fbpx

CÙNG MẸ SỐNG LỄ HỘI VALENTINE

LỄ HỘI VALENTINE
14.02

Ngay từ thời Trung Cổ đã có một vài nước tại châu Âu tổ chức lễ hội tình yêu này. Dần dần với hiện tượng toàn cầu hóa, lễ hội này đã được phổ biến khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, lễ tình yêu mới du nhập vào thời gian gần đây. Ngày 14 tháng 2 của năm 2008, nhiều cặp tình nhân đã tổ chức cưới tập thể dưới nước tại Hòn Mun, Nha Trang.[1]

Rồi cứ mỗi độ xuân về, cùng với hoặc sau tết Nguyên Đán, phần đông người trẻ trên đất Việt, từ thành thị tới thôn quê,  háo hức chờ đón lễ hội tình yêu. Thế nhưng, mấy ai biết được lịch sử và ý nghĩa đích thực của lễ hội dễ thương này, nên cứ để mình bị lôi cuốn vào vòng xoáy kinh tế thị trường và phong cách ăn chơi được cho là sành điệu, đưa tới những giây phút vui nhộn, sáng tạo, lãng mạn; nhưng hậu quả tiêu cực sau đó thì khôn lường: say sưa, xì ke, ma túy, ngáo đá, phá thai…


Thánh Valentine thành Rôma, nước Ý
175-269

Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của lễ hội tình yêu này, nhưng phần đông công nhận là thời Hoàng đế Claudius II, vì muốn cho đế quốc Rôma mà ông đang cai trị lúc đó được hùng mạnh, ông  quyết định không cho phép bất cứ một người đàn ông nào được kết hôn, để tự do xung vào chiến trận. Những thanh niên trai tráng rất tức giận với cái luật mới này của ông ta. Cha Valentine, vì yêu thương người trẻ, tiếp tục cử hành lễ cưới cho các đôi vợ chồng trẻ trong bí mật và cầu nguyện cho họ để tình yêu của họ được Thiên Chúa chúc lành và có thể sống chung thủy với nhau suốt đời. Dĩ nhiên ngài bị theo dõi sát nút. “Và một đêm khi đang làm đám cưới cho một đôi tình nhân ông nghe thấy tiếng bước chân. Thật kinh hoàng! Nhờ ơn Chúa, đôi tình nhân đã kịp trốn thoát, nhưng ông đã bị bắt (có lẽ tại bước chân của ông đã không còn nhanh nhẹn như trước đây). ông bị đưa ra toà và bị kết án tử hình. Những ngày còn lại trong tù chờ án tử, ông cố gắng sống một cách vui vẻ. Mọi việc thật là tuyệt vời. Rất nhiều thanh niên đã đến nhà tù để thăm ông. Họ ném hoa và những lá thư qua cửa sổ cho ông. Họ muốn ông biết rằng họ sẽ luôn luôn tin vào tình yêu. Một cô gái, em của người cai tù, được anh trai cho phép cô vào nhà tù thăm ông. Họ đã ngồi và nói chuyện với nhau hàng giờ liền. Cô gái đã giúp ông luôn giữ vững được tinh thần. Vào ngày ông phải lên đoạn đầu đài, ông đã chuyển một lá thư cảm ơn đến cô gái vì tình bạn và lòng trung thành mà cô gái đã dành cho ông và ký dưới bức thư dòng chữ: “Tình yêu của Valentine dành cho con”[2].

Cho đến nay, nhiều cặp tình nhân vẫn ký tên bằng cụm từ “Từ Valentine” của ngày xưa, thay vì tên mình trong các tấm thiệp Valentine. Dần dần, ngày 14 tháng 2 hàng năm đã trở thành ngày trao đổi các bức thông điệp của tình yêu và Thánh Valentine đã trở thành vị Thánh bổn mạng của những lứa đôi.


Lễ thành hôn của cặp đôi Maria-Giuse

Thế nhưng, chúng ta có biết rằng ngay từ trước công nguyên khoảng gần 2 thập niên, cũng có một cặp thanh niên thiếu nữ người Do Thái, đã thành hôn với nhau. Cặp đôi Maria-Giuse yêu nhau, hết lòng kính mến Thiên Chúa, tôn thờ Người là Chủ tể vũ trụ và con người. Hai bạn chuẩn bị xây dựng mái ấm gia đình, thì trong thời gian chờ đợi về chung sống, một biến cố đã xảy ra có nguy cơ làm tan rã mối tình tuyệt đẹp này, là:  “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.”[3]


Sứ thần Gabrien hiện đến truyền tin cho Đức Maria.

Thật bất ngờ! Maria bối rối là phải lắm, bởi lẽ cô đã thành hôn với Giuse rồi, nhưng chưa sống chung với nhau. Sao bây giờ lại được loan báo sẽ thụ thai con trai? Ai là tác giả của bào thai đó? Giải thích thế nào với Giuse được đây? Một con người có lòng kính mến Thiên Chúa như cô không thể nào làm chuyện “động trời” này được!!! Sau khi được nghe sứ thần giải thích: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà và, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”…[4] Maria đã hiểu được phần nào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại, cô sẵn sàng hy sinh tình yêu nhỏ bé của mình cho TÌNH YÊU lớn hơn. Dẫu biết rằng còn ý kiến của Giuse nữa, cô đón nhận nỗi đau của mình và cả nỗi đau của Giuse. Hơn nữa, cô chấp nhận bị hiểu lầm nhưng cô tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa của cô. Cô hiểu tình yêu đúng nghĩa luôn có hy sinh, nghĩa là phải đặt ý riêng của mình vào trong bàn tay của Đấng là TÌNH YÊU, nhờ đó tình yêu nhỏ bé của cô được thăng hoa.

Đời cô đã sang trang, những trang tiếp theo đều được viết bằng mực tình yêu hiến dâng. Ngày qua ngày, cùng đi với Giêsu trên các nẻo đường, Đức Maria thấm thía yêu là bẻ ra và trao đi cho đến cùng như chính Đức Giêsu, con của Mẹ đã sống và đã khẳng định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.[5]

            Cùng với thánh Giuse, Đức Maria đã sống lễ hội Valentine trước tất cả mọi người. Cả hai vị đã sống trong sạch và tròn đầy tình yêu nhỏ bé của mình trong biển TÌNH YÊU. Ước mong chúng ta, cách riêng các bạn trẻ đang náo nức với lễ hội này, biết noi gương Mẹ sống tinh thần lễ hội Valentine là biết trao đổi những thông điệp tích cực của tình yêu, chấp nhận những đòi hỏi và hy sinh của tình yêu đôi lứa, giúp nhau lớn lên nhờ sức mạnh của TÌNH YÊU đích thực.

Bài hát: https://nhacthanhcavietnam.com/mp3/dinh-nghia-tinh-yeu-2/


[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%A0y_Valentine

[2] Nt.

[3] Lc 1, 26-31

[4] Lc 1,35

[5] Ga 15,13 ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *