fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 28.9.2023 – THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

28.9.2023 – THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lc 9,7-9

 “Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?”  (Lc 9,8)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Năm 2008, Phạm Đình Cử (14 tuổi, ở Hà Nội) đã bắt cóc đứa em họ 5 tuổi để tống tiền người cô họ, vừa trả thù vì nghĩ rằng cô đã bắt nạt mẹ mình. Sợ rằng đứa bé nếu được thả về sẽ khai tội của mình, Cử đã cùng người bạn giết chết em nhỏ và tiếp tục gửi thư tống tiền để chơi game. Khi bị bắt và lĩnh án tù, Cử vẫn chưa ý thức đầy đủ về tội ác của mình nên lúc mới vào trại, cậu ta vẫn ăn ngủ, sinh hoạt bình thường. Nhưng càng lớn, cậu ta càng ý thức tội ác đã phạm và luôn bị nỗi ân hận, hối tiếc giày vò, cắn rứt lương tâm.[1]

Đó cũng là tâm trạng của vua Hêrôđê sau khi ra lệnh giết Gioan Tẩy Giả. Vua biết rõ điều đúng, điều sai, biết sự sống con người là thánh thiêng, vì thế không được giết người, cũng không được sống với người đàn bà không phải là vợ của mình… Nhưng vì đam mê sắc dục và danh vọng, vua đã hành động bất chấp tiếng lương tâm. Gioan Tẩy Giả nhắc nhở, vua đã không nghe, lại bắt ông tống ngục, rồi vì sĩ diện mà ra lệnh giết ông.

Vì thế, khi nghe được những việc lạ lùng Đức Giêsu đã làm, vua liên tưởng ngay đến Gioan Tẩy Giả. Vua sợ phải đối diện với lời tố cáo của Gioan và của Chúa Giêsu, và vì thế, vua càng mong muốn được gặp Đức Giêsu, để biết rõ Người có phải Gioan Tẩy Giả tái sinh hay không, và hơn nữa, vua muốn xem Người làm phép lạ như xem ảo thuật để giải trí mà thôi. Chúa Giêsu cũng đã cho Hêrôđê được gặp Người trong cuộc thương khó, nhưng Người không làm phép lạ để thỏa mãn tính hiếu kỳ của ông ta. Vì thế, sự mừng rỡ của ông ta phút chốc tan biến trước sự im lặng và thái độ điềm tĩnh của Đức Giêsu. Vì không nhận biết Người, ông ta đã chế giễu Chúa là điên rồ[2], nhưng thực ra, chính ông ta mới là kẻ điên rồ và mất hết tính người.

Không riêng Hêrôđê, nhưng rất nhiều người trong chúng ta hôm nay vẫn cố chấp trong điều sai, rồi lại che đậy điều mình đã làm. Chúng ta rất dễ hành động nghịch lại tiếng lương tâm, chỉ vì sợ bị đàm tiếu, sợ mất danh dự. Ta biết phải sống theo sự thật, nhưng lại cứ gian lận và lường gạt nhau, chỉ vì tham lam của cải, thỏa mãn nhục dục, thích hưởng thụ, ăn chơi… Chính vì thế, ta luôn cảm thấy “không có giờ” học hỏi về Chúa. Có những người đọc và nghiên cứu Kinh Thánh như một môn học để thỏa mãn kiến thức và óc thực dụng của họ mà thôi. Chúa Giêsu luôn chờ đợi gặp ta nơi Bí tích Thánh Thể, Lời Chúa, mỗi biến cố và nơi mỗi người ta gặp gỡ hằng ngày để mặc khải cho ta về chính Người. Chỉ có lòng khiêm tốn thật sự và nhạy bén với tiếng lương tâm, ta mới có thể nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, sẽ ngày càng được biết Chúa hơn và biết mình rõ hơn nữa.

Với tâm hồn khiêm nhường sâu thẳm và sự khao khát gặp gỡ Thiên Chúa, Mẹ Maria đã được Thiên Chúa viếng thăm ngay trong cuộc sống thường ngày. Cuộc gặp gỡ đó đã thay đổi toàn bộ cuộc đời Mẹ, không phải từ tội nhân thành thánh nhân, nhưng là từ một người với dự tính sống cho mình như mọi người, Mẹ đã được biến đổi để sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho nhân loại. Qua thái độ và lời nói, Mẹ dạy chúng ta những nền tảng của đời sống Kitô hữu: Mẹ không ngừng hướng lòng mình về Chúa Giêsu là Chân-Thiện-Mỹ và làm mọi sự trong ý hướng ngay lành, thánh thiện. Đức tin đã làm cho Mẹ trở nên người mang lấy Chúa Kitô và đem Chúa cho người khác.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Cùng với Mẹ Maria, tôi giục lòng khao khát gặp Chúa mỗi khi tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin hướng dẫn con trở về với Chúa sau mỗi lần lầm lỗi, biết lắng nghe và làm theo tiếng lương tâm, vì đó là tiếng Chúa nói trong lòng con, để mỗi ngày con được biết Chúa hơn và biết mình hơn nữa. Amen.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] X. https://dantri.com.vn/phap-luat/am-anh-toi-loi-20150903081613578.htm

[2] X. Lc 23,11

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *