Sơ Catherine ngây ngất trước sự hiện diện của Đức Mẹ đang ở trước mặt. Theo như ngôn ngữ của chị: “Đức Mẹ đẹp! Vẻ đẹp tuyệt vời!”, hai tay tỏa rạng ánh sáng. Những chữ viết bằng vàng như hào quang vòng quanh Mẹ, thật kiều diễm! “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con là kẻ kêu xin Mẹ!”.
Ngay lúc đó, bức tranh có vẻ như quay lại, và Sơ Catherine nhìn thấy ở phía sau một chữ M, bên trái là thánh giá đứng trên một cây ngang, và dưới tên viết tắt của Maria, là hai quả tim, quả thứ nhất bị gai nhọn bao quanh, quả thứ hai bị lưỡi đòng đâm thâu.
Những lời ghi của người đã thấy Đức Mẹ, không nhắc đến 12 ngôi sao bao quanh chữ M và hai quả tim. Tuy nhiên, chúng luôn luôn có mặt ở bề trái của mẫu ảnh. Chúng ta chắc chắn rằng chi tiết này sẽ được Sơ Catherine nói ra bằng lời, trong thời gian Đức Mẹ hiện ra hoặc sau đó không lâu.
Một hôm, trong giờ nguyện gẫm, Sơ Catherine tự hỏi xem phải ghi khắc gì ở bên mặt trái của Mẫu Ảnh, một tiếng nói bên trong trả lời cho chị “chữ M, thánh giá và hai quả tim đã nói lên đầy đủ rồi”.
Biểu tượng ấy quả là rõ ràng đối với những Kitô hữu đã được cứu chuộc bởi một Thiên Chúa chịu đóng đinh trước sự hiện diện của người Mẹ đau thương của Ngài.
BÀI TƯỜNG THUẬT:
CUỘC TRỞ LẠI CỦA ALPHONSE RATISBONNE (tt)
Ngày hôm sau, Ratisbonne bắt đầu sắp xếp để chuẩn bị chuyến đi. Trước khi đi nghỉ, ông vội vã đọc kinh “Xin hãy nhớ”. Tuy nhiên, những lời kinh đó đã ghi sâu vào trí nhớ của ông, đến độ ngày hôm sau chúng cứ lởn vởn trong đầu suốt buổi ông đi lại trong thành phố.
Chuyến đi, thoạt đầu dự kiến cho ngày 17, sau được đình lại cho đến ngày 22 tháng giêng. Ngày 20, ông Ratisbonne tình cờ gặp xe của ông Bussières và được mời lên xe đi dạo một vòng, ông ưng thuận. Trên đường đi, xe qua trước thánh đường thánh André delle Fratte. Ông De Bussières xin phép dừng lại giây lát để vào phòng thánh liên hệ tí việc người ta nhờ. Ông đề nghị bạn mình chờ ông trong xe nhưng Ratisbonne thích ra khỏi xe để tham quan nhà thờ hơn.
Như Saolô trên đường Đamas. Chính nơi đây mà ông “được” ân sủng quyền uy đánh ngã và đã biến đổi ông thành một con người khác.
Ông tự kể lại sau này: “Tôi đang ở trong nhà thờ được một lúc, thình lình, tôi cảm thấy trong tôi có một cảm giác bồi hồi không sao tả được. Tôi ngước mắt nhìn lên, mọi thứ trong thánh đường đã biến mất đâu rồi. Chỉ có Nhà Tạm là nơi duy nhất mà mọi ánh sáng quy về, và, ở giữa vầng sáng đó, Đức Mẹ hiện ra, giống như trong Mẫu Ảnh. Mẹ đứng trên bàn thờ, cao cả, sáng ngời, uy nghi và dịu hiền. Một mãnh lực không thể nào cưỡng nổi đã đẩy tôi đến gần Mẹ. Đức Mẹ đưa tay ra dấu cho tôi quỳ: Mẹ có vẻ như nói với tôi “phải đấy”. Mẹ không nói một lời, nhưng tôi đã hiểu hết”.
Ta có thể hình dung được nỗi ngạc nhiên của bá tước De Bussières khi nhìn thấy chàng trai Do Thái đa nghi và châm biếm ngày hôm qua, giờ đây đang quỳ gối, sấp mình, tức tưởi khóc và âu yếm hôn lên Ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bá tước hỏi ông, nhưng ông không trả lời vì còn quá xúc động. Sau cùng, họ ra xe, và theo lời yêu cầu của ông, người ta đem ông đến gặp một vị linh mục, cha De Villefort, Dòng Tên. Người được diễm phúc ấy kể lại cho Cha nghe phép lạ mà Đức Mẹ vừa mới ban cho ông.
Vài ngày sau, Ratisbonne nhận Phép Rửa với tên thánh Marie. Ông từ bỏ mọi tham vọng thế gian và quyết định tận hiến để phục vụ các linh hồn. Ông trở thành linh mục thuộc cộng đoàn Père de Sion và chết ở Giêrusalem một cách thánh thiện.
Cha Marie-Alphonse Ratisbonne. N.D.S
(1814-1884)
CẦU NGUYỆN
Lạy Mẹ Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ, xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh. Xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương và nhậm lời con cùng. Amen.