fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 363 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 5

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN
Jean-Pierre Renouard, CM

Ngày thứ tư
TẬN HIẾN CHO THIÊN CHÚA
VÀ NGƯỜI NGHÈO

Còn tình yêu nào lớn hơn mà người ta có thể làm
là dâng hiến toàn diện con người,
bậc sống và công việc cho sự cứu rỗi
và chia sẻ gánh nặng của những người đau khổ!

Ôi Chị thân mến, Chị sẽ được an ủi biết bao trong giờ chết vì đã tiêu hao cả cuộc đời Chị cho cùng một mục tiêu mà Đức Giêsu Kitô đã hiến mạng sống Người! Chính là cho đức ái, chính là cho Thiên Chúa, chính là cho người nghèo. Nếu Chị biết được hạnh phúc của Chị thì, quả thật, Chị thân mến, Chị sẽ vui sướng; vì, bằng cách làm điều mà Chị đang làm, Chị đã thực hiện lề luật và các ngôn sứ, là truyền cho chúng ta phải yêu mến Chúa hết tâm hồn, và yêu tha nhân như chính mình. Và còn hành động tình yêu nào lớn hơn mà người ta có thể làm là dâng hiến toàn diện con người, bậc sống và công việc cho sự cứu rỗi và chia sẻ gánh nặng của những người đau khổ! Đó là tất cả sự hoàn thiện của chúng ta (VII, 382).

            Tại sao vị linh mục này bị ràng buộc vào các điều xác tín ấy như chiếc tàu bị ràng chặt vào cảng? Bởi vì ngài đã trải qua một sự xác nhận có tính quyết định mà chúng ta đã nói đến. Ngài đã hiến thân cho người nghèo để hiến thân nhiều hơn cho Thiên Chúa sau những tháng ngờ vực và rối loạn tinh thần. Nhưng kinh nghiệm này đến với ngài từ xa. Thánh Vinh Sơn biết thế nào là nỗi bất hạnh và nhất là sự bối rối của linh hồn.

Trong nhiều tháng, ngài bị tình nghi trộm cắp. Người ta tố cáo ngài công khai trên bục giảng, trong hai ngày chúa nhật, đã ăn cắp túi tiền của ông chủ nhà. Tại Paris, năm 1608, ngài bị tố cáo là thành phần xã hội Gascogne. Ngài bị tách rời như là một kẻ ít có thể giao du được. Ngài nhận biết từ đáy lòng sức nặng của sự bất công. Vì sự lăng nhục này thật bất công. Nhưng ngài im lặng, cho dù bị dìm vào hạng người nghèo, người khốn khổ bị nhạo báng: “Không phải chúng ta có nhiệm vụ làm cho sáng tỏ; nếu người ta gán cho chúng ta điều chúng ta không làm, thì không phải chúng ta có nhiệm vụ biện hộ. Chúa muốn …chúng ta để cho Chúa phân định các sự việc. Chúa sẽ có cách làm cho người ta biết sự thật vào lúc thích hợp” (IX, 368).

            Từ khi bị lăng nhục, cha Vinh Sơn đứng về phía kẻ bị lăng nhục và càng ngày ngài càng trở thành một trong số họ. Kìa ngài đi trên con đường Phúc Âm ở mức cao nhất, con đường tiếp cận gần gũi. Sau này, ngài sẽ nói: “Chúng ta là linh mục của người nghèo. Chúa đã chọn chúng ta vì điều này. Đây là phần chính, còn mọi thứ khác chỉ là phụ” (Collet, VII, 168). Và với các Nữ tử Bác ái, ngài nói: “Nếu có một giám mục hỏi các Chị là ai… các Chị hãy nói với ngài rằng các Chị là Nữ tử Bác ái nghèo hèn, đã hiến thân cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo...” (IX, 533-534).

            Tháng giêng năm 1617, tại Gannes và Folleville, trong vùng Somme, ngài chứng kiến cảnh nguy khốn thiêng liêng và thấy rõ cần phải phải hoà giải các linh hồn với nhau và với Chúa. Vì thế phải dùng giải pháp duy nhất là: “truyền giáo”.   


Cha Vinh Sơn gặp cảnh bệnh tật và khốn khổ của cả một gia đình.

Sáu tháng sau, tháng tám năm ấy, ngài làm cha sở Châtillon trong vùng Dombes, ngài gặp cảnh bệnh tật và khốn khổ của cả một gia đình. Ngài thúc đẩy các giáo dân của ngài lên đường làm việc bác ái. Ngài chỉ còn biết hành động bằng sức mạnh của tình yêu thiết thực và thành lập các hiệp hội (mà ngày nay người ta gọi là các nhóm từ thiện) nhằm kéo dài một cách thường xuyên sự cứu trợ nhất thời vốn chỉ xảy ra khi cần thiết hoặc do tình cảm thúc đẩy.

 Ngài hình dung một sự qua lại không ngừng giữa hai cực bổ túc cho nhau: thể xác và tinh thần; ngài biết rõ trước hết cần phải săn sóc thân xác, nuôi dưỡng nó, thăm bệnh nhân và dành thời giờ ở bên cạnh họ. Các chỉ thị của ngài cho các “Bà Bác ái” đầu tiên thật rõ ràng: “Chị nào trực, sau khi lấy những gì cần thiết từ chị thủ quỹ để nuôi người nghèo hôm ấy, sẽ chuẩn bị bữa ăn tối, rồi đem cho các bệnh nhân, và khi đến gần họ Chị sẽ chào họ một cách vui vẻ và yêu thương, Chị sẽ đặt ngay ngắn cái mâm gỗ nhỏ trên giường, rồi trải một chiếc khăn bàn lên trên, đặt một cái dĩa, một cái muỗng và bánh mì, Chị sẽ rửa tay cho bệnh nhân, rồi đọc kinh trước bữa ăn, Chị sẽ múc cháo đổ vào một cái tô và để thịt trên một cái dĩa, sắp xếp mọi thứ trên cái mâm gỗ nhỏ, rồi thân ái mời bệnh nhân ăn, vì tình yêu Chúa Giêsu và Mẹ thánh Người, tất cả mọi sự bằng tình yêu, như thể Chị ấy lo cho con ruột mình hay đúng hơn, cho chính Chúa, vì Chúa xem điều thiện mà Chị ấy làm cho người nghèo là làm cho chính Chúa. Chị ấy sẽ nói với bệnh nhân những lời âu yếm về Chúa chúng ta…” (XIII, 427-428).

Ngài cũng tin rằng cần phải có một sự vực dậy tâm linh như là cách duy nhất để phục vụ tốt người nghèo. Ngài công bố Lời Chúa, lắng nghe lời thú tội của một nông dân xa Chúa và làm cho người ấy được bình an trở lại với Chúa. Ngài thiết lập Tu Hội Truyền giáo nhằm thông phần cứu rỗi dân nghèo đáng thương ở nông thôn.


Chúng ta phải đích thân giúp đỡ người nghèo
hoặc nhờ người khác giúp đỡ họ bằng mọi cách.

Kể từ nay, hai khía cạnh “thể xác và tinh thần”, đối với Vinh Sơn, bảo đảm cho sự phát triển sớm đầy đủ của con người. Với các Cha và các Thầy Tu Hội Truyền giáo, ngài nhấn mạnh: “Nếu có ai trong chúng ta nghĩ rằng ở trong Tu Hội Truyền giáo là để phúc âm hóa người nghèo chứ không phải để xoa dịu nỗi đau khổ của họ, để đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng chứ không phải các nhu cầu vật chất của họ, thì tôi xin trả lời rằng chúng ta phải đích thân giúp đỡ họ hoặc nhờ người khác giúp đỡ họ bằng mọi cách” (XII, 87). Và với các Nữ Tử Bác Ái, ngài đề nghị: “Vì thế, các Chị hãy thân mật với người nghèo, tôi van xin các Chị, và các Chị hãy chăm lo dạy họ các chân lý cần thiết cho phần rỗi, các Chị đã thấy điều này hết sức cần thiết như thế nào…” (IX, 253).

Chúng ta không thể không nghĩ đến lời Đức Thánh Cha Phaolô VI, ba thế kỷ sau: “Sự phát triển không phải chỉ là sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Để trở nên xác thực, nó phải toàn diện, nghĩa là thăng tiến mọi con người và con người toàn diện… Trong ý định của Thiên Chúa, mỗi người đều được kêu gọi phát triển, vì mọi đời sống đều là ơn gọi…” (Populorum progressio, số 14 và 15). 

Nhất là Vinh Sơn muốn phải tìm lại được giá trị tối thượng là Thiên Chúa bằng đức tin và đức mến, là hai nhân đức không thể thiếu. Thông phần vào sự sống của Thiên Chúa hằng sống, đó là tìm lại được phẩm giá làm “con” và được sống bằng Tình yêu. Để đạt tới nhận thức ấy, chúng ta cần phải “bức xúc”. Hơn thế nữa, ngài đã quyết định sống một cách triệt để. Ngài sống hiến dâng. Và ngài ngây ngất trước sự hiến thân của một người nào đó và đề nghị chúng ta cũng hãy làm như vậy: “Khi một Nữ tử Bác ái tốt hiến dâng cả cuộc đời mình để phục vụ Thiên Chúa, Chị ấy đã bỏ hết mọi sự, Chị không có gì trên thế gian này nữa, không cha không mẹ, không của cải, không tài sản, mà chỉ có sự hiểu biết về Thiên Chúa hay vì Thiên Chúa, có cơ sở vững chắc để tin rằng Chị Nữ tử ấy một ngày kia sẽ rất hạnh phúc. Nhưng có ít người biết điều này. A! thật tuyệt vời khi thấy một linh hồn mặc lấy ơn Chúa, được đức tính Thiên Chúa bao quanh, được mang Chúa trong tâm hồn mình, luôn luôn nhìn thấy Chúa! Nếu chúng ta thấy được linh hồn ấy, thì chúng ta sẽ rất vui vì được chiêm ngưỡng nó; chúng ta sẽ không thể hình dung vẻ đẹp của linh hồn ấy mà không bị choáng ngợp” (X, 337-338).

(Còn tiếp) ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *