09.9.2023 – THỨ BẢY TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 6,1-5
“Con Người làm chủ ngày Sa-bát”. (Lc 6,5)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Cụ ông Coella 96 tuổi, có người con trai bị tàn tật và ung thư máu. Hôm ấy ông phóng xe hơi nhanh qua khu vực trường học, để đưa người con trai 63 tuổi đó đi cấp cứu. Tuy nhiên, ông phải ra hầu tòa vì lái xe quá tốc độ quy định, gây nguy hiểm cho người khác. Trước tòa, ông giải thích: “Tôi đã 96 tuổi, tôi lái xe rất chậm. Tôi chỉ lái xe nhanh khi bắt buộc phải thế thôi. Tôi đưa con trai đi thay máu, con trai tôi là người tàn tật…” Nghe xong lời giải thích của ông cụ, thẩm phán kết luận ông cụ được trắng án, khiến những ai theo dõi vụ án cũng thấy thỏa lòng.[1] Vị thẩm phán này cho thấy luật pháp được ra đời để mọi người tuân thủ, nhưng sau tất cả và trên tất cả vẫn là tình người.
Thế nhưng, những người Pharisêu thời Chúa Giêsu đã không xử như thế, vì họ chỉ chú trọng việc giữ luật, mà không quan tâm đến tình người. Thật vậy, khi các môn đệ của Chúa bứt vài bông lúa bên đường vò trong tay mà ăn cho đỡ đói, những người Pharisêu không chút cảm thông cái đói, nhưng lại kết án là vi phạm luật ngày Sabat, vì bứt lúa và vò lúa là một hình thức gặt và xay, là công việc nặng nhọc!
Chúa Giêsu cho thấy hành động của các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Hơn nữa, chính Ngài là “Con Người”, Đấng “là chủ ngày Sabát”, Người muốn ngày Sabát được dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa, và cũng là để con người được nghỉ ngơi, lấy lại quân bình và sống bình an hạnh phúc. Thiên Chúa không muốn con người làm nô lệ cho nhu cầu ăn uống hay công việc lao dịch. Ngài muốn chúng ta dành ưu tiên cho sự sống con người hơn là khư khư giữ luật. Khi việc giữ luật cản trở sự sống của con người, thì luật trở thành gánh nặng. Như vậy, Chúa Giêsu không dạy ta coi thường Lề Luật, nhưng Người muốn chúng ta hiểu Lề Luật quan trọng nhất là Luật bác ái, để không ai bị áp lực bởi việc thực hành Lề Luật.
Tuy nhiên, phải xác định mức độ cần thiết để ưu tiên thực thi Đức Ái với con người, và việc tôn thờ Thiên Chúa. Chúng ta không thể mượn cớ làm việc từ thiện để bỏ lễ Chúa Nhật, cũng đừng làm ân nhân nhiều nơi để được nổi danh, nhưng lại lỗi đức công bằng về tiền bạc, hoặc chẳng quan tâm đến những người đau khổ, thiếu thốn ngay bên cạnh và trong gia đình của mình. Chỉ khi hành động nhân danh tình yêu, chúng ta mới làm vinh danh Chúa và giúp cho tha nhân được sống dồi dào hơn, hạnh phúc hơn.
Luôn theo sát Chúa Giêsu và giáo huấn của Người trong việc tôn thờ Chúa Cha, nên Thánh Vinh Sơn Phaolô dạy các con cái của ngài biết “rời Chúa ở nhà thờ để đi gặp Chúa nơi người nghèo” khi cấp bách: “nên nhớ rằng khi bỏ dở nguyện gẫm và thánh lễ vì nhu cầu khẩn cấp của người nghèo, chị em không mất mát gì hết. Vì thế, phải lưu ý đến tất cả những gì cần thiết đối với họ, nhất là những gì chị em có thể làm để giúp họ được ơn cứu độ: đừng để cho họ chết mà không lãnh nhận các bí tích...[2]
Mẹ Maria đã sống trọn vẹn tinh thần yêu thương của lề luật khi Mẹ đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể và đồng ý về ở cùng một mái nhà với Thánh Giuse, để chăm lo, nuôi dưỡng cho Con Thiên Chúa. Vì yêu mến Chúa, Mẹ tuân giữ luật thanh tẩy và dâng Con vào Đền, cho dù Mẹ và Chúa Giêsu không cần thực thi điều đó. Vì Chúa Giêsu, Mẹ cùng thánh Giuse tất tả đi tỵ nạn ở Ai-cập, Mẹ đi giúp chị Êlizabeth, giúp đôi bạn trẻ tại Cana… Đối với Mẹ, việc giữ luật không là gánh nặng nhưng là niềm vui để trao ban yêu thương.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi tuân giữ các luật lệ trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con biết yêu mến Chúa trong mọi người và yêu mến mọi người trong Chúa, nhờ đó, con cũng luôn trân quý sự sống và phẩm giá của mọi người. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://www.webtretho.com/f/nang-40/ong-cu-96-tuoi-hau-toa-vi-lai-xe-qua-toc-do-tham-phan-nghe-xong-ly-do-lap-tuc-xoa-toi
[2] BNC 31.7.1634
()