fbpx

BUỔI CỬ HÀNH LỄ AN TÁNG CỦA THÁNH VINH SƠN

BUỔI CỬ HÀNH LỄ AN TÁNG CỦA THÁNH VINH SƠN

Jack Melito, CM – NDĐ chuyển ngữ

“Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,

 cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.” (Hc 44,1)

Ngày 27.9.1660, vào khoảng 4g sáng,

 giờ mà cha quen thức dậy, cha lâm cơn hấp hối[1].

 

“Cha đã chết trong chiếc ghế cha vẫn ngồi bên lò lửa, mặc áo dòng, không vật vã. Cơn hấp hối đã không làm biến đổi gương mặt cha, mà hình như còn làm cho khuôn mặt cha đẹp hơn, uy nghi hơn, khiến cho mọi người đều ngạc nhiên”[1]

[2]Lúc qua đời, thánh Vinh Sơn Phaolô đã bị đưa ra khỏi những giới hạn mà sự khiêm nhường đặt ra cho ngài. Ngài không còn có thể tránh được những lời khen ngợi về các nhân đức cũng như những thành tựu của ngài. Những người hâm mộ được tự do ca ngợi ngài không ngừng mà không bị hạn chế. Sau đó, sự ngưỡng mộ đối với những thành tựu của ngài đã lan rộng hết mức đến nổi chỉ một lễ nhớ để vinh danh ngài thôi thì dường như không đủ để giúp mọi thành phần khác nhau đã từng được ngài phục vụ bày tỏ lòng tôn kính ngài.

 

Bởi vì thánh nhân qua đời vào sáng sớm ngày 27, nên các anh em của ngài có thể chuẩn bị nhanh chóng để buổi chiều và các giờ chiều hôm có thể dành cho tất cả bạn bè và những người ngưỡng mộ đến viếng thăm. Cha Coste đã thuật lại: “Vào buổi sáng, cả thành phố Paris đã được biết về tin buồn và các đoàn khách bắt đầu đến: Các lãnh chúa và phu nhân quyền quý, các hội trưởng nghị viện, các giám mục, các linh mục, các thành viên của các dòng tu nam nữ, và giáo dân thuộc mọi tầng lớp, đã xếp hàng quanh chiếc giường đặt thân thể ngài.” “Lễ tang trong nhà thờ Saint-Lazare được cử hành vào ngày 28, cũng thu hút một đám đông tương tự: Vị Đại diện Đức Giáo hoàng, các giám mục, các linh mục và rất nhiều người khác”. Cha Coste nói, ngay cả sau khi ngài được mai táng, dòng người than khóc đến ngôi mộ vẫn diễn ra trong nhiều ngày, bao gồm “các bệnh nhân và những người đau yếu được thu hút đến đó với hy vọng được chữa lành.”

Ngoài các cuộc thăm viếng cá nhân, còn có vô số đoàn người khác cùng với một danh sách dài các bạn bè của thánh nhân đã đến Saint-Lazare với lòng kính trọng. Các thư chia buồn đến từ các nhân vật cấp cao trong Giáo hội cũng như trong xã hội dân sự, từ hoàng gia, từ các cha sở. Cha Coste đã trích dẫn lời của một linh mục như là một trong những tiếng vang cảm xúc chung của tất cả mọi người: “Tôi có vinh dự được biết cha Vinh Sơn trong ba mươi năm qua. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì không vĩ đại hay không thánh thiện nơi ngài. Tôi luôn coi ngài là một tông đồ đầy Thần Khí Chúa; tắt một lời, ngài là một vị thánh của thời đại, nơi ngài, mọi nhân đức được kết hợp ở một mức độ xuất sắc.”

Ngoài thánh lễ chính thức ra, còn có nhiều nơi khác – tại các nhà thờ chính tòa trên toàn quốc, tại các giáo xứ và nhà nguyện của cộng đoàn tu trì – cũng cử hành thánh lễ cầu nguyện cho ngài. Có một lễ nhớ đặc biệt dành riêng được tổ chức vài tuần sau khi ngài qua đời – ngày 23 tháng 11, được cử hành bởi các linh mục tham dự buổi Hội thảo ngày Thứ ba hàng tuần, để tôn vinh vị sáng lập của họ. Sự kiện này đã bị hoãn lại để cho nhà diễn thuyết có thời gian chuẩn bị bài giảng thuyết của mình. Một cuộc quy tụ lớn “các giám mục, linh mục, tu sĩ, và vô số những người khác”. Vị diễn thuyết dịp này là Đức cha Henri de Maupas du Tour, Giám mục giáo phận Le Puy, người mà theo Đức cha Abelly đã thuật lại, “không thể nói hết điều ngài muốn nói, mặc dù ngài đã nói hơn hai giờ, (đức cha Abelly xác nhận rằng) chủ đề của ngài rất rộng lớn, ngài được yêu cầu nói theo từng đợt trong suốt mùa chay, để chia đều các chủ đề đó”. Cha Coste nhận xét, mặc dù bài giảng có “một số đoạn có ý ca ngợi”, nhưng đó chỉ là sự thương hại, với một chút tiếc nuối rằng, Bossuet không thể là nhà thuyết giảng: “Vị anh hùng bác ái vĩ đại nhất, chắc chắn đáng có những lời ca tụng, được công bố bởi những nhà hùng biện Kitô giáo vĩ đại nhất.”

 

Khi giờ của thánh Vinh Sơn đến, cái chết xuất hiện như một vị khách đã được mong đợi từ lâu. Đức cha Abelly mô tả sự bình tĩnh của thánh nhân, ngài chờ đợi kết quả, “trong ý thức rất đỗi bình yên và tâm trạng không lo âu… Như ngài đã bày tỏ, ngài chỉ được thấy cái chết nhanh chóng của mình, đau đớn bởi nhiều căn bệnh khác nhau đến nỗi ngài đang nhìn mình chết, nhưng vẫn không có thay đổi rõ rệt trong cách cư xử bên ngoài của ngài, ngoại trừ sự yếu đuối và hao mòn sức khỏe từng chút một.” Đó là một sắp đặt tự nhiên của tính thận trọng, thánh nhân, “như mọi khi, ngồi trên chiếc ghế của mình, mặc quần áo chỉnh tề, hướng về các công việc của Tu Hội như là thói quen của ngài. Tinh thần của ngài thậm chí còn ít thay đổi hơn cả thể chất, vẫn bình tĩnh và lặng lẽ cho đến giây phút cuối cùng.”

Đối với Vinh Sơn, đây là một thái độ từ bỏ quen thuộc. Ngài cảm thấy không cần thiết phải chuẩn bị bất cứ điều đặc biệt nào cho cái chết. Ngài từng nói với một anh em đã muốn biết về sự suy yếu sức khỏe của ngài: “trong mười tám năm qua, tôi đã không bao giờ đi ngủ mà không để mình sẵn lòng trình diện trước mặt Chúa trong chính đêm đó.” Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nghe ngài đáp lại, “với một nụ cười,” với những ai thấy giấc ngủ kéo dài của ngài những ngày cuối đời: Đó là “người anh trai đang đến gặp em gái,” mà Đức cha Abelly muốn nói là “ngủ như anh trai đang chờ đợi cái chết của em gái.” Cuộc gặp gỡ cuối cùng đó đã diễn ra vào ngày 27 tháng 09 năm 1660.

                                                                                                Tháng 11/1990

[1] Luigi Mezzadri, CM-Tiểu sử thánh Vinh Sơn Phaolô, trang 126

[2] Nguồn: vinhson.net ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *