15.01.2023 – CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Ga 1,29-34
“Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1,34)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trong Cựu Ước, khi giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập, Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái, mỗi nhà phải sát tế một con chiên “tinh tuyền”: chiên đực một tuổi, không bị thương tật gì, rồi lấy máu chiên bôi lên khung cửa. Đó là dấu hiệu nhận biết nhà của dân Chúa. Trong đêm ấy, Đức Chúa sẻ rảo khắp Ai Cập và sát hại các con đầu lòng của họ, nhưng tha chết cho các con đầu lòng của người Do thái. Nhờ vết máu chiên mà dân Chúa được cứu thoát[1]. Con chiên cũng thường được dùng để tế lễ Đức Chúa, đặc biệt là trong các nghi lễ đền tội và tạ tội.
Hôm nay, Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, là “Đấng xóa tội trần gian.” (c.29) Trong ngôn ngữ của người Do Thái, “Chiên Thiên Chúa” có nghĩa là người tôi tớ, nhưng cũng đồng thời là con chiên. Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ được các ngôn sứ tiên báo, là Đấng sẽ hiến mình cho nhân loại. Người cũng là Con Chiên đích thực thay thế con chiên Vượt Qua.[2] Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, tất cả tội lỗi nhân loại được tẩy sạch.
Thế nhưng, mặc dù có sứ mạng dọn đường cho Chúa Giêsu, nhưng chính Gioan Tẩy Giả thú nhận rằng ông đã không biết Người, cho đến khi ông được Thánh Thần cho thấy, và ông làm chứng: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (c.34). Thật vậy, ông đã được thấy Thánh Thần ngự xuống trên người thanh niên mang tên Giêsu, là em họ của ông, sau khi ông làm phép rửa cho Người ở sông Gio-đan.[3] Chính khi Chúa Giêsu hạ mình lãnh nhận phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả, thì Thiên Chúa và Thánh Thần mặc khải sự cao trọng tuyệt vời của Người.
Sở dĩ đau khổ và cái chết của Đức Giêsu có giá trị cứu độ, có khả năng thanh tẩy tội lỗi của toàn thể nhân loại, là vì Người là Con Thiên Chúa và chính là Thiên Chúa. Thánh Phêrô khẳng định rằng: “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn tuyền vô tì tích là Đức Kitô.”[4] Con người chúng ta dù có thánh thiện đến đâu cũng không tự đền được tội lỗi của chính mình, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Hiểu như thế, chúng ta mới thấy ơn cứu độ là vô cùng quý giá và không bao giờ xem thường tội lỗi, vì chúng ta không thể đền được dù chỉ là tội nhẹ.
Thật hạnh phúc cho chúng ta, là những tội nhân, nhưng lại được chính Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc. Người đã tuyển chọn chính Con của Người và “hiến tế” Người Con ấy để đền tội cho chúng ta. Ước gì chúng ta nhận ra niềm vinh dự và hạnh phúc lớn lao mỗi khi tham dự Thánh lễ và được mời gọi lãnh nhận Mình Máu Thánh của Người: “…phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.
Mẹ Maria đã cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao ấy khi sứ thần nói với Mẹ: “Đức Chúa ở cùng bà…bà sẽ thụ thai, sinh hạ…Con Đấng Tối Cao…”[5] đến nỗi cả linh hồn và thần trí Mẹ đều vui mừng hớn hở. Mẹ tin Con của Mẹ là Thiên Chúa cứu độ, và Mẹ một lòng cộng tác vào công trình cứu chuộc của Người. Vì thế, cùng với Chúa Giêsu, Mẹ cũng đón nhận đau khổ như một nữ tỳ trung tín của Thiên Chúa, cùng chịu sát tế như lời tiên báo của cụ già Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”, để sống niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa và chương trình của Người giữa bao nhiêu thử thách, nhưng với một sự tín trung trọn vẹn suốt đời.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi sống niềm vui khi được tham dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày, cùng Chúa đón nhận những hy sinh trong đời sống với lòng tin tưởng, phó thác.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp con luôn vững tin vào Chúa là Đấng cứu độ con, cho con biết cùng Mẹ đón nhận mọi hy sinh trong cuộc sống để nên giống Chúa hơn. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/Xi6D0T)
[1] X. Xh 12,5-13
[2] X. Lời Chúa cho mọi người, trang 1809 phần chú giải
[3] X. Lc 3,22
[4] 1Pr 1, 19
[5] X. Lc 1,26-38
()