 431 ở Công đồng Êphêsô.
  • Thứ hai là tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh trọn đời được tuyên tín vào năm 553 ở Công đồng Constantinople II, rồi ở Công đồng Latêranô vào năm 649.
  • Thứ ba là tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, được Đức Piô IX công bố ngày 08/12/1854.
  • Cuối cùng là tín điều Đức Maria Lên Trời được công bố vào ngày 01/11/1950 bởi Đức Piô XII, tuyên xưng  Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác.[1]

Mừng lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta chiêm ngắm Đức Maria không vương mắc tội truyền: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà[2], để cùng với Mẹ tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Ngài vì hồng ân tuyệt vời Ngài dành cho Mẹ. Thật vậy, vì muốn cho Con Một của mình được làm người thật sự như mọi người, nên Thiên Chúa Cha phải tuyển chọn một phụ nữ để cưu mang và sinh hạ Người Con ấy. Cô Maria làng Nazaret là người được chọn. Ơn gọi làm mẹ của Con Thiên Chúa là “độc nhất vô nhị”, vì thế Thiên Chúa đã bao bọc bảo vệ Cô bằng ân sủng tuyệt vời là cho Cô được hưởng trước công nghiệp của người con mà Cô sẽ sinh ra, nghĩa là gìn giữ Cô khỏi vết nhơ nguyên tội, như Đức Thánh Cha Piô IX đã tuyên xưng trong tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 08.12.1854 qua sắc chỉ Ineffabilis Deus: “…Rất Thánh trinh nữ Maria, ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội ”(TCF: 204).[3]

Như thế, Vô Nhiễm Nguyên Tội là một đặc ân duy nhất dành cho mẹ của Con Thiên Chúa là Đức Maria. Điều này vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người, phải dành rất nhiều thời gian, từ thế kỷ 13, để chuẩn bị cho con người hiểu và đón nhận kế hoạch kỳ diệu này của Thiên Chúa.

Ở thế kỷ 17, Bà Louise de Marillac (1591-1660), Đấng Sáng Lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, cùng với Thánh Vinh Sơn Phaolô; sống vào thời kỳ có cuộc chạm trán giữa những người tán thành sự vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria với những người bác bỏ điều ấy. Tuy nhiên, nhờ sự suy niệm lâu dài về sự cao cả của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, làm cho bà Louise thấy tầm quan trọng của sự vô nhiễm nguyên tội: Lạy Đức Trinh Nữ, con muốn ca ngợi Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ của Con Ngài và nhờ Ngài mà sự thụ thai của Mẹ được trong trắng không tì vết, vì Mẹ đã được ngăn ngừa trước nhờ công nghiệp của cái chết của Con của Mẹ.[4]

Tuy nhiên, ý thức mình là con của Giáo Hội, bà Louise chờ đợi sự quyết định của Giáo Hội về vấn đề này, nhưng  bà vẫn dạy các Nữ Tử Bác Ái phải noi gương các nhân đức của Mẹ, vì Mẹ là Thày dạy đời sống thiêng liêng. Hơn nữa, bà xin các chị em phải tha thiết cầu nguyện để nài van Đức Mẹ nhận làm Mẹ duy nhất của Tu Hội. Chính bà đích thân hành hương tới nhà thờ Đức Bà Chartres[5]  ngày 17.10.1644, để dâng hiến trọn vẹn Tu Hội Nữ Tử Bác Ái mới 11 tuổi đời cho Đức Maria. Bà táo bạo xin Đức Mẹ hủy diệt nó đi hơn là để nó chống lại thánh ý của Thiên Chúa[6].

Còn cha Vinh Sơn Phaolô, người đã có lòng sùng kính Đức Mẹ ngay từ thuở nhỏ. Đi chăn súc vật ngoài đồng, Vinh Sơn đã đặt một tượng Đức Mẹ trên cây sồi để ngày ngày tới đó lần hạt Mân Côi bày tỏ lòng kính mến Đức Maria. Trong bài huấn đức ngày 08.12.1658 cho các Nữ Tử Bác Ái, cha đã ngỏ lời với Đức Mẹ: “Bởi vì Mẹ cho phép chúng con gọi Mẹ là Mẹ của lòng nhân từ của con kênh mà từ đó xuất phát ơn tha thứ. Mẹ đã xin được với Thiên Chúa thành lập Tu Hội, xin Mẹ vui lòng đặt Tu Hội dưới sự che chở của Mẹ[7].

Đến thế kỷ 19, Đức Maria đã hiện ra với Sơ Catherine Labouré, một tập sinh của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, ngày 27.11.1830 và truyền lệnh đúc mẫu ảnh theo kiểu mẫu Đức Mẹ đưa ra, những ai đeo ảnh này với lòng tin tưởng và đọc câu kinh: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chày đến kêu xin Mẹ ”cách sốt sắng sẽ nhận được rất nhiều ơn lành của Thiên Chúa ban cho.

Sự kiện này diễn ra 24 năm trước khi Giáo Hội định tín tín điều này. Các bề trên thời đó của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái đã trình bày với đức Tổng Giám Mục Paris và xin phép đúc ảnh như Đức Maria yêu cầu. Đức Tổng Giám Mục trả lời: “Không có gì trở ngại cho việc đúc Ảnh. Điều đó giúp ta tiến thêm một bước vào niềm tin nơi Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội mà các nhà thần học đang bàn cãi…Chúng ta chỉ phổ biến Ảnh Phép Lạ ấy, thế thôi! Và chúng ta sẽ xem quả mà biết cây[8].

Ảnh Phép Lạ được đúc ra năm 1832 và được phân phối, có nhiều cuộc hoán cải lạ thường và ơn chữa lành bệnh đã xảy ra tại Pháp và sau đó Ảnh được tung đi khắp thế giới; chỉ sau 2 năm con số đạt tới 500.000 và cứ tăng dần lên mãi…[9]Mọi người phấn khởi hân hoan vì những ơn lành hồn xác nhận được khi đeo Ảnh và đọc lời kinh như Đức Mẹ chỉ dạy, làm cho cuộc tranh luận về sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria được “sáng ra” hơn!

Hai mươi bốn năm sau (1830-1854), như đã nói ở trên, Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Bốn năm sau nữa, 1858, tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã hiện ra với cô bé Bernadette. Khi cô hỏi “Bà là ai?” và được Đức Mẹ trả lời. Đang quì cầu nguyện, nghe được câu này, khuôn mặt cô bỗng trở nên rạng rỡ. Rồi cô quay lại nói với vài người có mặt, Bà nói : “Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội”. Vài phút sau, lời Đức Trinh Nữ được truyền từ miệng người này sang người khác và đám đông tự phát cất cao lời cầu khẩn: “Lạy Đức Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Đức Mẹ”.

Cùng với Mẹ, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa về những điều kỳ diệu Chúa thực hiện nơi Mẹ, chúng ta hãy biết ơn Mẹ đã nói “XIN VÂNG”với kế hoạch của Thiên Chúa và noi gương Mẹ đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng những tiếng Xin Vâng hằng ngày.  Như vậy, mỗi người chúng ta hãy tin tưởng đeo Ảnh Phép Lạ / Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn và đọc lời kinh Mẹ dạy, để được Mẹ dắt tới Chúa và lãnh nhận những ơn quí báu rất cần thiết cho cuộc sống của mình, nhất là ơn thanh khiết trong tâm hồn, trong thể xác và trong trí khôn. Amen!

Xem video “Tại sao tôi đeo Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn?”


[1] X. wgpkt(18/07/2022) kontum

[2] Lc 1,28

[3] https://www.kath-vietnamesen.de/html/tn_iu_v_c_m.html

[4] Sr Elisabeth Charpy,ntba-Đường thánh thiện, Louise de Marillac, trang 175

[5] Thuộc thành phố Chartres, nằm ở tỉnh Eure-et-Loire, cách thủ đô Paris của Pháp khoảng 80 km về phía Tây Nam.

[6] Bút tích thánh LdM, trang 120

[7] BNC. 08.12.1658, Coste X, 623

[8] René Laurentin, Cuộc đời thánh nữ Catherine Labouré, trang 46 

[9] Nt. trang 46, 50 ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *