fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 363 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 2

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN
Jean-Pierre Renouard, CM

Ngày thứ nhất

MỘT PHÉP RỬA ĐƯỢC COI TRỌNG


Cha Vinh Sơn Phaolô đang là cha xứ Clichy,
rửa tội cho một em bé.  

… Để hướng tới sự trọn lành, phải mặc lấy tinh thần Đức Giêsu Kitô… Phải được tinh thần Đức Giêsu Kitô đổ đầy và làm cho sinh động. Để hiểu rõ điều này, phải biết rằng tinh thần của Người được đổ tràn trên mọi kitô hữu sống theo luật kitô giáo; Hành động và việc làm của họ đều được gieo rắc thần khí Chúa…

Nhưng thần khí được đổ tràn như thế ấy là gì? Khi người ta nói: “thần khí Chúa chúng ta ở nơi một người nào đó hay trong một hành động nào đó”, thì phải hiểu như thế nào? Phải chăng chính Chúa Thánh Thần được đổ tràn trên người ấy và hành động ấy? Đúng vậy, Chúa Thánh Thần, chính Người, đổ tràn trên những người công chính và đích thân Người cư ngụ nơi họ. Khi người ta nói rằng Chúa Thánh Thần hoạt động nơi một người nào, thì điều này phải được hiểu rằng Thần Khí Chúa, trú ngụ nơi người ấy, ban cho người ấy các khuynh hướng và tâm trạng mà chính Đức Giêsu Kitô đã có khi ở trần gian, và chúng khiến cho người ấy cũng hành động như Chúa, tôi không nói: một cách hoàn hảo như Chúa, nhưng tùy theo mức độ các ơn Thần Khí Chúa ban (XII, 107-108).

 

          Khi Vinh Sơn suy nghĩ về phép rửa của mình, ngài phát hiện rằng Chúa Thánh Thần đã để lại cho ngài chính tinh thần Chúa Giêsu, não trạng của Người … Ngài bị thôi miên bởi Đấng làm cho ngài sống bằng chính tinh thần của Chúa Cứu Thế: “Tinh thần của Chúa chúng ta là gì? Đó là một tinh thần yêu thương hoàn hảo, tràn đầy một lòng quý mến Chúa cách kỳ diệu và một lòng ước ao vô tận tôn vinh Chúa một cách xứng đáng, một sự hiểu biết về các điều cao cả của Chúa Cha để thán phục và tán dương chúng không ngừng…” (XII, 108).

          Ngài sốt sắng cầu nguyện bằng cách hướng về Chúa Ba Ngôi cư ngụ nơi ngài từ khi ngài chịu phép rửa:


Cha Vinh Sơn Phaolô sốt sắng cầu nguyện…

Ôi lạy Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô, Chúa được thánh hóa để loài người cũng được thánh hóa, Chúa đã trốn tránh các vương quốc trần thế, của cải và vinh quang của chúng, và chỉ quan tâm đến sự ngự trị của Chúa Cha trong các linh hồn, “Tôi không tìm kiếm vinh quang cho tôi, v.v…, nhưng tôi tôn vinh Cha tôi” (Ga 8, 54), nếu Chúa đã sống như thế với một bản vị khác, vì Chúa là Thiên Chúa do quan hệ với Chúa Cha, thì chúng con không thể làm gì được để bắt chước Chúa, Đấng đã kéo chúng con ra khỏi bụi đất và kêu gọi chúng con tuân giữ các lời khuyên của Chúa và khát khao được trọn lành. A! Lạy Chúa, xin kéo chúng con theo Chúa, xin cho chúng con được ơn thực hành gương mẫu Chúa… khiến cho chúng con tìm kiếm Nước Chúa và sự công bình của Chúa, và phó thác cho Chúa tất cả mọi sự khác; xin hãy làm cho Chúa Cha ngự trị trong chúng con và chính Chúa cũng hãy ngự trị trong chúng con bằng cách làm cho chúng con được ở trong Chúa bằng đức tin, đức cậy và đức mến, bằng sự khiêm nhường, vâng lời và kết hiệp với Chúa Chí Tôn “ (XII, 147-148).

          Chính vì Thiên Chúa mà sự hoàn thiện là mối bận tâm lớn nhất của ngài, cho bản thân ngài và các con cái của ngài: “Sắc lệnh tuyệt vời của Con Thiên Chúa! Người phán: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Điều nầy đòi hỏi mức cao lắm, ai có thể đạt tới được? Hoàn thiện như Chúa Cha hằng hữu! Tuy nhiên, đó là thước đo… Ôi, lạy Chúa Cứu Thế! Ôi anh em thân mến! Chúng ta hạnh phúc biết bao vì đang ở trên con đường hoàn thiện! Lạy Chúa Cứu Thế, xin ban ơn cho chúng con được bước đi thẳng trên con đường này và bước đi không ngưng nghỉ” (XII, 76-77).

          Vị thánh của chúng ta nhớ lại đã được đánh dấu Thánh giá và ngài ghi dấu ấy trên mình ngài với một lòng sùng kính đặc biệt. Ngài dạy các Nữ tử Bác ái đầu tiên: “Nếu các Chị hỏi tôi việc thực hành làm dấu thánh giá thường xuyên như thế này căn cứ vào đâu, thì tôi sẽ trả lời rằng, các Chị thân mến, thói quen này phù hợp với việc làm của các kitô hữu đầu tiên …”.  Họ dùng dấu thánh giá để dâng lên Chúa tất cả các hoạt động của họ, phù hợp với lời khuyên của thánh Phaolô: “Dù khi ăn, dù khi uống, anh em hãy làm nhân danh Chúa chúng ta” (X, 629-630). Theo bản năng, ngài trở lại với sự khôn ngoan kitô giáo bình dân, là mặc cho cử chỉ ấy một giá trị thánh thiêng. Bằng cách làm dấu thánh giá, ngài sống nhờ Chúa, củng cố đức tin và cả con người ngài.

          Ngài dạy người nghèo ở bệnh viện “Thánh Danh Chúa Giêsu” (Saint Nom de Jésus) đánh vần B.A, BA đầu tiên của đời sống kitô giáo, như thể ngài cho họ một cái địa bàn dẫn đường: “Cha Vinh Sơn bắt đầu hỏi lần lượt từng người một những người tốt bụng ấy về dấu thánh giá và chỉ cho họ phải làm dấu như thế nào, bằng cách đích thân ngài làm dấu nhiều lần để dạy họ bằng thí dụ cũng như bằng lời nói” (XIII, 159).

          Phép Rửa giả thiết một chuyển động kép là làm cho nghèo và làm cho giàu. Phải chết và sống trong Đức Kitô: “Anh em phải… trút bỏ chính mình để mặc lấy Đức Giêsu Kitô” (XI, 343).         

Đó là tất cả tính biểu tượng của Phép Rửa mà mọi hiệu quả thiêng liêng đều là quy luật sống: chết cho tội lỗi và được tự do sống một đời sống mới.            

Sự tự do này dẫn tới sự tái sinh, và sự tái sinh này là quà tặng của Thiên Chúa. Phép Rửa là một lời kêu gọi của Thiên Chúa, một ơn gọi, và nó sinh ra mọi lời kêu gọi khác. Thánh nhân giải thích điều này rất cụ thể cho các Nữ tử Bác ái đầu tiên:

          “Ơn gọi là một lời kêu gọi của Thiên Chúa để làm một điều gì. Ơn gọi của các tông đồ là một lời kêu gọi của Chúa để trồng đức tin trên khắp trái đất; ơn gọi của tu sĩ là một lời kêu gọi của Chúa trong việc thực hành quy luật dòng; ơn gọi của người lập gia đình là một lời kêu gọi của Chúa để phục vụ Chúa trong việc dẫn dắt một gia đình và giáo dục con cái; và ơn gọi của một Nữ tử Bác ái là lời kêu gọi của Chúa, Chúa nhân lành chọn Chị ấy chứ không phải biết bao nhiêu phụ nữ khác, đến với Chúa, để phục vụ Chúa trong tất cả các việc làm riêng biệt của loại đời sống này, mà Chúa sẽ cho phép thực hiện. Các con thân mến, đến mức độ, dù Chị này phục vụ trẻ em, dù Chị kia phục vụ tù nhân khổ sai, tại nhà hay ở bệnh viện, trong làng hay trong giáo xứ, các Chị đều được Chúa chọn giữa muôn ngàn người và khi chọn các Chị, Chúa phán với mỗi Chị mỗi cách, mỗi việc: “Ta muốn rằng linh hồn này được thánh hóa bằng cách phục vụ Ta trong việc làm này.” (IX, 353-354).

Nói đến lời kêu gọi là nói đến sự thánh hiến cho công việc mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Cha Vinh Sơn thường xuyên cổ vũ các con cái của ngài theo chiều hướng này và mời gọi chúng ta sống trong tình trạng hiến dâng: “Phúc cho ai tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa để làm các công việc mà Đức Giêsu Kitô đã làm và để thực hành các nhân đức mà Người đã thực hành...” (V, 584).


Nhà thờ giáo xứ trong làng Thánh Vinh Sơn Phaolô, vùng Landes,
nơi Vinh Sơn được sinh ra và lớn lên…

Khi khách hành hương làng Thánh Vinh Sơn Phaolô trong vùng Landes vào nhà thờ giáo xứ, người ấy khám phá, kinh ngạc, giếng rửa tội đã được dùng làm phép rửa cho vị thánh của đức bác ái và có thể thốt lên theo sau ngài:

          “Ôi! Hạnh phúc thay vì làm đẹp lòng Chúa luôn, vì làm được tất cả những gì người ta làm vì tình yêu Chúa và để làm đẹp lòng Chúa! Vì thế chúng ta hãy hiến thân cho Chúa… để từ nay mọi hoạt động của chúng ta đều được thực hiện vì tình yêu Chúa và để làm đẹp lòng Chúa; và như thế, mọi hành động, cho dù nhỏ như thế nào đi nữa, cũng sẽ có công trạng lớn lao trước mặt Chúa Chí Tôn” (XI,180).

(Còn tiếp) ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *