fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 363 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 16

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN
Jean-Pierre Renouard, CM

Ngày thứ mười lăm  (Kỳ cuối)
CÙNG NHAU PHỤC VỤ
VÀ RAO GIẢNG TIN MỪNG

 

Các Chị phải thường xuyên nghĩ rằng công việc chính của các Chị và điều mà Chúa đòi hỏi cách riêng nơi các Chị là chăm lo phục vụ người nghèo, họ là chúa của chúng ta. Ôi! vâng, các Chị thân mến, họ là chủ của chúng ta. Chính vì thế mà các Chị phải đối xử với họ một cách dịu dàng và thân tình, và cũng chính vì thế Chúa đã đặt và kết hợp các Chị lại với nhau, chính vì thế mà Chúa đã thành lập Tu Hội các Chị (IX, 119). 


Các cộng đoàn vinh sơn sống theo hình ảnh Chúa Ba Ngôi
nghĩa là chỉ có một tâm hồn và một tinh thần.

Làm việc chung là mục tiêu của Vinh Sơn Phaolô. Ngài không quan niệm một cách nào khác. Ngay từ lúc sáng lập Hiệp hội Bác ái đầu tiên ở Châtillon, ngài đã thiết lập điều mà ngày nay chúng ta gọi là làm việc nhóm. Trước đám đông kéo đến “Maladières”, tên gọi của thành phố nơi có một gia đình tất cả đều đau ốm, Cha Vinh Sơn lưu ý có vô số người thiện chí, nhưng họ làm việc từ thiện một cách lộn xộn, lãng phí và mau chóng thiếu hụt! Làm sao sửa lại được điều này? “Không thể tập họp các Bà tốt lành này và khuyến khích họ hiến thân cho Chúa để phục vụ bệnh nhân nghèo sao?” (IX, 209).

            Từ đó, sáng kiến tổ chức luôn nảy sinh, mỗi “Hội Bác ái” mới đều thường thường biểu lộ một kiệt tác họp thành. Cấu trúc nhân bản được dự kiến: ông hội trưởng, chị bề trên, chị phụ tá thứ nhất, chị phụ tá thứ nhì, các chị nữ tỳ… Chúng ta thấy đây là một cách làm chủ yếu liên quan đến những người dấn thân phục vụ, và một nội quy đương nhiên được thiết lập: tiếp đón những người cần giúp đỡ, thực hiện chương trình nghị sự, yêu thương bệnh nhân, thăm viếng tù nhân, cứu giúp thiêng liêng, chôn cất người nghèo qua đời. Khi các Hiệp hội này có mặt ở Paris, chúng chạm đến các Bà quý tộc và các Bà này phải chấp nhận một sự nghiêm khắc như mọi người khác, cho dù có các vấn đề ngôi thứ. Kinh nghiệm cho thấy có nhiều hiệu quả hơn khi người ta làm việc chung với nhau và một cách có phương pháp. Việc làm này, như thế, đáp ứng sự thiết lập ban đầu: “Bởi vì phải lo sợ rằng sau khi bắt đầu công trình tốt đẹp này, nó sẽ tàn lụi sau một thời gian, nếu, để duy trì nó, họ cần có một sự họp nhất và liên kết với nhau nào đó, nên họ sẵn sàng kết hợp lại thành một tập thể có khả năng làm thành một hiệp hội” (XIII, 423).

            Sự cân nhắc nền tảng này sẽ được triển khai trong tất cả các bản hiến pháp Vinh Sơn. Tầm quan trọng và tính khẩn cấp của các tiếng gọi mà thánh Vinh Sơn cảm nhận được luôn luôn định hướng ngài tới những giải đáp có tính cộng đoàn.   

Các cha và các thầy Tu Hội Truyền giáo là như vậy. Ngày 4 tháng chín 1626, bốn anh em kết hợp lại và hình thành cộng đoàn đầu tiên. Chứng thư chính thức chỉ rõ đây là “sự duy trì một nhóm giáo sĩ, liên kết và hợp nhau lại để làm việc chung, trong sứ mạng truyền giáo, dạy giáo lý, giảng thuyết và giúp dân nghèo ở nông thôn xưng tội chung” (XIII, 204). Chúng ta hợp nhất để truyền giáo.

            Cũng vậy, Nữ tử Bác ái tổ chức lại để phục vụ và thật thú vị khi thấy các Chị trở thành, quả thật, một thực tại cộng đoàn.  

