fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 26.9.2023 – THỨ BA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

26.9.2023 – THỨ BA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lc 8,19-21

“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Thông thường, người con nào cảm thấy thân thuộc và an toàn với cha mẹ về mặt tâm lý, sẽ luôn thể hiện cảm xúc chân thật vui, buồn, đau khổ… với cha mẹ, cách riêng với người mẹ. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu bị lạc mất tại Giêrusalem lúc 12 tuổi, Mẹ Maria đã đau khổ ray rứt kiếm tìm suốt ba ngày. Câu trả lời của Chúa Giêsu khi gặp lại: “sao cha mẹ lại tìm con…[1] có thể gây sốc cho chúng ta, nhưng Đức Mẹ và thánh Giuse dù không hiểu vẫn đón nhận, vì thấu cảm và tin tưởng vào lời của con: “…Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Hơn hai mươi năm sau biến cố kinh khủng ấy, Chúa Giêsu bước vào đời sống công khai để loan báo Tin Mừng theo ý Chúa Cha, Mẹ càng thấu cảm và hiệp thông với Con trong đức vâng phục để Người đi, và dõi theo Người từng ngày, từng bước: Người đến sông Giođan để nhận phép Rửa của Gioan Tẩy Giả, Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện hơn một tháng rồi trở về Galilêa rao giảng Tin Mừng, quy tụ các môn đệ, chữa lành bệnh tật và trừ quỷ… Mẹ vui mừng chúc tụng Thiên Chúa. Khi dân chúng theo Người đông đảo, đa số là người nghèo, người bị cho là tội lỗi… Người bênh vực họ thì bị các nhà lãnh đạo tôn giáo nghi kỵ, phản đối, hiềm thù…Mẹ lo lắm. Lòng Mẹ càng xốn xang hơn khi nghe đồn rằng Người bị mất trí, nhưng cũng lại có người bảo rằng Người đầy quyền uy và phúc lành của Thiên Chúa.

Thế nên, cùng với vài người cháu trong họ hàng, Mẹ tìm đến tận nơi Chúa Giêsu đang ở. Hành trình khá gian nan đối với tuổi tác của Mẹ, vì đường sá và phương tiện đi lại khi ấy không như hiện nay. Khó khăn lắm, Mẹ và các anh em họ của Chúa mới tới nơi, đang lúc Người giảng dạy, và đám đông đang lắng nghe Chúa nên Mẹ phải nhờ người báo tin rằng Mẹ muốn gặp Người. Nhưng thật bất ngờ, Chúa đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (c.21).

Chắc chắn Đức Giêsu không có ý phủ nhận tư cách làm mẹ của Đức Maria hay xem nhẹ mối tương quan gia đình ruột thịt, nhưng Người muốn mở rộng mối tương quan ấy sang bình diện siêu nhiên, và những người đang lắng nghe Chúa giảng chính là những thành viên đích thực trong gia đình của Người, gia đình đó vượt xa hơn và bền chặt hơn liên hệ máu huyết, ruột thịt. Đây là dịp để Chúa gián tiếp khen người Mẹ yêu dấu của Người, bởi vì Mẹ luôn thấu cảm tâm tình chân thật của Con. Thật vậy, ngay từ buổi Truyền Tin, Mẹ đã chăm chú lắng nghe Lời Chúa và suy niệm để hiểu “cách” Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ. Mẹ đã xin vâng, làm theo điều Chúa muốn và để Chúa tùy ý thể hiện chương trình của Người trong cuộc sống của Mẹ.[2] Mẹ đón nhận và ấp ủ Lời, nên một với Lời và để Lời trở thành máu thịt của Mẹ. Mẹ đã hạ sinh Lời cho thế giới…Tuy nhiên, hành trình từ “nghe” đến “thực hành” của Mẹ không hề dễ dàng, thế nhưng Mẹ đã lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa Cha hơn tất cả mọi người.

Để được gia nhập vào gia đình thiêng liêng của Chúa, chúng ta cần học nơi Mẹ Maria cách lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Nghe suông thì dễ hơn, vì thực hành Lời Chúa luôn đòi ta phải hy sinh ý riêng, phải chấp nhận thiệt thòi vì sống chân thật, công bình, bác ái, hoặc phải chọn lựa giữa sự thật và danh dự bản thân, danh dự gia đình…

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, mỗi ngày tôi đọc và suy niệm Tin Mừng, chọn một câu Lời Chúa tâm đắc để tâm niệm và thực hành.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết yêu mến và khao khát gặp Chúa qua các Bí Tích, các việc đạo đức, các giờ cầu nguyện… biết tận dụng những giây phút rảnh rỗi để nhớ Chúa, thờ lạy Chúa trong tâm hồn và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] Lc 2, 49

[2] X. Lc 1,26-38

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *