01.4.2023 – THỨ BẢY TUẦN V MÙA CHAY
Ga 11,45-57
“Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.” (Ga 11,51-52)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Có một chiếc tàu kéo đang chạy trên đường sắt, hệ thống điều khiển tự động bất ngờ trục trặc. Khi đó, con trai của người lái tàu đang bị kẹt chỗ chiếc thang. Nếu cứu cậu bé thì cả đoàn tàu sẽ chết, hoặc cứu đoàn tàu thì con trai ông sẽ bị nghiền nát… người cha buộc phải chọn lựa hy sinh đứa con trai duy nhất của ông để cả đoàn tàu được sống.[1]
Có thể nói, người cha trong câu chuyện trên đây giúp ta phần nào hiểu được tình thương của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại: Người sẵn sàng hy sinh Con Một yêu dấu để cứu nhân loại khỏi tội lỗi và cái chết đời đời. Thiên Chúa đã chọn cứu tất cả nhân loại và từng người chúng ta đang khi chúng ta phạm tội và bị mang án chết, Người chấp nhận hy sinh Con Một cho chúng ta được sống.
Thế nhưng, giới lãnh đạo Do thái khi đó lại lo sợ rằng: nếu để nhiều người tin vào Chúa Giêsu thì càng bất lợi cho họ. Vì thế, họ suy diễn rằng Chúa Giêsu sẽ có thể làm loạn, gây ảnh hưởng đến cả dân tộc, và họ quyết định Chúa Giêsu phải chết, để đem lại bình an cho dân. Với tư cách Thượng tế, Caipha nói rằng: “…điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (c.50). Ông không ngờ rằng ông đã nói tiên tri về cái chết cứu độ của Chúa Giêsu trong chương trình của Thiên Chúa: Đức Giêsu “không chỉ chết thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.” (cc.51-52)
Chính vì tội lỗi mà con người phải chết đời đời, nhưng Chúa Giêsu đã chịu chết thay cho tất cả chúng ta, Người giao hòa chúng ta với Thiên Chúa, và khi Phục Sinh, Người quy tụ nhân loại khắp nơi vốn bị ly tán vì tội lỗi và chia rẽ. Thập giá và sự Phục Sinh của Chúa Kitô là nguồn mạch phát sinh sự hiệp nhất và tình huynh đệ. Đặc tính “Công Giáo” của Giáo Hội cũng nói lên ý nghĩa đại đồng này, vì Giáo Hội quy tụ các tín hữu thuộc mọi chủng tộc, mọi nền văn hóa.[2]
Trong cuộc sống, ta dễ chọn hy sinh người khác để mình được lợi. Ta thường gây chia rẽ, bất hòa, dùng mạng xã hội để tung tin giả, nói xấu, gièm pha, bôi nhọ người khác, hoặc để khẳng định mình, thậm chí cha/mẹ chọn giết chết những thai nhi vô tội để bảo toàn danh dự và sự tự do, thoải mái của mình… Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày như thế, ta thấy mình cũng đang có mặt trong số những người kết án Chúa Giêsu hôm nay. Chỉ khi nào tôi dám bước ra khỏi chính mình để chọn Chúa và tha nhân, dám chấp nhận thua thiệt để nhường phần hơn cho người khác (tiền bạc, lợi nhuận, danh dự, tín nhiệm…); dám yêu thương đến thí mạng vì tha nhân (không phá thai, chấp nhận bị hiểu lầm) và trở nên sứ giả hòa bình, hòa giải…tôi mới thật sự nên giống Chúa Giêsu, “Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi.”[3]
Mẹ Maria đã “đứng gần thập giá ”[4] để cùng hiệp thông với Chúa Giêsu trong hy tế cứu độ nhân loại, và noi gương Chúa Cha, Mẹ hy sinh người Con yêu dấu vì tất cả con người, để nhờ cái chết của Người, toàn thể nhân loại được ơn cứu độ. Biểu tượng hai trái tim dưới hình thánh giá và chữ M ở mặt sau Mẫu Ảnh Phép Lạ[5] đã nói lên sự liên kết mật thiết của Mẹ với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ ấy. Mẹ đã chọn phần thiệt thòi mất đi người Con yêu dấu, để cả nhân loại được sống đời đời.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Chúa Giêsu và Mẹ, tôi chấp nhận những thiệt thòi trong cuộc sống, vì hạnh phúc của tha nhân.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, trong những ngày cuối Mùa Chay này, xin Mẹ dẫn con theo sát Chúa Giêsu, học nơi Người lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu tha nhân, dám hy sinh đến quên mình vì sự sống và hạnh phúc của người khác. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/hOIW26)
[1] X. https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bat-khoc-nguoi-dan-ong-hy-sinh-su-song-cua-con-trai-de-cuu-doan-tau-post76859.gd
[2] X. Lời Chúa cho mọi người, trang 1841, phần chú giải
[3] Gl 2,20
[4] Ga 19,25
[5] https://gdanhducmebanon.org/gioi-thieu-ve-anh-duc-me
()