Vinh Sơn muốn có những cộng đoàn để rao giảng Tin Mừng hoặc phục vụ. Có người đã thắc mắc về mục đích này. Việc chăm chỉ đọc lại tư tưởng Cha Vinh Sơn Phaolô đã cho thấy rõ cộng đoàn là phương tiện ưu việt để có một cuộc truyền giáo hữu hiệu. Quá trình này đòi hỏi một sự xét mình nghiêm túc. Khi những căng thẳng, khó khăn, xung khắc nổi lên trong các cộng đoàn, thì không biết người ta có phản xạ tự hỏi về cách thức mà tất cả các thành phần của cộng đoàn đặt mình trong tương quan với người nghèo như thế nào không? Dự phóng hoạt động tông đồ phải tổ chức cộng đoàn tùy theo công việc người ta đòi hỏi chứ không phải ngược lại. Ai không thấy một định hướng tương tự thích đáng cho toàn thể Giáo Hội? Các kitô hữu tập hợp lại không phải chỉ vì thích được ở chung, nhưng vì một sứ mạng đã lãnh nhận từ một bề trên. Viễn cảnh này đưa tới việc quan niệm về cộng đoàn có thể năng động hóa chính cộng đoàn, cho nó nhiều khí thế hơn và nhiều sức sống tông đồ hơn.  

Vì mọi sứ mạng chính đáng đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Đây là yếu tố thứ hai được thánh Vinh Sơn quan tâm. Ngài ý thức rằng Thiên Chúa là nguyên lý ngay cả của cộng đoàn: mọi ủy nhiệm của đức ái đều đến từ Thiên Chúa.   

Thế nhưng, cộng đoàn Vinh Sơn còn có một chiều kích khác thường được Vinh Sơn giải thích: đó là một thực tại đức tin được quan niệm theo hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Và điều này có giá trị cho các Cha Truyền giáo và các Nữ Tử Bác Ái. Chẳng hạn, ngài chỉ ra: “Vì Thiên Chúa chỉ là một tự bản tính, và trong Chúa có Ba Ngôi, mà không phải Chúa Cha lớn hơn Chúa Con, và Chúa Con lớn hơn Chúa Thánh Thần, cũng vậy các Nữ tử Bác ái phải là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, cho nên các Chị càng nhiều thì càng chỉ là một tâm hồn và một tinh thần” (XIII, 633).

            Đấy, cánh cửa tình huynh đệ được mở ra. Làm sao không muốn đi vào mối quan hệ với người kia? Vinh Sơn phấn khởi khi tạo ra thậm chí một từ ngữ mới để diễn tả điều ấy: “sự hỗ trợ lẫn nhau”. Chúng ta hãy nghe ngài: “Ôi lạy Chúa!… Phải có điều ấy: phải hiệp thông với nhau, nói với nhau tất cả mọi sự. Không có gì cần thiết hơn… Phải có điều ấy, ước chi không có gì xảy ra, không có gì được làm, và không có gì được nói ra mà các Chị không biết lẫn nhau. Phải có sự hỗ trợ lẫn nhau này” (XIII, 641-642).

            Sự hỗ trợ lẫn nhau là hoa quả của sự hợp nhất. Vượt lên trên tinh thần nhóm đơn thuần, mỗi thành viên cộng đoàn hợp nhất trong Chúa, với anh em mình; và thái độ ba ngôi, vốn làm cho tinh thần Vinh Sơn có đầy đủ ý nghĩa, được thực hiện như một sự hợp nhất. Cha Vinh Sơn nói với một Chị Phục vụ: “Các Chị hãy sống chung với nhau như chỉ có một con tim và một linh hồn, để nhờ sự hợp nhất tinh thần đó các Chị trở thành một hình ảnh đích thực về sự hợp nhất của Thiên Chúa, như số lượng các Chị biểu thị Ba Ngôi của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần là dây liên kết Chúa Cha và Chúa Con, xin Ngài cũng là dây liên kết giữa chị em, xin Ngài ban cho chị em sự bình an sâu xa…” (IV, 235-236).


Các ngành chính của Gia Đình Vinh Sơn.
Ngoài ra, có khoảng 268 ngành khác chọn theo Linh Đạo Vinh Sơn

            Để kết thúc việc suy gẫm với cuốn sách tĩnh tâm tại nhà, chúng ta hãy nghe Cha Vinh Sơn tỏ bày những lời đơn sơ và sâu sắc mời gọi chúng ta tiến tới sự viên mãn của đức bác ái vì lợi ích của chúng ta và của người nghèo:Ôi lạy Đấng Cứu chuộc linh hồn chúng con, bằng tình yêu Chúa, Chúa đã muốn chết cho loài người, một cách nào đó Chúa đã rời bỏ vinh quang Chúa để ban vinh quang ấy cho chúng con và, bằng cách này, làm cho chúng con trở nên như những vị thần linh, làm cho chúng con giống như Chúa trong mức độ có thể, in dấu đức bác ái trong lòng chúng con, để một ngày kia chúng con được hợp nhất với Tu Hội Bác Ái xinh đẹp trên trời… Vì thế, ôi lạy Chúa, xin Chúa hãy làm cho tất cả chúng con đều được tràn đầy lòng yêu mến đối với Chúa, với tha nhân và với bản thân mình...” (X, 474-475). ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *