DI NGÔN THỨ TƯ
“LẠY THIÊN CHÚA CON, LẠY THIÊN CHÚA CON,
NHÂN SAO NGÀI BỎ CON?”
(Mt 27,46)
[1]Cái chết đang lại gần, không phải là cái chết thể lý vốn đem đến giải thoát và bình an, nhưng là cái chết tượng trưng vực thẳm, tận diệt, tuyệt vọng. Cái chết đang lại gần, cái chết nói lên sự bất lực khủng khiếp, cô đơn nặng nề, tước bỏ trọn vẹn, lúc mà tất cả sụp đổ, chạy trốn, chỉ còn sót lại một sự ruồng bỏ chua xót, đau thương. Và trong đêm tối của tinh thần, của giác quan ấy, trong sự trống rỗng con tim ấy, linh hồn Chúa vẫn kiên trì cầu nguyện; nỗi cô độc gớm ghê của con tim ngập tràn đau khổ ấy đã trở nên nơi Chúa một tiếng kêu van lạ lùng. Ôi lời cầu nguyện của đau khổ, lời cầu nguyện của cảnh bị bỏ rơi, lời cầu nguyện của bất lực vô bờ bến, ngươi quả đáng ca tụng. Lạy Chúa Giê-su, nếu Chúa đã biết cầu xin trong một nỗi khốn cùng như vậy, thì còn hoàn cảnh bi đát nào mà con người không thể kêu lên với Chúa Cha? Còn nỗi thất vọng nào mà không thể trở nên lời cầu nguyện khi tìm đến ẩn thân trong cảnh bị bỏ rơi của Chúa? Còn sự câm nín lớn lao nào mà lại quyết tâm không muốn biết rằng một tiếng kêu im lặng như thế vẫn có thể đạt được niềm vui thiên quốc?
Để nói lên nỗi khốn cùng của Chúa, để biến cảnh cô đơn hoàn toàn của Chúa nên một lời kinh, Chúa đã xướng lên câu đầu tiên của một Thánh vịnh (Tv 22). Quả vậy, những lời Chúa nói: “Lạy Thiên Chúa con, lạy Thiên Chúa con, nhân sao Ngài bỏ con?” là câu đầu tiên của khúc ai ca cổ xưa ấy, khúc ai ca mà chính Thánh Thần Chúa đã đặt trên môi, trên lòng vị hiền nhân Cựu Ước, như một tiếng kêu cứu tuyệt vọng. Thành ra ngay cả Chúa, con dám nói thế, trên đỉnh cao sầu khổ, đã không muốn một lời cầu nguyện nào khác ngoài lời cầu nguyện muôn người trước Chúa đã thốt trên môi; và có thể nói là khi cử hành cuộc hy tế trang nghiêm mà mình là hy lễ, Chúa đã dùng những công thức sẵn mang tính cách phụng vụ, để qua đó nói lên trọn vẹn nỗi lòng.
Xin cho con biết cầu nguyện với lời của Giáo hội Chúa, để những lời đó trở nên cách diễn tả của lòng con.
[1] Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi trích dịch từ Spiritualité pascale, phần Documents et Prières. Paris, DDB, 1957, trang 275-278.
Bản gốc tiếng Đức RAHNER KARL, SJ. WORTE VOM KREUZ, Herder Verlag 1980, s.49-72.
()