11.9.2023 – THỨ HAI TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 6,6-11
“Ngày Sa-bát được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” (Lc 6,9)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Nghỉ ngơi là một nhu cầu thiết yếu của con người. Riêng với người Do Thái, việc nghỉ ngơi ngày thứ bảy trong tuần (ngày Sa-bát) còn được quy định thành một khoản luật. Trong ngày đó, họ buộc phải ngưng hết các công việc để nghỉ ngơi, vì Thiên Chúa đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy sau khi hoàn tất công trình sáng tạo.[1] Các luật sĩ và biệt phái căn cứ vào điều đã được ghi chép trong sách Luật để không cho ai được phép làm việc, dù là những việc nhỏ nhất: “Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi, ngày thứ bảy là ngày Sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi”[2]. Họ quan trọng hóa việc giữ Luật đúng từng câu từng chữ, chứ không quan tâm đến con người.
Trong khi họ chỉ nghĩ đến những điều cấm làm trong ngày Sa-bát, thì Chúa Giêsu lại hành động để cho họ thấy “Ngày Sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sa-bát”[3], nên Người hành động và dạy các môn đệ những điều lành được phép làm vì tình yêu, và để nâng cao phẩm giá con người. Khi nhìn thấy người bị khô bại tay phải, Chúa Giêsu còn nhìn ra được tất cả nỗi khó khăn và đau khổ về thân xác và tinh thần của anh. Người muốn giải thoát anh ngay lập tức, chứ không hẹn đến ngày mai và cũng không chờ anh lên tiếng xin chữa bệnh, vì anh cũng chẳng dám xin khi thấy có các vị thủ lãnh của anh đứng đó.
Nhưng để dạy những người biệt phái và luật sĩ về ý nghĩa “giải phóng” của Tin Mừng mà Người đem đến cho nhân loại, Người hỏi họ một câu hết sức đơn giản: “Ngày Sa-bát được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” (c.9). Đương nhiên, ai cũng hiểu là “được phép làm sự lành”, nhưng thay vì trả lời, họ đã im lặng tỏ vẻ chống đối, không chấp nhận Tin Mừng giải thoát của Chúa Giêsu, cũng chẳng vui mừng với người bại tay vì anh được Chúa chữa lành. Lòng ganh ghét đã khiến họ không công nhận điều tốt Chúa Giêsu đã làm, thậm chí còn suy diễn sai lệch về Chúa và suy tính, tìm cách triệt hạ Chúa ngay trong ngày Sa-bát.
Thế giới càng càng văn minh, càng đòi hỏi quyền lợi được nghỉ lao động không phải chỉ ngày Chúa Nhật mà còn thêm ngày thứ bảy nữa. Thế nhưng, thay vì nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe, thay vì mở lòng, mở tay làm điều tốt đem lại bình an, hạnh phúc cho người khác, thì nhiều người lại lao vào những cuộc ăn nhậu, chơi bời, trụy lạc; hoặc đóng kín cửa lòng, sống ích kỷ, vô cảm… Ước gì chúng ta biết dành thời giờ ngày Chúa Nhật trước tiên cho việc thờ phượng Chúa, rồi quan tâm đến người thân trong gia đình, anh chị em lối xóm, cách riêng những người nghèo khổ.
Đứng trước nhu cầu khát mong ơn cứu độ của toàn thể nhân loại, và lời Chúa mời gọi cộng tác vào kế hoạch cứu độ, Maria thắc mắc: “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Nếu cưu mang sinh hạ Đấng Cứu Thế, mà Giuse, người đã đính hôn với Mẹ lại không nhìn nhận hài nhi thì theo Luật, Mẹ sẽ phải chết. Nhưng khi hiểu được “cách” Chúa thực hiện chương trình của Chúa, Mẹ can đảm “Xin Vâng” ý Chúa và phó thác cho quyền năng của Người. Mẹ thực thi đầy đủ mọi điều Lề Luật dạy liên quan đến Mẹ và Chúa Giêsu,[4] với tất cả sự tự do nội tâm, không cố chấp vào hình thức của Lề Luật.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi sống bổn phận Kitô hữu trong tình yêu đối với Chúa và quảng đại với mọi người cần được giúp đỡ.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết tôn trọng, tuân giữ lề luật của Chúa và Giáo Hội với tất cả lòng yêu mến, biết phân định và chọn lựa ưu tiên cho luật bác ái, vì bác ái là chu toàn lề luật.[5] Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. St 2,3
[2] Xh 20,10
[3] Mc 2,27
[4] X. Lc 2,39
[5] Rm 13,10
()