03.11.2023 – THỨ SÁU TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN
Lc 14,1–6
“Đức Giêsu đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về” (Lc 14,4)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Mẹ tôi từng bị phù thũng rất nặng, toàn thân bị sưng phù, chạm vào bất cứ chỗ nào cũng thấy đau. Ngay cả khi bác sĩ chạm nhẹ nhàng vào tay chân để khám bệnh, mẹ tôi cứ nài nỉ: “Đau quá! Xin nhẹ tay thôi!…”
Chúa Giêsu đã thấy một người bị phù thũng như thế, khi Người được mời dùng bữa với những người Pharisêu và những nhà thông luật. Những người này giữ luật rất kỹ, nhưng lại thiếu tình người: họ không chỉ làm ngơ trước sự đau đớn của bệnh nhân, mà còn tận dụng cơ hội này để dò xét xem Chúa Giêsu có chữa bệnh trong ngày Sa-bát không, để có cớ tố cáo Người. Không biết tình cờ hay cố ý, mà họ để anh ta ngồi trước mặt Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không làm ngơ trước căn bệnh và nỗi đau đớn của anh, cho dù anh không hề lên tiếng xin được Chúa cứu chữa. Chắc chắn với căn bệnh đang mang trong mình, ước mong lớn nhất của anh là được chữa lành, nhưng anh cũng biết rõ Luật cấm làm việc trong ngày Sabát.
Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn cho những người Pharisêu và thông luật đang có mặt ở đó biết rằng: luật ngày Sabát được làm ra là vì con người,[1] và bất cứ luật nào được đặt ra, cũng phải đem lại cho con người bình an và hạnh phúc. Chính vì thế Người đặt câu hỏi gợi ý cho họ: “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không?” (c.3). Đương nhiên, Luật chỉ cấm “làm việc” nhưng cho phép “cứu chữa”, nhưng họ vẫn chai đá làm thinh. Đối với họ: con lừa sa xuống giếng trong ngày sa-bát, họ vẫn kéo lên, vì đợi qua hôm sau nó sẽ chết. Nhưng với con người họ lại chẳng quan tâm.
Đức Giêsu “đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về” (c.4). Người muốn cứu chữa con người ngay trong ngày sa-bát, để họ được sống hạnh phúc và việc đó chính là lời tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa không vui gì khi chúng ta ca tụng Chúa mà lại làm ngơ trước sự đau đớn thân xác hay nỗi đau khổ tâm hồn của anh chị em mình. Cũng thế, Chúa không thích những nghi lễ nặng hình thức mà thiếu lòng sốt sắng. Đừng tưởng cứ cho vay nặng lãi để có nhiều tiền dâng cúng các đền đài là sẽ lên thiên đàng ngay sau khi chết. Cứ tham gia thật nhiều hội đoàn, đi hành hương hết các nơi thánh, mà bê trễ việc chăm sóc gia đình, cãi cọ nhau…Chúa cũng chẳng vui đâu. Trái lại, chính khi chúng ta chu toàn bổn phận hằng ngày và yêu thương chăm sóc những người thân cận, là ta tôn vinh Chúa.
Chiêm ngắm cuộc sống và cách hành động của Chúa Giêsu, Thánh Vinh Sơn Phaolô đã hiểu bậc thang giá trị của các nhân đức, ngài đã thực hành và dạy các con cái: “Đức bác ái là nữ hoàng của các nhân đức, phải rời bỏ tất cả vì bác ái”[2]
Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, cũng là một “thầy thuốc” nội tâm. Xưa, Mẹ thể hiện tài quan sát tuyệt vời trong tiệc cưới Cana. Mẹ mau mắn, kiên trì và tin tưởng xin Chúa Giêsu can thiệp, giúp họ xua tan lo lắng hết rượu ngay giữa chừng tiệc.[3] Mẹ cũng luôn đồng hành với các tông đồ để nâng đỡ các ngài khi yếu đau, chán chường, tâm lý lắng lo vì sứ vụ. Và nay, Mẹ vẫn luôn ở bên, nâng đỡ và chữa lành cho bao người về phần hồn lẫn phần xác. Qua những lần hiện ra tại Lộ Đức, tại Fatima… Mẹ luôn bày tỏ tình thương với con cái Mẹ trên toàn thế giới bằng sự chữa lành cho nhiều người mang những bệnh tật hiểm nghèo và ban ơn hoán cải cho các tội nhân.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi luyện cho mình sự nhạy bén với những đau khổ, thiếu thốn của người xung quanh, nhất là quan tâm đến những người yếu kém nhất về sức khoẻ tinh thần và thể lý, biết can đảm lên tiếng bênh vực người yếu thế…
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ khơi lại trong tim con ngọn lửa yêu thương, để con trở nên như “vị lương y” biết cảm thương người, nên chứng nhân biết đem tình yêu Cứu Độ của Đức Giêsu, Con của Mẹ, đến với nhân loại.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Mc 2,27.
[2] TVS Coste VII, 457
[3] X. Ga 2,1–12.
()