fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 05.5.2023 – THỨ SÁU TUẦN IV PHỤC SINH

05.5.2023 – THỨ SÁU TUẦN IV PHỤC SINH

Ga 14,1-6

 “…để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,3)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Khi thuật lại bữa ăn cuối cùng trước khi chịu thương khó, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng Người sẽ ra đi, nhưng nơi Người đi, các ông không thể theo đến ngay lúc đó được. Ông Phêrô thắc mắc: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được?”[1] Câu hỏi ấy cho chúng ta có một cái nhìn rất đẹp về Phêrô: một con người nhiệt thành, bộc trực, nhưng rất tha thiết gắn bó với Chúa Giêsu.

Thật vậy, kể từ khi Chúa bước vào thuyền của ông trên bờ biển Galilê, ông đã say mê thán phục Chúa đến nỗi khi Chúa cho ông lưới được mẻ cá đầu tiên đổ đầy 2 thuyền, ông nhận ra thân phận tội lỗi của mình, nhưng thay vì tự tránh xa Chúa, ông lại “xin Chúa tránh xa con.”[2] Nhưng rồi, Chúa vẫn giữ ông ở lại với Chúa. Thế rồi, khi nhiều môn đệ khác cũng bỏ Chúa, thì chính Phêrô tuyên tín rằng: “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”[3] Nói tóm lại: Phêrô luôn một lòng tha thiết yêu mến Chúa Giêsu và không bao giờ muốn lìa xa Chúa.

Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lòng của Phêrô cũng như các môn đệ luôn muốn được ở với Người, nên “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha...” Người đã an ủi dỗ dành các môn đệ đang buồn phiền vì sắp phải xa Thầy: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (c.3)

Chỗ ở” mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây không phải là một nơi chốn theo địa lý, nhưng là tình trạng mà con người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và chiếu tỏa vinh quang của Người, đồng thời trong Chúa, chúng ta cũng được hiệp thông với nhau, với tất cả mọi người khác.[4]

Cho dù lúc yếu đuối, các tông đồ đã sợ hãi bỏ chạy và không ở với Chúa trong vườn cây Dầu, nhưng khi nhận được sức mạnh của Chúa Phục Sinh, các ông đã can đảm ở lại với Chúa trong sứ mạng rao giảng và làm chứng đến giọt máu cuối cùng. Các ngài đã nên giống Chúa Giêsu và xứng đáng ở với Chúa trên thiên đàng. Cũng thế, nếu tôi đón nhận những khó khăn thử thách trong cuộc sống, với sự trung tín như các tông đồ, thì đau khổ làm tôi trở nên giống Chúa và được cứu độ.

Là Thiên Chúa cao cả, nhưng vì yêu thương và muốn “ở với” con người, Chúa Giêsu đã không ngần ngại mang lấy thân phận con người, nếm trải tất cả mọi cảnh ngộ khó khăn của kiếp người. Người đã từng ở trong hoàn cảnh như chúng ta hôm nay, và Người vẫn đang ở đây vì tôi và cùng với tôi “tại đây, lúc này”. Người đón nhận những nghịch cảnh, thất bại, đau thương trong cuộc sống để nên giống tôi, để cứu độ tôi. Như thế, những đau khổ của tôi hôm nay trở thành phương tiện để tôi được “ở với” Chúa, kết hiệp với Chúa và thanh luyện bản thân tôi, để tôi được ở với Người mãi mãi.

Mẹ Maria đã ở cùng Chúa suốt hành trình dương thế, Mẹ trải nghiệm tất cả những sướng khổ, vui buồn cùng với Chúa, nhất là trong cuộc thương khó và cái chết đau đớn của Người. Không có nỗi đớn đau, xỉ nhục nào của Chúa chịu mà Mẹ lại không chịu cùng với Người. Tại Belem, tại Ai cập, Nazareth, Capharnaum, dinh Philatô, và nhất là trên thập giá. Chính vì thế, khi Chúa Phục Sinh, Mẹ cũng được tràn đầy hoan hỉ và được ở với Chúa cả hồn lẫn xác trên thiên đàng.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Cùng với Mẹ, tôi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, để Người sống với tôi, trong tôi, và tôi được ở với Người ngay từ bây giờ.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nhận ra sự hiện diện của Chúa mọi nơi mọi lúc và can đảm ở lại với Chúa khi vui cũng như lúc gặp gian nan thử thách, để con được ở với Chúa mãi mãi trên thiên đàng. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] X. Ga 13,33-36

[2] X. Lc 5,1-11

[3] Ga 6,68

[4] X. Lời Chúa cho mọi người, tr. 1848, phần chú giải.

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *