08.01.2024 – THỨ HAI
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA – NĂM B
Mc 1,7-11
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1,11)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trình thuật Lời Chúa hôm nay, qua thánh sử Luca, cho chúng ta thấy một quang cảnh thật đẹp: ông Gioan Tẩy Giả đang làm công việc “dọn đường” cho Đấng Cứu Thế, người ta tuôn đến với ông để nhận phép rửa tỏ lòng sám hối vì tin vào lời ông rao giảng (c.7-8). Sau đó, Chúa Giêsu đã hết thời gian ẩn dật, từ Nazaret miền Galilê đến sông Gio-đan, bước xuống sông với Gioan để xin ông làm phép rửa cho Người (c.9). Tuy nhiên, khi Ngài bước lên thì điều kỳ diệu xuất hiện: “Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình (c. 10).
Các tầng trời xé ra trước hành động bước lên của Chúa Giêsu từ vực thẳm của nhân loại, cũng xé đi sự ngăn cách giữa trời và đất. Từ đây, Chúa Giêsu trở nên điểm gặp gỡ giữa trời cao và đất thấp, nói cách khác, là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Sự hạ mình vâng phục kế hoạch cứu chuộc của Cha rất đẹp lòng Chúa Cha đến nỗi Ngài long trọng tuyên bố cho cả vũ trụ được biết: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (c.11). Sau thời điểm “phong vương” rất đặc biệt này, Chúa Giêsu chính thức khai mạc sứ vụ, bằng cuộc “tĩnh tâm” trong hoang địa để ăn chay, cầu nguyện với Chúa Cha[1]. Phụng Vụ trong Giáo Hội bước sang “mùa thường niên”.
“Thuật ngữ “mùa thường niên” có gốc từ tiếng Latinh ordo, có nghĩa là “theo thứ tự”, theo nghĩa nào đó, nó có tên “thường niên” là dựa vào việc gọi tên các ngày Chúa Nhật theo số thứ tự (Chúa Nhật thứ nhất, Chúa Nhật thứ hai…).
Tuy nhiên, nó còn có một ý nghĩa sâu sắc hơn. Hội Đồng Giám Mục Mỹ đã giải thích như sau:“…Còn các ngày Chúa Nhật trong mùa thường niên hướng chúng ta đến cuộc sống của Đức Kitô. Đây là thời gian hoán cải, thời gian sống cuộc sống của Đức Kitô.
Mùa thường niên là thời gian lớn lên và trưởng thành, trong đó mầu nhiệm của Đức Kitô được đào sâu hơn nữa để rốt cuộc hướng đến cuộc trở lại của Đức Kitô. Toàn bộ lịch sử sẽ được đi đến đỉnh cao vào Chúa Nhật cuối cùng của mùa thường niên là ngày lễ Chúa Kitô, vua vũ trụ.”
Như thế, mùa thường niên là khoảng thời gian đặc biệt trong Giáo Hội, tập trung toàn bộ vào đời sống của Đức Kitô trong ba năm sứ vụ của Ngài. Chính vì thế mà mùa thường niên bắt đầu vào ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, là lúc mà Ngài bắt đầu cuộc sống sứ mạng công khai của mình”[2].
Khi dìm mình vào dòng nước, Đức Giêsu đã dìm mình vào giữa nhân loại tội lỗi để thánh hóa nhân tính của chúng ta, đồng thời chấp nhận đau khổ và cái chết, và Người bước lên khỏi nước để dẫn ta vào vinh quang Phục Sinh. Mỗi người chúng ta đã được rửa tội để trở thành Kitô hữu, con của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Chúng ta hãy nhớ gìn giữ tấm áo trắng được trao cho trong ngày này, bằng cách nhìn lại nó mỗi ngày, nếu chẳng may bị hoen ố, hãy xin lỗi Chúa ngay và thường xuyên làm mới lại nó qua bí tích Hòa Giải.
Đức Maria đã sống đẹp lòng Thiên Chúa và chu toàn trọn hảo luật Do Thái suốt đời sống của Mẹ. Mẹ đã dìm cả cuộc đời của Mẹ vào mầu nhiệm Nhập Thể và cứu độ của Chúa Giêsu, cùng sống và cùng chịu đau khổ với Người. Chính vì thế, Mẹ được Thiên Chúa đem về trời cùng hiển trị với Chúa Giêsu Con, làm Nữ Vương cả thiên đàng và nhân thế.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Nhận ra ý nghĩa của phép rửa tôi lãnh nhận và sống sao cho xứng với chức danh Kitô hữu của mình.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết sống xứng với bổn phận là Kitô hữu, thực thi Lời Chúa dạy, và luôn ý thức rằng: nhờ bí tích Rửa Tội, con được tháp nhập vào thân thể của Chúa Giêsu, Con của Mẹ và được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Trong mỗi phút giây của cuộc sống, xin cho con biết làm mọi việc cho “Danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.”
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Mc 1, 12-13
[2] http://ttmucvusaigon.org/linh-dao—muc-vu/phung-vu/dau-la-y-nghia-trong-tam-cua–mua-thuong-nien–/
()